Hỗ trợ doanh nghiệp

Các vấn đề lao động việc làm trong ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam

Khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ năng lao động của NLĐ trong các doanh nghiệp điện tử chủ yếu mới ở mức trung bình, thậm chí còn ở mức thấp.

Trong suốt 3 năm gần đây, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện luôn giữ vị trí đứng đầu trong toàn bộ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn ở Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện, khối doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng chi phối đến 99,8% tổng kim ngạch XK của mặt hàng này.  

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện luôn giữ vị trí xuất khẩu quán quân trong mấy năm vừa qua đã đóng góp đáng kể vào cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam, hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, mức độ kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam còn yếu.

Trình độ công nghệ trong ngành điện tử còn thấp.

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt trong thu hút FDI, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, nhưng thực tế ngành điện tử Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu phát triển và chủ yếu dựa vào hệ thống doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo dung lượng thị trường cần thiết để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu muốn phát triển lĩnh vực CNHT cho ngành điện tử, nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận, liên kết và cung ứng cho khối doanh nghiệp FDI đang đầu tư, hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ trong ngành điện tử còn thấp và đang trong quá trình đổi mới do Công nghệ và thiết bị máy móc lạc hậu 10-20 năm so với Khu vực và thế giới và đang ở cuối giai đoạn 1 (Chủ yếu lắp ráp sản phẩm từ phụ kiện nhập khẩu) và ở đầu giai đoạn 2 (tự sản xuất linh kiện phụ tùng, phát triển công nghiệp phụ trợ)

Năm 2014, ngành điện tử cũng thu hút được hơn 410 nghìn lao động, tăng gấp 1,7 lần so với số lượng lao động năm 2011. Tính đến ngày 31/12/2014 là 1.018 doanh nghiệp, con số này ở thời điểm đầu năm 2017 là 1.076 doanh nghiệp (theo số liệu thống kê của Bộ Lao động TBXH).

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ năng lao động của NLĐ trong các doanh nghiệp điện tử chủ yếu mới ở mức trung bình, thậm chí còn ở mức thấp. Lao động trong các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật và thiếu hụt trầm trọng hơn đối với kỹ năng làm việc cốt lõi.

 

Để giải quyết những thiếu hụt về kỹ năng, phần lớn các doanh nghiệp có phương án đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho NLĐ nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo tại doanh nghiệp nhằm giúp NLĐ đào sâu các kỹ năng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới và giúp NLĐ thích nghi với từng môi trường, vị trí việc cụ thể. Đây là điều mà các cơ sở đào tạo khó có thể đáp ứng.

Do vậy để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam cần:

Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao phù hợp với xu thế chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới của ngành công nghiệp điện tử: Trang bị các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để làm các linh phụ kiện có giá trị gia tăng cao (kỹ năng kỹ thuật cho các nhà máy làm board & dây chuyền lắp ráp linh kiện lên board (board house), nhà máy sản xuất chip (fabhouse), thiết kế chipset; thiết kế logic trên CPLD & FPGA, thiết kế và SX các sản phẩm điện tử dân dụng, công nghiệp và quân sự…), từ đó xây dựng nguồn nhân lực có khả năng thiết kế và thực hiện quy trình công nghệ, kỹ năng vận hành các thiết bị tự động hóa, kỹ thuật viên về thiết kế điện tử, lập trình, kỹ năng sử dụng công nghệ đóng gói bề mặt...

Thứ hai, phát triển một hệ thống giáo dục, đào tạo năng động và linh hoạt để khắc phục những thiếu hụt về kỹ năng, để điều chỉnh thích nghi nhanh chóng với nhu cầu về kỹ năng lao động cao hơn do tiến bộ của khoa học và công nghệ bằng cách: Tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, chủ sử dụng lao động, các thể chế đào tạo nhằm hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng.- Tăng quyền tự chủ thực tế của các cơ sở giáo dục, tập trung vào kết quả đầu -ra đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; Xác định các chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng, đánh giá. Đào tạo kỹ năng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của công nghệ mới đang được chuyển giao và ứng dụng trong các doanh nghiệp ở Việt Nam; Chú trọng đào tạo cho học sinh/sinh viên các kỹ năng làm việc cốt lõi (tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp, biết giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, sáng tạo, kỷ luật công nghệ,...).

Nên đọc
Theo Enternews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo