Xã hội

25 năm mới có Tết Trung thu "đúng nghĩa" ở bãi giữa sông Hồng

(DNVN) - Trong những ngày cận Tết trung thu, rất nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã đến thăm và tặng quà cho những trẻ em nghèo tại xóm Phao, bãi giữa sông Hồng. Có thể nói, 25 năm qua các em mới có một Tết trung thu đúng nghĩa.

Cuộc sống nghèo khó và cái tết Trung thu ấm áp

“Một buổi chiều ba bốn đoàn khách, họ tới vào những ngày Trung thu này thành ra mình cũng mệt đấy, tiếp khách, nhận quà cho các cháu toàn mình bác xoay sở!” ông Được hào hứng chia sẻ khi có người ghé thăm Xóm Phao vào ngày Trung thu.

Ông Được đón những tấm quà nhỏ cho lũ trẻ trong xóm Phao.
Ông Được đón những tấm quà nhỏ cho lũ trẻ trong xóm Phao.

Xóm Phao thuộc bãi giữa của sông Hồng đã được “thành lập” cách đây hơn 25 năm tới nay đã có tới 28 hộ dân tới sinh sống. Mọi người ở đây tự thành lập xóm, tự quản lý cuộc sống của mình, tự giữ trật tự an ninh của xóm này mà không  mấy ai biết đến… Cuộc sống ở xóm Phao này trôi nổi như chính cái tên của nó vậy.

Ghé thăm xóm Phao vào những gần Tết Trung thu, không khí nơi đây vẫn bao trùm bởi sự yên ắng đến vô vị, trái ngược hoàn toàn với cái thế giới ồn ào, náo nhiệt của thành phố Hà Nội đầy ánh đèn. Trẻ con ở xóm Phao này quanh năm chỉ biết tới sông nước, biết tới con đường mòn dẫn chúng lên cầu Long Biên để nhìn vào nội thành Hà Nội xa hoa, tráng lệ.

Những đứa trẻ ở xóm Phao nhút nhát, sống khép kín như chính cái không khí ảm đạm nơi đây vậy.
Những đứa trẻ ở xóm Phao nhút nhát, sống khép kín như chính cái không khí ảm đạm nơi đây vậy.

Trao đổi với phóng viên, những người dân trong xóm Phao này cho hay “Trẻ con ở cái xóm Phao này từ bé đã không biết tới Trung thu, vài năm trở lại đây thì trong xóm có đóng góp mỗi nhà hai ba chục để mua cho các cháu cái bánh nướng, bánh dẻo, cái mặt nạ chứ không chúng nó cũng tủi”. Nhưng để có được cái bánh nướng, bánh dẻo hay cây đèn ông sao cho trẻ em trong xóm, đại diện người trong xóm đã phải đi kêu gọi ủng hộ của cả những người ở vùng lân cận.

 Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Được (được người trong xóm cử lên làm trưởng xóm), năm nay tuy phường Ngọc Thụy (Long Biên) có mời các bé thiếu nhi trong xóm tới liên hoan, phá cỗ nhưng trẻ em mới lớn thì đã theo bố mẹ lên Hàng Mã bán hàng rong kiếm tiền, trẻ nhỏ hơn thì lại không có ai đưa đi, cuối cùng các cháu nhỏ vẫn không được hưởng Tết trung thu đúng nghĩa.

 Năm nay, như một điều diệu kỳ, các tổ chức tình nguyện liên hệ với ông Được muốn tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi, tặng quà cho 28 hộ gia đình và tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho những em đến tuổi đi học. Vậy là một cái tết Trung thu đúng nghĩa đã về lại với xóm Phao sau suốt 25 năm chờ đợi.

 

 Người mang Trung thu về xóm nghèo...

Chiều tối 26/9, ông Được đã cùng các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học  Ngoại Thương, Bách Khoa, Công Đoàn tổ chức Trung thu và phát quà cho trẻ em xóm Phao. Những món quà dù nhỏ nhưng cũng đủ mang không khí Trung thu về cho cái xóm nghèo ở bãi giữa sông Hồng này.

Niềm vui nho nhỏ của lũ trẻ khiến nhiều người nghẹn lòng.
Niềm vui nho nhỏ của lũ trẻ khiến nhiều người nghẹn lòng.

Trung thu đã về xóm nghèo này sau 25 năm chờ đợi...
Trung thu đã về xóm nghèo này sau 25 năm chờ đợi...

Mọi kinh phí tổ chức Trung thu cho trẻ em ở đây là do một tay ông Được lặn lội đi qua các vùng lân cận để xin tiền tổ chức, cũng như tới từng nhà trong xóm để vận động mọi người ủng hộ. Ông Được cho biết: “Tôi nhận được liên hệ của các bạn sinh viên tình nguyện, bác đã phải sắp xếp thời gian, địa điểm cho mọi người tổ chức Trung thu… tuy vất vả, bận rộn nhưng vì niềm vui của các cháu nên mọi người trong xóm đều phải cố gắng thôi.”

Ông Được say sưa kể về
Ông Được say sưa kể về "công việc" đưa Trung thu về xóm Phao.

Theo thống kê, trong xóm Phao hiện nay có tới 31 đứa trẻ phải sống trong cảnh thiệt thòi về cả vật chất và cả tinh thần, thậm chí quá nửa số trẻ ở đây còn không có giấy khai sinh, không được đi học. Nhiều lần ông Được đã lặn lội lên phường, lên quận gặp chính quyền để xin cầu cứu lấy quyền lợi, nhu cầu cho trẻ em nơi đây. 

 

Không chỉ mang Trung thu về cho trẻ, người đàn ông này còn thuê đất làm khu vui chơi, làm thư viện công cộng cho những đứa trẻ nghèo nơi đây…

Tủ sách cộng đồng được ông Được và các bạn sinh viên tình nguyện lập ra.
Tủ sách cộng đồng được ông Được và các bạn sinh viên tình nguyện lập ra.

Thật chẳng ai dễ dàng làm việc không công như thế, nhưng với ông Được, dường như đó là niềm vui và niềm hạnh phúc. Tất cả những gì ông làm cũng vì mong mỏi cho cuộc sống, cho số phận của những đứa trẻ không may mắn được sinh ra ở nơi đây. 

Ngô Chức - Hoàng Lan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo