Góc nhìn

2014 – Năm hợp lý để thả nổi lãi suất?

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc kiểm soát lạm phát đạt kết quả khả quan sẽ là cơ sở để cho rằng năm 2014 là thời điểm hợp lý để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thả nổi lãi suất. Nếu điều này được thực hiện thì thị trường chứng khoán sẽ lấy lại sự phục hồi và là kênh đầu tư rất sáng giá.

Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Đoàn Huế)

PV: Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tín dụng tăng khoảng 12-14%. Ông đánh giá như thế nào về kỳ vọng này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2013 chúng ta đã đạt được mục tiêu 12%, năm 2014 có lẽ tăng trưởng tín dụng từ 12-14% cũng là mục tiêu khả thi. Mặc dù cuối năm qua phải chạy nước rút thì hy vọng sang năm không phải làm như thế nữa mà tiến độ sẽ đồng đều hơn cho mỗi quý.

Triển vọng của nền kinh tế vĩ mô có thể sẽ tươi sáng hơn năm 2013 vì tất cả những việc đã làm sẽ là nối tiếp của năm 2014, những cố gắng trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, giải quyết tồn đọng như nợ xấu đã được bắt đầu, vì thế tình hình kinh tế và tài chính có thể tươi sáng hơn.

Tuy nhiên chúng ta cũng không thể lạc quan là 2014 sẽ là năm nền kinh tế Việt Nam sẽ có một sự bứt phá và phục hồi mạnh mẽ được. Nếu 2014 cũng sẽ là năm nối tiếp khó khăn. Những khó khăn từ mấy năm nay đã rõ: nền kinh tế còn trì trệ, sức cầu rất yếu, hàng tồn kho hiện tại cũng còn rất cao mặc dầu trong 2 năm qua chúng ta đã cố gắng rất nhiều, số DN bị phá sản cũng trên 60.000. Tất cả những điều đó sẽ đeo đuổi chúng ta trong 2014.

Năm 2014 có lẽ cũng là năm mà sức cầu chưa thể có đột phá được, và chính vì thế mà mặc dù bức tranh có thể sáng hơn 2013 một chút nhưng chưa đạt tới mức chúng ta kỳ vọng.

Trong tình trạng đó có lẽ mức độ tăng trưởng tín dụng 12-14% là khả thi nhưng chúng ta phải nỗ lực, vận động từ đầu năm, sau Tết tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) cố gắng hợp tác với nhau để có mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, không ai mong muốn tăng trưởng tín dụng khi chất lượng tín dụng không tốt.

Hai vấn đề chúng ta phải quan tâm là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng. Có lẽ chất lượng tín dụng còn quan trọng hơn là tăng trưởng theo định lượng. Nếu không đạt được 12-14% mà đạt được chất lượng tín dụng tốt còn tốt hơn chiều ngược lại.

PV: Vậy theo ông, những việc cần phải làm là gì để đảm bảo chất lượng tín dụng trong năm 2014?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Từ 2 năm nay chất lượng tín dụng đã được cải thiện, các ngân hàng cũng học được bài học của nợ xấu, nên các vấn đề cho vay bừa bãi, sử dụng vốn sai mục đích cũng được hạn chế nhiều. Thế nhưng một tiêu chuẩn về tín dụng cần phải tăng cường hơn nữa.

Về mặt tín dụng có 2 khâu, là tín chấp và thế chấp. Có lẽ năm nay các ngân hàng nên quan tâm nhiều hơn đến cho vay tín chấp, có nghĩa là không có tài sản đảm bảo. Nhưng để cho vay theo khâu này thì những vấn đề tài chính cần phải được nâng lên, những con số về kế toán cần phải được điều chỉnh để thể hiện rõ bức tranh tài chính của 1 DN.

Để có thể được hưởng tín dụng tín chấp thì các DN phải có sự kiểm toán của các cơ quan kiểm toán độc lập, mà có lẽ Chính phủ, Bộ Tài chính nên đưa ra danh sách những công ty kiểm toán độc lập có uy tín để các DN sử dụng.

Nếu các DN có chế độ hạch toán thông thoáng, minh bạch, có kiểm toán độc lập thì đó là nền tảng, cơ sở cho tín chấp. Sở dĩ tín chấp cho đến giờ này còn ở một giới hạn rất thấp là vì sổ sách của các DN không minh bạch, ngân hàng khó có thể dựa vào đó để cho vay, do đó họ đòi hỏi phải có thế chấp.

Còn tín dụng thế chấp thì các ngân hàng cũng đã cẩn thận hơn trong vấn đề đánh giá những tài sản thế chấp, Nhưng trong năm 2013 có những trường hợp nhiều NH xô vào giành giật tài sản thế chấp. Có nghĩa là việc kiểm soát tài sản thế chấp không được tốt, Việc này các NH cần phải quan tâm hơn trong năm 2014.

Bất động sản, hàng tồn kho…là các tài sản thế chấp cần phải được quản lý chặt chẽ hơn, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng cần phải được tăng cường.

PV: Rất nhiều chuyên gia đánh giá chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm sẽ là kênh đầu tư sinh lời trong năm 2014. Quan điểm của ông thì sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Trong 4 thị trường thì bất động sản có lẽ chưa thể có đột phá. Vàng cũng không trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi giá vàng càng ngày càng giảm, theo nhiều dự báo đến cuối năm giá vàng thế giới có thể xuống 1.000USD/ounce.

Còn kênh tiền gửi tiết kiệm, có khả năng lãi suất sẽ đi xuống. NHNN cũng đưa ra tín hiệu các NH cần phải đẩy mạnh tín dụng cho vay hỗ trợ DN và chính vì thế lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Khi đó các NH phải đẩy lãi suất huy động xuống để biên độ lợi nhuận được hợp lý.

Theo tôi, năm 2014 có lẽ cũng là thời điểm NHNN cho thả nổi lãi suất, vì chúng ta đã kiểm soát lạm phát  khả quan rồi, cũng khá nhiều NH hiện tại đang  dư tiền, vì vậy đây là năm hợp lý để thả nổi lãi suất.

Nếu lãi suất thả nổi thì có khuynh hướng lãi suất đi xuống, dù sao chăng nữa đây là kênh an toàn, so với chứng khoán thì 2014 là năm thị trường này lấy lại sự phục hồi. Lãi suất mà giảm thì giá chứng khoán tăng lên, thường là đi ngược chiều nhau.

Năm 2014 xuất hiện dấu hiệu 1 số công ty sẽ phục hồi, làm ăn tốt hơn năm 2013 nên thị trường chứng khoán là kênh đầu tư rất sáng giá. Năm ngoái thị trường chứng khoán tăng 20%, tôi dự báo năm nay có khả năng tăng 30%. Nếu như thế thì đây là kênh khá là hấp dẫn, tuy nhiên gửi tiền vào NH được dân chúng quan tâm hơn vì đây là kênh dễ hiểu, an toàn, lợi nhuận ổn định nhất, chơi chứng khoán thì phải có kiến thức về tài chính, không thể đầu tư bầy đàn được.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Thảo Nguyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo