Pháp luật

“Giấy phép con” làm khó doanh nghiệp gỗ

Quy định mới đây bắt buộc các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải trực tiếp ra Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn xin Giấy phép mới được kiểm dịch và nhập khẩu lô hàng đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp.

Không có một điều khoản hay quy định cụ thể nào yêu cầu doanh nghiệp phải được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cấp giấy phép kiểm dịch thì các đơn vị chức năng tại cửa khẩu mới tiến hành kiểm dịch cho các lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kiệt sức vì phiền nhiễu

Trao đổi với PV, ông Trần Phát Đạt - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu gỗ Quỳnh Nga phản ánh, những ngày qua các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ ở Hà Tĩnh nói riêng và một số tỉnh thuộc khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình nói chung, không khỏi bức xúc trước thực trạng gỗ được doanh nghiệp nhập khẩu về đến cửa khẩu thì bị ách lại nếu không có giấy xin phép kiểm dịch từ Cục Bảo vệ thực vật.

Để được thông quan chỉ có cách duy nhất là doanh nghiệp phải "vã mồ hôi" chạy tới Hà Nội để đến Cục Bảo vệ thực vật xin được giấy xin phép kiểm dịch thực vật thì Hải quan mới làm thủ tục kiểm dịch cho thông quan.

Việc Cục Bảo vệ thực vật “đẻ” ra một "giấy phép con" yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải ra Cục Bảo vệ thực vật xin giấy phép kiểm dịch không những làm mất thời gian mà còn tạọ phiền nhiễu cho doanh nghiệp - ông Đạt bức xúc nói.

Cũng theo phản ánh của một doanh nghiệp kinh doanh gỗ trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đầu tháng 10/2012 doanh nghiệp ông có nhập khẩu một lô gỗ về tới cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ngay lập tức bị cán bộ kiểm dịch thực vật thông báo phải có giấy xin phép được kiểm dịch thì mới được phép kiểm dịch để thông quan. Vì vậy, theo chủ doanh nghiệp này lô hàng đã bị ách lại khiến doanh nghiệp ông tốn không biết bao nhiêu chi phí đi lại xin giấy phép đó là chưa kể tới việc sản xuất của công ty bị ngưng trệ. Trong khi đó, theo Nghị định  02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông và hai Thông tư 39 - 40/2012/TT-BNNPTNT đều không quy định mặt hàng gỗ nhập khẩu phải phân tích nguy cơ dịch hại và cũng không có một quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải xin giấy phép mới được kiểm dịch.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng cường kiểm dịch thực vật nhằm ngăn chặn một số sản phẩm có sử dụng chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như thông qua việc xuất nhập khẩu để phá hoại nền kinh tế Việt Nam là việc làm cần thiết nhưng không thể vì thế để làm khó doanh nghiệp.

Mặc dù Cục Bảo vệ thực vật cho rằng căn cứ pháp luật để ra “giấy phép” này là Thông tư 39-40/2012/TT-BNNPTNT nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải ra tận Hà Nội (cách các tỉnh miền Trung 300 - 400 km) để xin giấy kiểm dịch thì rất vô lý - một doanh nghiệp bức xúc.

Khó khăn cho cả hai phía

Có một điều đáng nói là khi doanh nghiệp rất thắc mắc về những quy định “tréo ngoe” mà Cục Bảo vệ thực vật đưa ra thì bản thân nhân viên tại các Trạm kiểm dịch thực vật  mà cụ thể là Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 6, cũng không thể giải thích được thắc mắc của các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Kỳ - Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 6 cho biết, sau khi Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn có quy định yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải ra Hà Nội xin cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu mới được thông quan, ông cũng nhận được rất nhiều phản ánh của các doanh nghiệp. Và theo thừa nhận của ông Kỳ, các loại gỗ nhập khẩu truyền thống lâu nay doanh nghiệp vẫn kinh doanh do đã nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nay nên không thuộc đối tượng phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu. Theo ông Kỳ, căn cứ để các trạm kiểm dịch thực vật yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép là quy định tại Văn bản số 1900 ngày 5/10/2012 "về việc hướng dẫn thực hiện thông tư số 39 và Công văn số 1829/BVTV-KD". Theo đó, đối với các vật thể nêu tại Khoản 5, Điều 1 của Thông tư 39 (gỗ nhập khẩu) thì chỉ yêu cầu giấy phép kiểm dịch đối với những lô hàng có vận đơn.

Tuy nhiên, nói về quy định trên, ông Trần Phát Đạt - với tư cách Chủ tịch Hội doanh nghiệp gỗ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho rằng, nếu gỗ nhập khẩu không phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu thì không phải thuộc đối tượng chịu điều chỉnh của Thông tư 39 do Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn ban hành và cũng không thể yêu cầu ra Cục xin giấy phép.

 

Cục Bảo vệ thực vật nằm ở Hà Nội làm sao biết doanh nghiệp nhập khẩu loại gỗ gì, dịch hại ra sao từ các cửa khẩu miền Trung?


Giải thích thắc mắc trên ông Kỳ cho biết, đối với doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, quy định mới này là để phòng ngừa việc các doanh nghiệp nhập khẩu sai chủng loại gỗ.


Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu chỉ để biết doanh nghiệp có nhập khẩu đúng chủng loại hàng hoá hay không thì phải kiểm tra, kiểm dịch trực tiếp tại cửa khẩu, trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật nằm ở Hà Nội thì biết được loại gỗ gì, dịch hại ra sao qua giấy tờ thì ông Kỳ không có những giải thích thuyết phục. Ông Kỳ cũng khẳng định đây là quy định của Cục và Trạm kiểm dịch cũng chỉ biết thực hiện. Ông Kỳ cũng thừa nhận: “quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho chúng tôi”.

Chia sẻ với PV, ông Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách nông nghiệp thẳng thắn: để kiểm được dịch trước hết phải tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu, bằng trình độ nghiệp vụ của con người và máy móc hiện đại chứ không phải là việc hướng dẫn doanh nghiệp đi xin giấy phép kiểm dịch. Với cách làm trên thì chẳng khác nào "viết kết quả trước khám bệnh sau", dẫn đến tình trạng bệnh một đường thuốc một nẻo. Nói về giấy phép mới này, ông Đạt kiến nghị: "Quy định mới này của Cục Bảo vệ thực vật không có căn cứ, áp dụng sai nội dung Thông tư 39 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, còn giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu thì không rõ ràng. Chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn và Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xem lại quy định của Cục Bảo vệ thực vật".

Có lẽ, bản thân các doanh nghiệp đã quá “kiệt sức” khi hàng trăm cái khó đổ xuống đầu họ và họ cần hơn lúc nào hết sự sẻ chia thật sự chứ không phải là những quy định phi lí gây khó như trên. Và quan trọng hơn trong lúc này, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ đang mong chờ từ phía cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật) một lời giải thích xác đáng.

Việt Anh (Theo DĐDN)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo