Doanh nhân

Ăn mày cửa Phật trở thành nữ doanh nhân

Người đàn bà tự nhận không có tuổi thơ, nay là nữ doanh nhân thành đạt. Tất cả những cay cực đã trải cùng những năm tháng sống ở cửa chùa đã khiến chị trở nên bình thản và có những lý giải riêng với bộn bề của cuộc sống và thương trường.

 nu doanh nhan

Chị là Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Du lịch và Thương mại Hải Bình.

Thật khó tưởng tượng người đàn bà ngồi trước tôi lại có một số phận nghiệt ngã đến vậy: Bị cho làm con nuôi từ khi mới chào đời; 6 tuổi phải sống nhờ trong chùa và bắt đầu mỗi ngày mới từ 4 giờ sáng với chiếc chổi và cái thúng đựng lá khô; 15 tuổi rưỡi làm đơn xin đi làm công nhân...

Cuộc sống cho tôi duyên, phận

Người ta vẫn nói kinh doanh phải có từ trong máu nhưng với bà dường như không phải vậy. Điều gì đưa bà đến với nghiệp này?

Đúng là tôi biết với nhiều người việc kinh doanh thường do cha mẹ truyền, con nối. Ở Hải Phòng chẳng hạn - người Việt gốc Hoa là một ví dụ. Còn tôi có lẽ ở trong phần ít ỏi kia. Tôi cũng không chọn kinh doanh mà chính cuộc sống chọn giúp. Nghèo khổ quá muốn thay đổi số phận - "phi thương bất phú" mà. Nếu ở một hoàn cảnh khác, một điều kiện khác có khi tôi trở thành một người khác với bây giờ.

Vậy có lúc nào bà ân hận hay nuối tiếc vì đã mang cái nghiệp vào thân? Ân hận thì không nhưng nuối tiếc thì có. Thương trường quả thực là khắc nghiệt. Vui và buồn, thành công và thất bại, được và mất – tôi đã trải qua tất cả những cung bậc đó và ngộ ra nhiều điều. Nhưng suy cho cùng thì cuộc đời ai mà tránh được. Mất cái này thì được đền bù cái kia. Không ai mất hết nhưng cũng chẳng ai được hết. Tôi theo đạo Phật từ năm lên sáu tuổi và bây giờ luôn tự răn mình theo lời Phật dạy.

Bà kinh doanh xăng dầu, công việc có vẻ như dành cho đàn ông hơn là phụ nữ. Bà bắt đầu như thế nào?

Năm 2005 tôi thành lập Công ty Du lịch và Thương mại Hải Bình với tiền thân là đại lý vận tải xăng dầu liên doanh với Công ty Vật liệu xây dựng và Chất đốt Thái Bình. Chúng tôi vận chuyển và kinh doanh xăng dầu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất công nghiệp và dân sinh. Khởi đầu của chúng tôi với số vốn 7 tỷ đồng và muôn vàn khó khăn như cơ sở vật chất kém, thị trường nhỏ... Nhưng dù vậy tôi mạnh dạn vay ngân hàng, thành lập phòng vật tư kỹ thuật và 2 trạm vận tải thủy bộ riêng biệt, mua thêm tàu tự hành, ôtô xtec... Và tích cực tìm kiếm bạn hàng, chú trọng các khách hàng lớn và thường xuyên...

Nghe qua thì cũng giống như các Công ty cùng ngành. Điểm khác biệt của bà là gì, của Hải Bình là gì?

Chữ tín. Và chữ tín. Đó cũng là bí quyết thành công của tôi. Khách hàng lớn và thường xuyên của chúng tôi là Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, nhiệt điện Phả Lại, nhiệt điện Uông Bí, xi măng Hoàng Thạch, xi măng Hoàng Mai, Công ty TNHH Thép VN, nhà máy Thép Thái Nguyên, nhà máy Kính Trường Sơn...

Hải Bình có sự phát triển nhanh và vững chắc cũng bắt nguồn từ chính chữ tín. Từ số vốn ít ỏi ban đầu giờ chúng tôi đã có xí nghiệp vận tải gồm 10 tàu chuyên dùng hiện đại, tổng tải trọng trên 3.500 tấn và 4 ôtô xtec chuyên dùng, 3 kho dự trữ xăng dầu với tổng trữ lượng 5.000 m3. Năng lực vận chuyển từ 30.000 tấn/năm lên 90.000 tấn/năm... Hải Bình trở thành một trong những doanh nghiệp lớn có mức nộp ngân sách cao nhất tỉnh Thái Bình.

Như đã nói, để thành công tôi dặt chữ tín lên hàng đầu. Bởi tôi luôn nhớ ông cha ta vẫn dạy "buôn có bạn, bán có phường" - trong tình hình khó khăn hiện nay, giá cả trồi sụt thất thường, đã ký kết với nhau thì dù không lãi, thậm chí lỗ vẫn phải giữ đúng cam kết. Chia sẻ và cùng chung vai gánh vác công việc với đối tác. Lãi về lâu dài, và đó mới là cái lãi bền lâu.

Từ chuyện mình nghĩ về tính cộng đồng

Bà đã nhắc đến tính liên kết, tính cộng đồng trong doanh nghiệp nhưng phải nói thật tính cộng đồng trong doanh nghiệp không cao. Vậy ý kiến của bà về vấn đề này? 

Quả thật đó là điều đáng buồn và đáng phải bàn. Chùng tôi cũng nghe nhiều chuyện hành xử với nhau của giới làm ăn trong nước cũng như ở nước ngoài - phải chăng tính liên kết của chúng ta chưa cao, tính đố kỵ trong người Việt là rất lớn? Nhưng cứ thử nhìn sang nước láng giềng với đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, vươn ra thế giới với cách "Chị ngã em nâng, môi hở răng lạnh" của họ thì chúng ta phải ngẫm ngợi nhiều điều.

Tôi rất tâm đắc với slogan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam là "Liên kết các doanh nghiệp Việt".

Tôi cũng như nhiều người dự lễ khai trương xí nghiệp Xăng dầu Đông Hòa rất ấn tượng với màn trình diễn văn nghệ của câu lạc bộ Doanh nhân nữ Thái Bình, và cả tiết mục chèo của họ về nữ doanh nhân Hoàng Thị Hồng.

Tại sao bà ở Hải Phòng lại làm Chủ tịch CLB nữ doanh nhân Thái Bình?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng Thái Bình là quê ông xã cũng rât gắn bó với tôi và vì thế cũng muốn làm được điều gì đó có ích cho quê hương thứ hai của mình. Là doanh nhân trước hết cũng là con người, chúng tôi cần sự chia sẻ cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau. Sự gắn bó giữa các nữ doanh nhân vì thế cũng rất tự nhiên và cần thiết. Như trên đã nói, tính cộng đồng là vô cùng quan trọng, nhất là trong làm ăn "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao..." Trong CLB của chúng tôi, việc hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn trong làm ăn cũng như quan hệ xã hội, gia đình... thực sự có ý nghĩa. Đó là nhu cầu tự thân chứ không phải làm cho có phong trào. Dự định cuối năm nay CLB chúng tôi tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, trẻ tàn tật mồ côi.

Và nỗi “thai nghén” kế nghiệp

Được biết phần lớn gia đình bà đều tham gia kinh doanh, chồng phụ trách vận tải, con dâu phụ trách tài chính, khó khăn và thuận lợi gì khi cả nhà cùng chung "một thuyền" như vậy?

Có người đùa tôi là có thể họp hội đồng quản trị trên bàn ăn mỗi ngày. Thuận lợi cũng là thách thức và ngược lại. Tôi là người định hướng và vạch ra chiến lược, mọi việc được phân định rõ ràng. Vì vậy tôi có đi công tác xa hàng tuần cũng như cả tháng thì công việc vẫn chạy. Mặt khác người này có thể kiểm soát công việc của người kia một cách thuận lợi, rõ ràng. Tôi là chủ tịch hội đồng quản trị nhưng cần kinh phí vẫn phải "đề xuất" với con dâu (cười).

Bà có ngại cách quản lý công ty kiểu gia đình, bởi cũng có nhiều bài học từ các gia đình khác?

Cái gì cũng có hai mặt. Trong công ty kiểu gia đình sự tin cậy lẫn nhau là yếu tố thuận lợi. Nhưng người trong nhà nên đôi khi khó xử hơn so với người ngoài. Tôi thì vẫn nghĩ: Cái chính là do người đứng đầu - sự rạch ròi, quyết đoán là cần thiết và mình có làm tròn phận sự của mình thì mới nói được người khác.

Nghe nói bà đã chuẩn bị người kế nghiệp. Nếu không có gì bí mật bà có thể bật mí được không, và vì sao lại quyết định thế?

Tôi đang chuyển giao dần cho con dâu lớn. Cháu là kỹ sư hóa dầu và đang theo học quản lý kinh tế. Tôi không phân biệt con dâu hay con rể, trai hay gái mà chọn người để giao việc. Là người lao động cật lực từ nhỏ nên tôi tin và quý những người ham công tiếc việc. Mà có thể tôi nhìn thấy ở con dâu những điều đã từng có trong tôi cũng nên. Hơn thế, thế hệ trẻ được học hành bài bản sẽ đi xa hơn so với thế hệ chúng tôi.

Nghĩa là tương lai đứng đầu Hải Bình cũng vẫn là một nữ doanh nhân? Bà có cho rằng nữ doanh nhân có thế mạnh riêng của mình?

Có chứ. Là phụ nữ chúng tôi căn cơ tính toán hơn, cẩn thận và không phô trương, biết lựa đúng sức mình. Sự nhạy cảm của phụ nữ cũng là một lợi thế trong nhận định, đàm phán kinh doanh.

Theo bà thì trong kinh doanh, điều khó nhất là gì?

Là biết nói không. Trong làm ăn có rất nhiều cơ hội, nhiều cách làm. Đôi khi để nói không với những lợi ích trước mắt không dễ dàng gì. Nhưng để đi xa, để có được lợi ích lâu dài có lúc phải nói không với những món lợi xổi. Tiếc thì tiếc vẫn phải lắc đầu. Đấy, cái khó là ở đấy!

Xin cảm ơn bà.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo