Pháp luật

12 năm không đóng thuế: Thanh tra toàn diện Metro

Tổng cục Thuế vừa có quyết định thanh tra toàn diện đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, trong đó có Metro Việt Nam.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Bùi Văn Nam, khẳng định trên Thanh niên, quyết định này đã nằm trong kế hoạch của thanh tra thuế 2014 từ trước đó.

Ông Nam cho biết, theo quy định pháp luật về thuế hiện nay, việc thanh tra bất cứ doanh nghiệp nào đều phải thực hiện theo kế hoạch thanh tra hằng năm. Các doanh nghiệp sẽ được liệt kê và lựa chọn theo các dấu hiệu rủi ro để đưa vào diện phải thanh, kiểm tra. Năm 2014, Metro Việt Nam là một trong số đó.
 
Metro Việt Nam sẽ bị thanh tra thuế toàn diện. Ảnh: Thanh niên
 
Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 nhưng đến nay chỉ duy nhất vào năm 2010 Metro báo lãi 116 tỷ đồng, còn lại thua lỗ triền miên qua các năm. Theo đó, tính đến năm 2012 Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng. Chính vì hoạt động kinh doanh thua lỗ nên 12 năm hoạt động ở Việt Nam Metro chưa từng nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Dù lỗ liên tục nhưng Metro Việt Nam lại không ngừng mở rộng thị trường. Hệ thống siêu thị Metro liên tục tăng từ Bắc đến Nam với 19 trung tâm trên cả nước cùng 3.600 nhân viên. Trong năm 2012-2013, doanh thu hoạt động của Metro Việt Nam đạt 516 triệu Euro.
 
Việc Metro hoạt động báo lỗ 11/12 năm kinh doanh tại Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm sau thông tin Metro chuyển nhượng toàn bộ hoạt động cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
 
Metro trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từng cho rằng, nghi vấn chuyển giá của Metro quá rõ ràng bởi vì không có doanh nghiệp nào hằng năm báo lỗ trên 100 tỷ đồng nhưng lại tăng doanh thu, tăng lao động và mở rộng thị trường…
 
Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào dại dột mở rộng thị trường kinh doanh khi không có lãi, điều này đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ lỗ.
 
"Đây là điều bất bình thường”, TS Lê Đăng Doanh nói.
 
Trong khi đó, PGS TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho rằng, nếu Metro vẫn chuyển giá được trong điều kiện tuân thủ các quy định, Việt Nam cần phải xem xét lại để lấp các khe hở trong luật pháp.
 
"Trong suốt 12 năm qua tại sao khi Metro xin mở thêm cơ sở mới trong điều kiện báo lỗ các cơ quan chức năng lại không có thanh tra kiểm tra cụ thể để trả lời dứt khoát là họ lỗ thật hay có chuyển giá? Tôi cho rằng việc không có câu trả lời rõ ràng cũng phần nào có lỗi của các nhà quản lý Việt Nam chứ không phải riêng Metro", PGS TS Phạm Tất Thắng nói.
Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo