Văn hóa

“Nghẹt thở” ở núi Bà Đen

Mùa lễ hội rằm tháng giêng, thường là mùa làm ăn lớn nhất trong năm đối với hàng trăm hộ tiểu thương ở khu vực núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng năm nay, việc bán buôn của họ lại bết bát chưa từng thấy. Phóng viên Cao Hùng có mặt ở khu du lịch nổi tiếng núi Bà Đen (Tây Ninh) từ phản ánh của tiểu thương về việc bị Công ty cổ phần du lịch - thương mại Tây Ninh ép buộc phải chia 50% lợi nhuận trên mỗi... cây kem (!)

Tất cả các mặt hàng bày bán đều do duy nhất Cty du lịch Tây Ninh độc quyền cung cấp.



Tăng giá chóng mặt


Có mặt tại khu vực chân núi Bà Đen vào khoảng 10h ngày 16 tháng giêng, không khí lễ hội còn vương vãi khi số du khách vào cúng vái vẫn nườm nượp tại khu vực chùa Trung. Chúng tôi ghé vào một quán bán nước; sau một lúc dò xét, chị chủ hàng mạnh dạn than thở: “Ngó vậy chứ không phải vậy đâu mấy anh ơi. Chưa năm nào, chúng tôi bán buôn thua thiệt như năm nay. Bết bát, khó khăn lắm lắm luôn”. Tôi hỏi: “Bết bát vì đâu?”. Ngó ngược ngó xuôi, thấy không ai chú ý, chị huỵch toẹt: “Vì cái Công ty du lịch quản lý chúng tôi ở đây chứ ai. Ai cũng thấy Nhà nước hạ giá xăng dầu, giá cả hàng hóa giảm ầm ầm. Nhưng chỉ riêng ở cái khu du lịch núi Bà Đen này lại ngược lại. Cái gì cũng tăng: Thuế mặt bằng tăng, giá các loại hàng hóa tăng, tiền vệ sinh tăng, giá nước cũng tăng… Ngoài ra, chúng tôi còn phải nộp đủ thứ tiền vô duyên không kể xiết”.

Bà Hai Lóng (Bùi Thị Liên Hương) - 73 tuổi, vốn bán buôn gần suốt cuộc đời ở chân núi Bà - bức xúc phản ánh: “Mấy chú cứ ghi rõ tên tôi. Uất ức bao lâu nay rồi. Không chỉ tăng thuế mặt bằng hàng chục triệu đồng, mà từ cây kem đánh răng, đến ổ bánh mì, cây nhang, cây nước đá... đưa vào đây cũng bắt buộc phải đăng ký, nộp thuế, mới được bán. Ai không chấp nhận, thì cắt hợp đồng, ra khỏi núi Bà. Họ đè đầu, bóp hầu bóp cổ chúng tôi đến nghẹt thở luôn”. Chị Hà, một chủ hàng khác cho biết: “Từ thùng nước uống cho đến cái nón, đôi dép, trái xoài, trái me…, công ty độc quyền phân phối từ A đến Z. Năm trước, lúc còn Sở Văn hóa - Thông tin quản lý, giá cả còn dễ thở. Từ đầu năm 2015 trở lại đây, quyền quản lý thuộc về Cty CP du lịch - thương mại Tây Ninh (từ đây viết là Cty du lịch Tây Ninh), thì giá cả tăng rào rào chóng mặt luôn”. Chị Hà dẫn chứng: “Một thùng nước suối, trước đây chỉ cao hơn bên ngoài 20.000 đồng, bán ra còn lời chút đỉnh. Nay, tăng gấp đôi lên 40.000 đồng/thùng so với bên ngoài, làm sao chúng tôi có lời để còn đóng thuế nữa hả trời”.

Thật vậy, tham khảo giá hàng loạt mặt hàng nước giải khát được Cty du lịch Tây Ninh phân phối độc quyền cho các tiểu thương, chúng tôi không khỏi choáng váng. Ví dụ: Nước suối Aquafina (0,5 lít) có giá phổ thông 82.000 đồng/thùng, nhưng Cty này bán 120.000 đồng/thùng; nước ngọt Sting có giá 150.000 - 178.000 đồng/thùng, Cty bán 216.000 đồng/thùng; Pepsi, Coca Cola lon giá 158.000 đồng/thùng, Cty bán 192.000 đồng/thùng...

Anh Trường - chủ một quầy bán nước giải khát - nói: “Cty tăng giá 40.000 - 50.000 đồng/thùng nước, nhưng lại khống chế giá trần, không cho chúng tôi bán vượt giá cho du khách. Thật sự, nếu bán một chai nước vượt 12.000 đồng, du khách đã không mua rồi. Vì vậy, mức lời trong mỗi chai nước bán ra, chủ yếu là Cty du lịch hưởng. Họ không phải bỏ vốn, không cần mỏi miệng mời khách, nhưng vẫn hưởng lợi cao trên giá thành mỗi chai nước bán ra”. Chị Dung - chuyên bỏ mối kem lạnh - bức xúc: “Tôi muốn bỏ mối cho các quán, cũng phải qua Cty, họ buộc tôi phải chia 50% số lợi nhuận. Chưa đủ, họ đòi tôi phải nâng giá bán mỗi cây kem lên 1.000 - 2.000 đồng để họ hưởng thêm phần đó. Thiệt bất công, họ không đầu tư cái gì, còn tôi phải đầu tư tủ kem, phải bỏ vốn, gối đầu, mà không được hưởng lời bao nhiêu”.

Một chủ hàng khác ca cẩm: “Năm trước, tiền thuê mặt bằng của tôi chỉ 50 triệu đồng, thì nay, tiền thuê mặt bằng tăng thành gần 100 triệu đồng”. Anh An - bán bánh canh chay - kể lể: “Những năm trước, tôi có nồi bánh canh chay bán cho du khách leo núi. Tiền mặt bằng chỉ 5 triệu đồng, thì vừa rồi, họ tăng lên 23 triệu đồng. Nhưng đồng thời, họ cho thêm 4 - 5 chủ hàng khác bán cạnh bên, nên nồi bánh canh của tôi ế nhệ, muốn phá sản luôn. Thiệt chưa bao giờ thấy kiểu quản lý bán buôn… nghẹt thở như hiện nay. Ai muốn bán, cứ tha hồ đóng tiền, rồi bán, rồi ra sao thì ra. Mặc người bán sống chết, bán được hay không bán được”.

Rất nhiều hộ tiểu thương phản đối Cty du lịch Tây Ninh cứ xả dàn cho nhiều người bán, tha hồ thu tiền mặt bằng, mà không hề xem xét, quy hoạch mỗi khu vực, mỗi chủng loại hàng hóa là bao nhiêu quầy hàng là đủ để bảo đảm các chủ hàng có thể bán buôn cầm cự lâu dài. “Cứ cái đà này, các tiểu thương sẽ phá sản trong nay mai cho xem. Mùa lễ hội rằm tháng giêng (dịp đông khách nhất trong năm) mà bán buôn còn sa sút thê thảm như vầy, thử hỏi những ngày còn lại trong năm, sống sao nổi?” - chị Linh nói.

1.001 điều vô lý

Cái vô lý hiện đang “thời sự” nhất trong bà con buôn bán tại chân núi Bà là vụ Cty du lịch Tây Ninh bán… cờ phướn. Ông N.V.L tố: “Trước tết, Cty trang hoàng cờ xí khắp khu du lịch để chuẩn bị lễ hội. Một ngày nọ, chúng tôi bất ngờ thấy quầy hàng nào cũng được nhân viên Cty cắm cho 10 - 15 cây cờ xanh đỏ sặc sỡ. Ai dè, mấy ngày sau, họ xuống từng quầy, bắt chúng tôi trả tiền cờ với cái giá cắt cổ là 145.000 đồng/cây. Mỗi quầy, ít nhất cũng cắm 10 cây, nhiều tới 15 cây. Vị chi mỗi tiểu thương phải mất gần 1,5 triệu đồng tiền cờ. Chúng tôi phản đối, họ giảm xuống còn 115.000 đồng/cây. Mọi người không chịu, họ tiếp tục hạ xuống còn 95.000 đồng/cây. Rốt cuộc, mỗi hộ cũng phải đóng cho họ 1 - 2 triệu đồng tiền cờ. Thiệt không thể hiểu nổi?”.

Chưa hết, hàng chục hộ còn phản ánh chuyện hàng tồn. Cty cho người kiểm tra, buộc đóng thuế hàng tồn. Thí dụ: Nón bàng còn tồn 320 cái, phải đóng 320.000 đồng; dép tồn 100 đôi, phải đóng 100.000 đồng… Cty bắt buộc tiểu thương phải mua bảng giá niêm yết các mặt hàng với giá 300.000 đồng/cái. Mỗi quầy hàng, Cty chỉ cho phép chăng 5 cái võng, vượt một cái, xử phạt 100.000 đồng/cái. Chị L.T.V mếu máo nói với chúng tôi: “Cả dãy hàng quán từ cổng chính vào trong, đoạn đường có khoảng 500m, vậy mà Cty cũng tận dụng triệt để, dùng khoảng 20 chiếc xe khách từ 15 - 30 chỗ chở khách vào trong, với giá vé 5.000 đồng/người. Chúng tôi bán hàng là nhờ vào khách đi bộ trên vỉa hè từ cổng vào trong, nay Cty chở hết khách thì chúng tôi bán hàng cho ai?”.

Siết chặt để tránh chặt chém?


Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Hải - Phó Giám đốc Cty CP du lịch - thương mại Tây Ninh - cho biết: “Cty vừa mới được tỉnh bàn giao quản lý khu du lịch núi Bà thay Sở VHTTDL từ tháng 1.2015 trở lại đây. Cái mà bà con than thở tăng thuế mặt bằng, thật ra chính là do chúng tôi kiểm tra lại diện tích mặt bằng thực tế vượt, tăng hơn so với diện tích ký trên hợp đồng thuê mặt bằng. Mỗi hộ lấn chiếm thêm mặt bằng thì phải chấp nhận đóng thêm tiền thuê diện tích mặt bằng lớn hơn. Còn việc phân phối độc quyền hàng hóa, chúng tôi phải làm vậy là để bảo đảm không cho hàng kém chất lượng lọt vào, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho du khách. Hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng… Việc buộc các chủ hàng phải bán đúng giá niêm yết là nhằm tránh hiện tượng chặt chém du khách”.

Ông Hải cam kết không hề có chuyện tăng thuế. Tuy nhiên, khi đề cập tới chuyện ép các tiểu thương mua cờ phướn, ông Hải cho rằng: “Giá đó gồm cả giá sắt V6, tiền công hàn, tiền cờ… Đó là nhằm “xã hội hóa” việc trang trí khu du lịch giống như bắn pháo hoa”. Song, ông Hải cũng thừa nhận, do mới tiếp nhận khu du lịch, nên vẫn còn nhiều bất cập. “Tôi cũng rất đau đầu trước những phản ánh của bà con. Nhưng hiện vẫn chưa có cách nào tốt hơn để quản lý kinh doanh tại đây. Vì vậy, chúng tôi phải áp dụng mô hình cũ từ thời Ban quản lý của Sở VHTT để lại” - ông Hải nói.

Hàng chục năm qua, thắng cảnh du lịch - tâm linh núi Bà Đen luôn gắn với những người dân địa phương làm dịch vụ du lịch. Nhiều người cho rằng, dù theo cách nào, việc quản lý kinh doanh phải đảm bảo những người làm dịch vụ du lịch “sống được”, khu du lịch núi Bà theo đó mới tồn tại và có hình ảnh đẹp. Cách quản lý theo kiểu… ôm đồm, chăm chăm độc quyền của Cty du lịch Tây Ninh dường như đang đẩy những tiểu thương tại khu thắng cảnh núi Bà Đen vào cửa tử?
 

Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo