Quốc tế

Ai được hưởng lợi khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam?

(DNVN)-Thông tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở thăm Việt Nam quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Việt Nam đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, ai sẽ được hưởng lợi từ quyết định mang tính bước ngoặt này.

Trong cuộc họp báo ngày 23/5 tại Hà Nội cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Giới phân tích cho rằng, động thái được chờ đợi từ lâu này có thể ít tác động đến thị trường vũ khí toàn cầu. 

Theo ông Christopher Higgins, một chuyên gia quân sự của Morningstar, thực tế, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị các thỏa thuận vũ khí toàn cầu, và Việt Nam chủ yếu mua vũ khí của Nga. Do vậy, thông tin Mỹ bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam hôm 23/5 có thể không làm thị trường vũ khí thay đổi. 

Tuy nhiên, trong chương trình "Closing Bell" của CNBC, chuyên gia Higgins nhận định, sẽ có một số người được hưởng lợi từ thỏa thuận này trong bối cảnh Việt Nam muốn duy trì an ninh tại khu vực Biển Đông. Boeing - hãng chuyên sản xuất máy bay do thám hàng hải - và các hãng chế tạo máy bay không người lái, chẳng hạn như Northrop Grumman, có thể sẽ được hưởng lợi từ quyết định của ông Obama.

Máy bay P-3 Orion aircraft (Ảnh Reuters)

Trong khi chưa có sự thay đổi lớn ngay lập tức nào đối với các các nhà cung cấp vũ khí Mỹ, chuyên gia Higgins nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị của thông báo dỡ bỏ cấm vũ khí Việt Nam hôm 23/5. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức ở Phủ Chủ tịch hôm 23/5/2016 (Ảnh Reuters)

"Nếu bạn nhìn vào Việt Nam sẽ thấy rằng, họ có vai trò quan trọng tại Biển Đông đối với chiến lược an ninh của chúng ta trong khu vực đó", ông cho biết. Ông Higgins cho biết thêm, Việt Nam "thực sự quan trọng trong các thỏa thuận khác, chẳng hạn như Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Theo CNBC, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du lần đầu tiên tới Việt Nam của ông Obama và lãnh đạo Việt Nam miêu tả chuyến thăm này của ông Obama là mùa xuân ấm áp và là một chương mới giữa hai quốc gia từng lâm vào cuộc chiến tranh trong 4 thập kỷ trước.

Tổng thống Obama, vị tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ được bình thường hóa vào năm 1995, đã thực hiện việc tái cân bằng chiến lược hướng đến châu Á như một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông. 

Năm 2014, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận này với Việt Nam. 

Theo Steve Zaloga, một nhà phân tích cấp cao thuộc Tập đoàn tư vấn quốc phòng và không gia vũ trụ Teal Group, một phần lý do mà những quốc gia như Việt Nam "để mắt" tới Mỹ là do nhà cung cấp truyền thống Nga không sẵn sàng bán một số vũ khí mà Trung Quốc không mong muốn.

"Người Nga có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc với tư cách là một khách hàng xuất khẩu. Do vậy, Nga bị ràng buộc khi bán vũ khí cho Việt Nam", chuyên gia Zaloga cho biết vào năm 2014.

NM (Theo CNBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo