Doanh nhân

85% doanh nghiệp tư nhân có doanh thu hàng năm chưa đầy 20 tỷ đồng

Theo ông Đậu Anh Tuấn, những con số đẹp của kinh tế Việt Nam đang được tô lên bởi các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng thực trạng của DN tư nhân đang rất thảm hại khi trao đổi về câu chuyện sức khỏe của DN Việt Nam.

Khảo sát của VCCI cho thấy quy mô bình quân của DN tư nhân từ khi Luật DN ra đời đến nay là không lớn, mặc dù số lượng các DN ra đời đều tăng lên, song đều có quy mô rất nhỏ. Có tới 42% DN tư nhân có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% tư nhân hoạt động chính thức có doanh thu dưới 20 tỷ đồng, cho thấy phần lớn DN của Việt Nam rất bé nên hiệu quả không cao.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có doanh thu nhỏ

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI)

Doanh nghiệp tư nhân đang chậm lớn

Câu hỏi đặt ra là “Tại sao DN Việt Nam không lớn?” đã được ông Tuấn trả lời bằng một nghiên cứu “giật mình” của VCCI về thuế và hải quan. Theo đó, nghiên cứu này chỉ ra rằng DN càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mà DN bỏ ra càng cao; DN càng lớn thì tần suất tiếp nhận kiểm tra hành chính, thanh tra càng nhiều.

“Đây là yếu tố ngược, lẽ ra DN càng lớn thì chi phí tuân thủ tài chính phải càng ít đi. Điều này cho thấy quyền tự do kinh doanh đang có vấn đề. Gặp một số chủ DN, họ nói rằng rất e ngại rủi ro, nên khi phát triển đến mức độ nào đó, họ sẽ giảm tài sản và chỉ giữ quy mô nhỏ, sau đó chuyển ra nước ngoài, để lại cho con”, ông Tuấn nói.

Cho rằng đây là tín hiệu xấu khi mà Việt Nam là nơi mà các DN kinh doanh, nhưng DN lại không muốn gắn bó lâu dài, đại diện VCCI nhìn nhận: Vấn đề tự do kinh doanh và gia nhập thị trường đã tới hạn nên đây là câu hỏi lớn về môi trường đầu tư, kinh doanh?

Nhìn rộng ra 15 năm vừa qua khi thực thi Luật Doanh nghiệp năm 1999, mặc dù quyền tự do kinh doanh đều được đưa vào các văn bản luật, song theo đánh giá của ông Tuấn thì việc thực thi tinh thần ấy xuống thực tiễn lại không được thực hiện.

Vị này dẫn chứng, vẫn còn tình trạng có tỉnh yêu cầu không thành lập văn phòng luật sư với lý do đã đủ văn phòng luật sự; hoặc tỉnh không cho thành lập xưởng cưa gỗ vì nói rằng để ngăn chặn phá rừng; hay có tỉnh thì không cho thành lập cửa hàng xăng dầu chỉ vì ông Chủ tịch tỉnh có quen biết với một công ty xăng dầu lớn.

Quyền tự do kinh doanh vẫn chưa được thực hiện

“Những tư duy như vậy đang rất nhiều trong thực tiễn. Đưa ra các quyết định hành chính để hạn chế quyền tự do kinh doanh chảy từ văn bản ở cơ quan hành pháp sang tư pháp. Ngay trong nghị định cũng can thiệp vào quyền tự do kinh doanh rất là nhiều. VCCI đã góp ý hàng trăm văn bản như vậy và rất ngạc nhiên khi tư duy não trạng vẫn không thay đổi” – ông Tuấn nói.

Do đó, đại diện VCCI cho rằng cần thiết phải có thiết chế giám sát để đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho DN. Hiện nay, tình trạng ban hành văn bản quy phạm nhưng chưa có cơ chế giám sát và đảm bảo để thực hiện quyền tự do kinh doanh, và cũng không có cơ quan nào đảm bảo vấn đề này. Đồng thời, có cơ chế chính sách với DN tư nhân không phải chỉ là tháo gỡ khó khăn nữa, mà là tạo thuận lợi, thúc đẩy để DN phát triển.

“Điều tôi lo ngại là những con số đẹp của kinh tế Việt Nam đang được tô lên bởi các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI năm 2000 đóng góp 50%, nhưng hiện tại là hơn 70%, trong khi tư nhân không có. Do đó, cần có báo cáo, đánh giá riêng về sức khỏe của DN tư nhân Việt Nam” – Trưởng ban pháp chế VCCI khuyến nghị.

Cafef/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo