Quốc tế

doanh nghiệp Mỹ bỏ Philippines sang Việt Nam?

(DNVN)-Ít nhất 2 công ty Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho hoạt động kinh doanh của mình thay vì Philippines bởi những tuyên bố chống Mỹ của Tổng thống Duterte trong thời gian gần đây.


Trong một quán bar dọc vịnh Subic ở Philippines của một cựu quân nhân Mỹ từng phục vụ ở quốc gia châu Á này, chủ đề bàn luận chính không phải là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới mà là mối lo ngại khi  Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Mỹ trong tình trạng căng thẳng và chuyện ông ấy đang ve vãn Trung Quốc. 
Những động thái mới của ông Duterte khiến hầu hết những khách hàng người Mỹ từng định cư ở vùng lân cận căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic lo lắng. 
"Mối lo ngại lớn nhất là một ngày nào đó ông ấy (Duterte) thức dậy rồi nói 'tất cả người Mỹ hãy ra khỏi thành phố này' và chúng tôi phải bỏ những người thân yêu của mình ở lại phía sau", Jack Walker, một cựu trung sĩ hải quân, nói với hãng tin Reuters. Jack đã sống ở Olongapo, thành phố gần căn cứ hải quân Subic, trong vòng 5 năm qua. 
Mỹ và Philippines có mối quan hệ kinh tế sâu sắc, có chung lịch sử về các cuộc chiến tranh và viện trợ trong suốt hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, Reuters nhận định rằng, điều đó có thể thay đổi khi chính quyền 3 tháng tuổi của ông Duterte cân nhắc lại mối quan hệ này. 
Trong một loạt những tuyên bố mâu thuẫn, Tổng thống Duterte đã thóa mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama và đại sứ Mỹ tại Manial sau khi Mỹ lên tiếng chỉ trích về chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines. Ông Duterte còn nói ông Obama "hãy xuống địa ngục" và ám chỉ đoạn tuyệt quan hệ với Mỹ. 
Thế nhưng vài tuần sau đó, ông Duterte lại tuyên bố rằng, Philippines sẽ vẫn duy trì các hiệp ước quốc phòng hiện có và quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. 
Ông Ebb Hinchliffe, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Philippine cho biết, những bình luận trên của Tổng thống Duterte đã khiến nhiều người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ tại Philippines cảm thấy quan ngại về tương lai của họ. 
"Mỗi khi ông ấy mở miệng nói điều gì đó tiêu cực về nước Mỹ, bản thân lại cảm thấy bị tổn thương, và nhìn từ góc độ kinh doanh, điều này không có lợi", ông Hinchliffe chia sẻ. 
Ông tiết lộ, 3 phái đoàn thương mại đại diện cho các công ty công nghệ, dịch vụ tài chính và sản xuất của Mỹ đã hủy các chuyến thăm tới Philippines trong những tuần gần đây. 
Ít nhất 2 công ty Mỹ đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho hoạt động kinh doanh của mình thay vì Philippines "bởi những tuyên bố chống Mỹ của Tổng thống Duterte trong thời gian gần đây". Tuy nhiên, ông Hinchliffe từ chối tiết lộ tên hai doanh nghiệp này hoặc cung cấp thông tin chi tiết. 
Philippines đã từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến năm 1946. Quan hệ Mỹ - Phi đặc biệt gắn bó kể từ sau khi Washington công nhận nền độc lập của Manila, đặc biệt trong hợp tác quân sự. Mỹ đã từng có hai căn cứ không quân và hải quân thường trực ở Philippines trước năm 1991.
Tại Philippines, các khu vực có đông người Mỹ và những người có cảm tình với Mỹ tập trung gần các căn cứ quân sự cũ của Mỹ. 
Tuy nhiên, thời gian gần đây Tổng thống Philippines có những động thái lạnh nhạt với Washington, và tuyên bố sẽ xoay trục sang Trung Quốc. 
Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Bắc Kinh kéo dài 4 ngày từ ngày 18 đến 21/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ rằng, ông ngoại ông là người Hoa, đồng thời khẳng định chỉ có Trung Quốc mới giúp đỡ Manila. 
Ông Rodrigo Duterte cho rằng, không như các nước phương Tây, Trung Quốc "không chỉ ủng hộ chính sách chống ma túy của Philippines mà còn hỗ trợ một cách thiết thực thông qua việc giúp xây dựng trung tâm cai nghiện".
Ông Duterte còn thông báo rằng, Philippines sẽ không tiến hành tập trận chung với Mỹ nữa dù Mỹ có một số căn cứ bên trong Philippines, và cung cấp hầu hết thiết bị quân sự cho Manila. Thay vào đó, ông để ngỏ khả năng tập trận cùng với binh lính Nga và Trung Quốc. 
Ông Duterte tuyên bố thực hiện chính sách "xoay trục" sang Trung Quốc chỉ vài tháng sau khi Bắc Kinh nhất quyết không tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Thu An (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo