Chứng khoán

5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/11

Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm của các công ty chứng khoán trước phiên 27/11.

 1- GAS: Kỳ vọng lợi nhuận 2014 sẽ ổn định

(CTCK Rồng Việt - VDSC)
 
Chúng tôi vừa có buổi trao đổi với đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) để cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Kết quả kinh doanh trong quý IV dự kiến không thay đổi nhiều so với quý III. Sau khi lợi nhuận quý I tăng mạnh nhờ hoàn nhập quỹ khoa học công nghệ, lợi nhuận của quý II và quý III của GAS tương đối ổn định vào khoảng 2.900 tỷ đồng/quý.
 
Trong tháng 9 vừa qua, Dự án Hải Thạch - Mộc Tinh đi vào hoạt động giúp sản lượng khí của GAS tăng lên. Tuy nhiên, lợi nhuận từ dự án này sẽ không nhiều do mới bắt đầu đóng góp, vì vậy lợi nhuận trong quý 4 được doanh nghiệp cho biết dự kiến vẫn ở mức của quý 3, tương đương mức lợi nhuận ròng cả năm đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.
 
Dự kiến giá khí đầu vào sẽ chưa tăng ít nhất là trong năm 2014. Thời gian qua, có nhiều thông tin đồn đoán liên quan đến việc Bộ Tài Chính trình Chính phủ về việc thay đổi phương thức mua khí, tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí (PVN) tăng giá khí đầu vào đối với GAS, qua đó tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết, cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc này.
 
Ngoài ra, dựa trên sự chia sẻ của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy khả năng có xác suất lớn hơn là doanh nghiệp sẽ đưa đề xuất tăng tỷ lệ chi trả cổ tức so với kế hoạch. Với số dư tiền mặt khá lớn, việc tăng nộp ngân sách thông qua trả cổ tức (cổ đông lớn PVN) có lẽ sẽ là phương án thuận tiện và dễ thực hiện hơn so với việc tăng giá khí đầu vào (có tác động đến nhiều lĩnh vực và an sinh xã hội).
 
GAS: Kỳ vọng lợi nhuận 2014 sẽ ổn định
 
Kết quả kinh doanh năm 2014 dự kiến chỉ duy trì ổn định.Việc đưa Hải Thạch-Mộc Tinh (HTMT) vào hoạt động sẽ giúp GAS bù đắp được sản lượng khí đang sụt giảm ở mỏ Lan Tây - Lan Tây Đỏ (Nam Côn Sơn). Doanh nghiệp cho biết, sản lượng khí trong năm sau dự kiến khoảng 9,5 tỷ m3. Theo thông tin chúng tôi có được, giá mua khí ở mỏ HTMT khá cao (6 USD/MMBTU) so với các mỏ khác của bể Nam Côn Sơn nên có thể biên lãi gộp của GAS trong năm sau sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chúng tôi kỳ vọng việc tăng giá bán khí theo lộ trình cho điện, đạm và khách hàng công nghiệp sẽ giúp cân đối các tác động này. Lợi nhuận năm sau của GAS kỳ vọng sẽ ở mức ổn định.
 
Do việc đàm phán giá khí đầu vào giữa PVN và các chủ mỏ chưa đi đến mức giá thích hợp cho 2 bên nên việc triển khai lắp đặt đường ống Nam Côn Sơn 2 và Lô B Ô-Môn vẫn chưa thể tiến hành trong năm nay. Dự kiến giai đoạn 1 của Dự án Nam Côn Sơn 2 sẽ được hoàn thành vào tháng 02/2015. Doanh nghiệp cho biết, tổng vốn đầu tư dự kiến cho năm 2014 của tất cả các dự án (bao gồm giải ngân cho dự án cũ) là 4.800 tỷ đồng và con số này trong năm 2015 là 8.000 tỷ đồng.
 
Mặc dù lợi nhuận trong năm sau dự kiến không tăng trưởng mạnh nhưng chúng tôi khá lạc quan về triển vọng của GAS trong các năm tới. Thêm vào đó, dự kiến cổ tức tiền mặt tăng sẽ là nhân tố hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu GAS.
 
2- BTP: Rủi ro chênh lệch tỷ giá
 
(CTCK FPT - FPTS)
 
Lợi nhuận thuần quý III/2013 giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 5% so với cùng kỳ và vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
 
Giá bán điện chưa được thống nhất trong năm 2013, vẫn đang tạm tính giá điện trong năm 2012, đây là mức giá cao hơn so với giá kỳ vọng trong năm 2013.
 
Tài sản cố định đã khấu hao hết khoảng 80% và dự kiến sẽ khấu hao hết trong năm 2016.
 
Tham gia đầu tư góp vốn xây dựng các nhà máy điện thay vì đầu tư nâng công suất hiện tại.
 
Kết quả sản lượng cả năm ước đạt bằng mức kế hoạch đề ra ở mức 810 triệu kWh. Lợi nhuận trong năm 2013 có khả năng điều chỉnh xuống do giá bán năm 2013 kỳ vọng thấp hơn giá tạm tính ở mức năm 2012 và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá kỳ vọng vào cuối năm khi Nhà nước có chính sách phá giá tiền đồng khoảng 2% so với USD, trong khi đồng Won (KRW) vẫn tiếp tục có xu hướng tăng giá so với USD trong 6 tháng vừa qua.
 
BTP có hoạt động sản xuất điện tương đối ổn định, dòng tiền tương đối dồi dào, trong khi các khoản đầu tư ngắn hạn an toàn và đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp sản xuất điện có hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức rủi ro khá cao về chênh lệch tỷ giá với khả năng VND sẽ vẫn duy trì mất giá so với đồng Won.
 
Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm đều chưa chắc chắn do mức giá 2013 vẫn chưa được thống nhất và xu hướng giảm giá đồng VND so với đồng Won phần nào làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp cuối năm. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với mã cổ phiếu này.
 
3- FMC: Có thể vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm
 
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
 
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam.
 
Nhà máy chế biến có công suất khoảng 50 tấn/ngày, tương đương 18.000 tấn/năm tại tỉnh Sóc Trăng. Thị trường xuất khẩu chính là Nhật và Mỹ, chiếm 80% doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, công ty đang trong bước đầu phát triển vùng tôm nguyên liệu trên diện tích 165 héc-ta.
 
Ngành tôm năm 2013 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Hội chứng EMS dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu và giá đầu vào tăng.
 
Dịch bệnh Hội chứng tôm chết sớm - EMS (hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp - AHPNS) kéo dài từ 2012 đến nay vẫn chưa thể xử lý được. Do đó, sản lượng tôm tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Thái Lan, giảm mạnh, khiến nguồn cung không thật dồi dào và giá tôm nguyên liệu tăng, gây khó khăn cho việc thu mua.
 
FMC gần đây đã công bố việc hoàn thành chỉ tiêu doanh số tiêu thụ năm 2013 chỉ sau 10 tháng. Cụ thể, sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu đạt hơn 7.000 tấn (+29% so với năm trước và đạt 95,2% kế hoạch) và doanh thu xuất khấu 85,8 triệu USD, tương đương hơn 1.800 tỷ đồng (+45% so với năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch).
 
Về lợi nhuận, dù chỉ mới hoàn thành khoảng 25% kế hoạch sau 9 tháng đầu năm, nhưng đại diện Công ty vẫn khá tự tin về việc cán đích kế hoạch 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế dựa trên việc ghi nhận lợi nhuận từ mảng nuôi trồng tôm nguyên liệu. Đây là năm đầu tiên FMC tiến hành nuôi trồng tôm nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Sau khi thành công tại khu nuôi thử nghiệm Liêu Tú, Công ty đã mở rộng việc nuôi trồng qua khu nuôi tôm Vĩnh Châu. Tính đến hết tháng 10, Công ty đã thu hoạch trên 400 tấn tôm nguyên liệu.
 
Với biên lãi gộp 30% - 40%, chúng tôi ước tính mảng này đã mang lại lợi nhuận khoảng 16 tỷ đồng.
 
Với lợi nhuận tốt từ lĩnh vực nuôi trồng, gần như công ty có thể vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay. Năm 2014, Công ty dự kiến phát triển mạnh hơn mảng nuôi trồng với mục tiêu tự chủ khoảng 10% - 20% nhu cầu. Nếu không gặp rủi ro quá lớn về dịch bệnh, thì lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng vào lợi nhuận công ty.
 
Do đó, CTCP Hùng Vương (HVG) có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tại FMC, qua đó hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty vào Tập đoàn. Sau đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn hồi đầu năm, HVG hiện đang nắm giữ 5,1 triệu cổ phần, (41,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành). Ngoài HVG, Công ty TNHH NDH Việt Nam, một đối tác thân cận với HVG, đang nắm giữ hơn 837.000 cổ phần (6,85% lượng CP đang lưu hành) và FMC cũng có hơn 777.000 cổ phiếu quỹ. Tổng lượng cổ phiếu trên tương đương trên 51,7%. Do đó, chúng tôi dự đoán, việc gia tăng sở hữu của HVG sẽ không được thực hiện thông qua giao dịch khớp lệnh.
 
Khoản đầu tư vào Nhà máy chế biến cá Cụm công nghiệp Cái Côn khó có thể thu hồi được. Do đó, có thể phát sinh chi phí dự phòng trong tương lai và ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận doanh nghiệp.
 
Việc nuôi trồng tôm nguyên liệu, tuy mang lại lợi nhuận cao, nhưng lại kèm theo rủi ro lớn. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh EMS chưa được khống chế như hiện nay.
 
4- VSH: Lợi nhuận sau thuế ước giảm 20%
 
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
 
Lợi nhuận sau thuế quý III/2013 tăng nhờ hạch toán phí môi trường rừng… Sản lượng điện quý III/2013 đạt 124,6 triệu kWh, giảm 16,8% so với cùng kỳ do tình hình thuỷ văn không thuận lợi như năm trước. Do hợp đồng mua bán điện với EVN vẫn chưa được ký kết, giá bán điện cho EVN tiếp tục tạm tính ở mức 351 đồng/kWh (62% giá bán điện theo hợp đồng cũ).
 
Trong quý III/2013, VSH đã nhận được khoảng 33 tỷ phí môi trường rừng của hai năm 2011-2012, nhờ đó doanh thu sản xuất kinh doanh điện đạt 80,8 tỷ đồng, tăng 42,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế, theo đó, cũng tăng 41,2% đạt 64,2 tỷ đồng.
 
VSH: Lợi nhuận sau thuế ước giảm 20%
 
Mặc dù lợi nhuận sau thuế quý III/2013 tăng nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng2013 vẫn kém khả quan do sự sụt giảm mạnh trong hai quý trước. Doanh thu 9 tháng2013 giảm 26% so với cùng kỳ xuống 185,5 tỷ đồng do sản lượng giảm. Lợi nhuận biên hoạt động đạt 46,4% trong 9 tháng 2013, thấp hơn so với 47,7% trong 9 tháng2012 do chi phí sản xuất kinh doanh giảm 21%, thâp hơn mức giảm doanh thu. Tuy vậy, lợi nhuận biên ròng lại tăng lên 79,7% (so với 74% trong 9 tháng 2012) do thu nhập tài chính ròng tăng 6,4% so với cùng kỳ nhờ thu nhập từ bán cổ phiếu PPC đã ghi nhận trong quý II/2013. lợi nhuận sau thuế đạt 147,8 tỷ, giảm 20,3% so với cùng kỳ.
 
Dự báo lợi nhuận sau thuế 2013 giảm 20% so với năm trước. Chúng tôi dự báo sản lượng điện cả năm 2013 giảm 30% so với cùng kỳ và giá bán điện tiếp tục tạm tính như hiện nay, theo đó ước tính doanh thu 2013 đạt khoảng 242 tỷ, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 2013 ước đạt 188 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, theo đó EPS 2013 khoảng 920 đồng/cp. VSH đang giao dịch với PE 16x, cao hơn so với PE trung bình ngành 7x.
 
Về triển vọng 2014, chúng tôi cho rằng, hoạt động sản xuất điện có thể được cải thiện với sản lượng tăng khoảng 12% so với 2013, còn doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ phụ thuộc vào việc ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN.
 
Việc ký kết Hợp đồng mua bán điện với EVN hiện là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Giá cổ phiếu VSH đã tăng 41,7% từ đầu năm, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào hợp đồng giá điện mới đã ít nhiều phản ánh vào giá. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây vẫn là động lực đối với VSH trong trung hạn. Chúng tôi kỳ vọng giá bán mới sẽ được giữ như trong hợp đồng trước đây (bình quân 563 đồng/kWh) và việc ký kết hợp đồng mới sẽ hoàn tất trong năm 2014.
 
5- VSC: Ước lợi nhuận trước thuế 284 tỷ đồng
 
(CTCK Sài Gòn - SSI)
 
Trong 9 tháng đầu năm 2013, VSC đạt doanh thu 576 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ 33,7% lên 37,6% trong 9 tháng đầu năm 2013 chủ yếu nhờ lý do trên. Doanh thu từ cảng chiếm 55-60% tổng doanh thu.
 
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2013 đạt 206,4 tỷ đồng, gần bằng cùng kỳ năm 2012 và hoàn thành 96% kế hoạch cả năm.
 
Năm 2013, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 802 tỷ đồng và 284 tỷ đồng (tăng 3% và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước).
 
Năm 2014, chúng tôi thận trọng ước tính doanh thu sẽ tăng 15% (chủ yếu từ trung tâm logistics mới) và lợi nhuận sẽ tăng 2,3%.
 
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo