Chân dung

Ba Sương, những ngày trong sóng dữ (2)

61 tuổi, bà bật khóc vì đã không giữ được lời hứa giao lại NTSH trọn vẹn cho một lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng, tồn tại và phát triển đúng như những gì công sức của hàng chục ngàn con người đã phải bỏ ra đáng được tưởng thưởng

Người phụ nữ từng nặng 54kg, ngày ra tòa chỉ còn 38kg, với hàng loạt bệnh tật trong mình, sau 28 năm lội ruộng, sống cùng nông dân.

 

110 người dân từng ký vào đơn xin đi tù thay bà, sau một vài lý do, động tác xác minh, chỉ còn hơn 20 người vẫn cương quyết khẳng định chữ ký trong đơn của họ. Họ đâu biết rằng, nguyên tắc của pháp luật không cho phép điều đó.

 

Người đàn bà của đất

Nhà báo Duy Tương (bút danh Sáu Nghệ) từng viết trên báo Tiền Phong rằng, với việc 110 người dân đứng đơn "xin ở tù thay", là những bông hoa đẹp nhất mà bà Ba Sương từng nhận, vào những giây phút tột cùng cay đắng của cuộc đời mình. Dù, cuộc đời bà từng nhiều lần ôm hoa tôn vinh trước đó.

 

Nhưng ít người từng có cơ hội đọc kỹ hồ sơ diễn tiến vụ việc để biết rằng, trong số hơn 300 người dân từng ký chung vào bản kiến nghị xin giảm án cho bà Ba Sương sau phiên tòa sơ thẩm từng gửi đi trước đó, một bản kiến nghị chưa từng thấy có động tác “xác minh sự chính xác” của địa phương, có nhiều người trong đó trước đây từng tố cáo cha con bà Ba Sương “thu sai thu vượt” định mức nhà nước quy định.

 

Nếu nói “Cố ý làm trái…”, có thể cũng phải xem xét tới “trách nhiệm” của cố giám đốc, Anh hùng lao động Trần Ngọc Hoằng. Thuở mới mở mang, cải tạo nông trường, ông cho người đi kiếm những người dân nghèo tận khổ mọi miền làng quê, thậm chí cả những người từng vượt biên trái phép… về dạy cho cách làm giàu trên mảnh đất nông thôn.

 

Những ngày đó, ai có sức nhận bao nhiêu đất, ông giao bấy nhiêu. 2,5 ha cũng được, 5 ha cũng xong, thậm chí 10 ha, 20 ha… Cứ đủ sức làm và làm có lãi là ông ký giao khoán đất, gắn bó quyền lợi của người lao động với chính mảnh đất họ kiếm sống, nuôi sống gia đình.

 

Rồi ông đặt ra khái niệm “Công nhân nông nghiệp” với 5 tiêu chí; rồi ông trả lương cao gấp 2 – 2,5 lần theo quy định của nhà nước cho giáo viên về NTSH giảng dạy.

 

Rồi ông Năm Hoằng, sau đó tới bà Ba Sương cho xây dựng trường học, điện lưới, đường sá, cầu cống, trạm xá…

 

Tất cả từ vốn vay ngân hàng và tiền sinh lời, tiền đóng góp theo hợp đồng ký quỹ của người nông dân, mà đến năm 2004, khi bàn giao toàn bộ hệ thống hạ tầng về cho địa phương, được định giá 42 tỷ đồng mà mãi đến năm 2009 nông trường vẫn chưa nhận được đồng nào trả lại từ ngân sách.

 

Đường vào Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) hôm nay. Ảnh chụp tháng 11/2009. Ảnh: GVT.

 

Thậm chí, trẻ học từ mẫu giáo tới phổ thông tại nông trường được miễn học phí, đi học xa được hỗ trợ mỗi tháng 16kg gạo… và được cấp học bổng 100 ngàn - 150 ngàn - 200 ngàn/ người/ tháng tùy theo kết quả học tập của từng học sinh.

 

Những điều đó, chưa từng có tiền lệ. Nếu xét theo quy định hiện hành về chế độ học phí, tiền trường…, cũng hoàn toàn có thể là “Cố ý làm trái…” nếu đưa điều mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói về vụ án tại NTSH “có thể chưa áp dụng nhuần nhuyễn luật vào cuộc sống” khi trả lời bên hành lang Quốc hội tháng 11/2009 vừa qua.

 

Ông Hoàng Ngọc Vĩnh còn nhớ: Chính cách giao khoán đất của NTSH là bài học thực tiễn, để Đảng sau khi nghiên cứu nhiều bài học, đã ra Nghị quyết khoán 100 trong nông nghiệp-nông thôn.

 

Ông Vĩnh cũng xác nhận rằng chính ông là người trực tiếp đi nghiên cứu tại NTSH để tham mưu cho Ban Kinh tế TƯ trong Nghị quyết này.

 

Nếu chiếu theo quy định cũ về quản lý đất đai trong nông nghiệp, thì cách làm của ông Năm Hoằng, bà Ba Sương cũng hoàn toàn có thể là “Cố ý làm trái các quy định…” tại thời điểm bấy giờ.

 

Chính vì điều đó mà từng có nhà báo đặt câu hỏi: “Trong cùng một thời điểm, cùng một con người, cùng một hành vi, chẳng lẽ lại vừa là Anh hùng, vừa là Tội phạm?”

 

Tuy nhiên, điều này đã được kết luận trong một văn bản khác “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không trông chờ, ỷ lại cấp trên”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng thốt lên với những người trong cuộc “Tôi chịu cha con anh lắm, chỉ biết xin việc, không xin gì khác”.

 

… Vừa thu vén xong NTSH, ông Năm Hoằng đã về miệt An Biên (Kiên Giang) xây dựng mô hình NTSH 2. Rồi đến năm 1986, ông lại ngược về Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tìm kiếm đường đi mới của đất và cách trồng cây lúa mới.

 

Bà Ba Sương còn nhớ, để xây dựng nông trường 30-4 ở Sóc Trăng, ông Năm Hoằng đã rút khỏi NTSH những cán bộ giỏi nhất lúc bấy giờ.

 

Chưa hết, ông mang theo 5 ngàn tấn lúa “làm vốn”. Nếu theo thời giá hiện hành, mỗi kg lúa trị giá 4.000 đồng, tính ra ông đã rút đi của NTSH 20 tỷ đồng để xây dựng một nông trường mới, mà về sau đã phải giải tán.

 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố Giám đốc NTSH Trần Ngọc Hoằng. Nhìn bức ảnh này, dễ hiểu tại sao đến những tháng cuối đời, cố Thủ tướng vẫn trăn trở đặt nhiều câu hỏi về lý do xảy ra vụ án ở NTSH. Ảnh tư liệu.

 

Trong suốt 14 năm làm giám đốc nông trường 30-4, ông Năm Hoằng không nhận một đồng tiền lương ở đây, bà Trần Ngọc Sương cho biết.

 

Nhưng đó lại là một câu chuyện khác….

 

Ba ước mơ, hai cuộc đời

 

“Trong cuộc đời ba tôi, tôi biết ít nhất có ba mô hình mà ông không nguôi trăn trở, lao tâm khổ tứ với mong muốn được cống hiến cho Đảng và Nhà nước:

 

Một là, mô hình vùng trũng sản xuất lúa mùa nổi: đã cải tạo và khai hoang đất thành “bờ xôi ruộng mật”; trong đó sản xuất chắc ăn 2 vụ lúa + 1 vụ màu + 1 vụ thủy sản; chưa kể tận dụng đất để trồng rừng phân tán, trồng cây ăn trái (mà chủ lực là cây xoài cát Hoà Lộc) và phát triển chăn nuôi theo một mô hình hoàn toàn mới và đầy tính sáng tạo, mà ông gọi là mô hình “RRRVAC”(ruộng-rẫy-rừng-vườn-ao-chuồng) tại NTSH.

 

Hai là, mô hình vùng biển ngập mặn: khai hoang, cải tạo để trở thành mô hình 1 vụ lúa + 2 vụ màu, kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng rừng lấn biển tại nông trường 30/4 ở Sóc Trăng.

 

Ba là, mô hình nông - công nghiệp tại vùng đất cao nguyên: với mô hình này, ông có ý định xây dựng tại khu vực Suối Nhung, Mã Đà (thuộc tỉnh Sông Bé cũ). Sau khi khai hoang và cải tạo xong, sẽ trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, trồng rừng và phát triển chăn nuôi cũng như công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, mô hình này chưa kịp triển khai thì ông đã mất….”, bà Trần Ngọc Sương cho hay.

 

Gặp bà Trần Ngọc Sương, người đối diện dễ nhận thấy trong thân hình nhỏ nhắn của người phụ nữ năm nay đã 61 tuổi một sự hiểu biết về đất đai nông nghiệp và các vấn đề về nông thôn với một nội lực và niềm say mê không mệt mỏi, cộng với tính cách ăn nói thẳng thắn, khí khái rất Nam Bộ.

 

Cái khí chất miền Tây Nam Bộ của bà, mà đến nay nhà báo Sáu Nghệ ở miền Tây vẫn nhớ tiếng “hừ” của ông Năm Hoằng ít lâu trước khi ông mất “Tui chết rồi, chỉ sợ tụi nhỏ sẽ bị người ta làm khổ”, cũng rất có thể là một nguyên do đưa đến nhiều biến cố trong cuộc đời bà.

 

Năm 2009, người con gái yêu thương của ông ra tòa trong một vụ án gây rúng động dư luận xã hội.

 

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm NTSH, chụp ảnh chung với cha con ông Năm Hoằng. Khi là Phó Thủ tướng, ông Đỗ Mười là người ký quyết định 25 cho phép kinh tế ba phần, quyết định được xem là "cứu cánh" cho nền kinh tế lúc bấy giờ. Ảnh tư liệu.

 

Cũng những ngày cuối tháng 11/2009 khi phiên phúc thẩm sắp diễn ra đó, bà Ba Sương vẫn nghiêng nghiêng cuốn sổ tay để mô tả về địa thế, địa hình của mảnh đất gần 7.000 héc-ta của NTSH, lý giải tại sao ở NTSH có thể trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ màu, kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đồng ruộng….

 

Tại sao gọi là “Ao cá Bác Hồ”, tại sao gọi là Khu nông nghiệp công nghệ cao… Tại sao cả việc “tôi chưa “ăn” mà nông trường còn khó khăn như vậy, tôi mà “ăn” thì nông trường sập tiệm lâu rồi”…?

 

Rồi bà lý giải tại sao phải cổ phần hóa, lý do tại sao phải nâng tầm thành tập đoàn kinh tế nông nghiệp tiền thân từ NTSH ở thế hệ thứ ba…, những dự định mà bà còn dở dang khi cơn sóng dữ thứ 4 trong đời ập tới.

 

Thiếu một người lãnh đạo hiểu về đất NTSH như Ba Sương, liệu NTSH có thể giữ để phát triển, mãi là niềm tự hào về một mô hình kinh tế nông nghiệp-nông thôn như trước đến nay? Đó là một câu hỏi mà mấy ai dám khẳng định trả lời vào thời điểm này.

 

… Nhiều năm trước, sau khi xây dựng xong điện, đường, trường học, trạm xá…, NTSH mới “dám” làm tới việc xây dựng lại trụ sở Nông trường Bộ cho sạch sẽ, tươm tất hơn. Ngày khánh thành, trên đường từ Cần Thơ về, Ba Sương có ghé chợ mua ít hoa tươi về trang trí cho tươm tất một ngày trọng đại.

 

Cũng hôm đó, Ba Sương khóc hết nước mắt tức tưởi rồi cắm cúi viết “Đơn xin nghỉ việc”. Lý do: Ông Năm Hoằng chỉ mặt đứa con gái quát ầm ầm trong cơ quan vì “lãng phí tiền của nông trường”.

 

Chưa hết, ông còn yêu cầu triệu tập gấp một cuộc họp Chi bộ nông trường để “kiểm điểm đồng chí Ba Sương vì lãng phí của công”.

 

Cuộc họp đó đã không bao giờ diễn ra, vì người biết câu chuyện này sau khi nhìn thấy những giọt nước mắt tức tưởi của Ba Sương đã tìm tới ông Năm Hoằng để giải thích việc “nên có ít hoa tươi trong ngày này cho tươm tất”.

 

Lá đơn xin thôi việc của Ba Sương sau đó được kẹp lại trong cuốn sổ công tác, và ông Năm Hoằng cũng “lờ” đi như chưa từng có chuyện yêu cầu cuộc họp kiểm điểm xảy ra.

 

NTSH những ngày đầu mới khai phá. Ba Sương là người phụ nữ gầy gò ngồi ngay cạnh tay trái ông Năm Hoằng (người đứng, mặc áo đen) trong một cuộc họp. Bà đã mất 28 năm của cuộc đời để theo bước cha, góp phần gây dựng nên một vùng đất trù phú như hôm nay. Ảnh: Tư liệu.

 

Hơn 10 năm sau, người từng khuyên nhủ Ba Sương “không nên nghỉ việc”, trong những ngày cuối tháng 11/2009, khi ngồi tại Cần Thơ trong giờ phút chờ tòa phúc thẩm tuyên án vụ “Lập quỹ trái phép” tại NTSH, lắc đầu “Nếu ngày đó, tui không lỡ miệng hòa giải giữa hai cha con ổng, thì có lẽ, cuộc đời chị Ba Sương nay đã chuyển theo hướng khác”.

 

Đêm 21/11/2009, khi hàng chục ngàn người dân NTSH đang say trong giấc nồng no ấm, thì cô Ba Sương của họ lầm lũi, cặm cụi ra xe đò về gấp TP.HCM tìm một chỗ tá túc.

 

Chỉ hơn một tháng sau, bà Ba Sương ôm di ảnh ông Năm Hoằng lặng lẽ chuyển khỏi căn nhà trong một hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (Quận Bình Thạnh, TP. HCM) với lý do phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn theo yêu cầu của Ban giám đốc mới NTSH.

 

Căn nhà này, trước ông Năm Hoằng mua để cán bộ nông trường có nơi đi về nghỉ ngơi khi lên TP.HCM công tác. Và ông, rồi con gái ông, là 2 trong số rất nhiều người từng lưu lại, gắn bó với nơi này.

 

Trong văn phòng Nông trường Bộ (cách gọi quen thuộc của những người ở NTSH), căn phòng làm việc năm xưa của cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng, rồi sau này là nguyên Giám đốc Trần Ngọc Sương, có một bàn thờ nhỏ thờ di ảnh và bài vị của ông.

 

Giáp Tết Canh Dần 2010, cách đó hơn 200 km, bên một vỉa hè đầy khói bụi và tiếng còi xe, người con gái yêu thương của ông đang lụi cụi bên gánh mứt khô để “lo cái Tết cho mấy sắp nhỏ”.

 

Nếu ngày đó, lá đơn xin thôi việc của Ba Sương đã được cố Giám đốc Năm Hoằng ký, rồi cuộc họp kiểm điểm vì tội “tiêu xài hoang phí” diễn ra, thì biết đâu được…!

 

Nếu như vậy, thì công luận sẽ không bao giờ phải đặt câu hỏi “Bỏ tù một người như Ba Sương, chúng ta được gì?”.

 

“Trong vụ này chúng ta phải làm cho rõ ra để xã hội có đồng thuận cao hơn. Bỏ một người vào tù không quan trọng, quan trọng hơn là để những người ở ngoài tìm được những giá trị sống tốt hơn (...) Phải thấy rằng giữa công và tội có một mối liên hệ với nhau trong cuộc sống liên tục của một con người. Cái gì khiến một người từ có công trở thành có tội? Phải trả lời câu hỏi đó”.

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với báo Tuổi trẻ.

 

Theo Trường Minh (VietNamNet)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo