Tài chính - ngân hàng

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản nội địa

Các doanh nghiệp thủy sản còn gặp nhiều tồn tại về công tác quản lý nhà nước, vấn đề công nghệ, sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, mẫu mã chưa đẹp…

 

Theo điều tra của Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, các cơ sở chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa gồm doanh nghiệp tư nhân và quy mô hộ gia đình. Cả nước hiện có 140 doanh nghiệp và 3.838 cơ sở/hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Cơ sở chế biến nước mắm gồm 59 doanh nghiệp chiếm 42% và 1.441 cơ sở quy mô hộ gia đình và 38,6% so với tổng số các doanh nghiệp và hộ chế biến nội địa trên cả nước.

 

Trong giai đoạn 2009 - 2013, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa có tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng cũng như giá trị, góp phần làm thị trường nội địa có những bước chuyển dịch. 
 
Sản lượng các sản phẩm nội địa tăng lên từ 424.000 tấn lên 478.000 tấn vào năm 2013, bình quân tăng 5,5%/năm. Về giá trị, tăng từ 8.417 tỷ đồng lên 13.146 tỷ đồng, bình quân tăng 13%/năm. 
 
Có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường thủy sản nội địa nhưng doanh nghiệp thủy sản hiện nay đang gặp phải những khó khăn về chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nội địa, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với làng nghề truyền thống. 
 
Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến nông – lâm – thủy sản và nghề muối đã chỉ ra những tồn tại của hệ thống tiêu thụ, chế biến thủy sản trong một hội thảo về phát triển tiêu thụ thị trường thủy sản nội địa. Ngành thủy sản đang gặp phải hạn chế về công tác quản lý nhà nước, vấn đề công nghệ; sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, mẫu mã chưa đẹp, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chưa nhiều; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm; việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã, nhãn mác còn nhiều thủ tục phức tạp, chưa được quan tâm.
 
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn chưa quan tâm tới thị trường trong nước; nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa còn hạn chế; liên kết giữa nhà chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người dân trong nước có thu nhập thấp lại mua sản phẩm với giá cao hơn trong khi sản phẩm đó bán ra thị trường nước ngoài lại có giá rẻ hơn. 
 
Lãnh đạo Cục Chế biến cho rằng cơ quan Nhà nước cần có những chính sách đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các mô hình liên kết giữa người sản xuất – chế biến – lưu thông… Nhà nước cần có các đề tài nghiên cứu sâu về thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến và phân phối lưu thông cần xác định rõ thị trường nội địa là thị trường lớn và quan trọng.
 
T.H
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo