Hỗ trợ doanh nghiệp

Căng thẳng biển Đông: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI

Phần lớn các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liệu sự cố căng thẳng về địa chính trị gần đây với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu? Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia của HSBC đã nghiên cứu sâu hơn về đầu tư, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc còn nhỏ

Đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong việc tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là khi khối đầu tư công và tư trong nước đang giảm. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng.
 
Số vốn FDI vào Việt Nam khá lớn so với GDP, tỉ lệ đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn FDI đang có ở Việt Nam, đa phần đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan.
 
 
Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế  giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. Tuy nhiên hàng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn.
 
Theo HSBC, tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối ít. Ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch, dù rằng ảnh hưởng này chỉ là tạm thời. Du khách Trung Quốc đã chiếm tỉ lệ ngày càng cao hơn trong tổng số các du khách do thu nhập của họ được cải thiện. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số khách Trung Quốc du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%. HSBC dự đoán con số này sẽ giảm trong tháng Sáu nhưng sẽ trở lại bình thường trong tháng Bảy.
 
 
Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến “lý tưởng” của dòng vốn FDI
 
Các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam. Nhiều khả năng các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ cố gắng nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như đáp ứng được yêu cầu của hiệp ước TPP.
 
Các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc của các công ty sản xuất cần sử dụng nhiều lao động như là sự đa dạng hóa đầu tư.
 
Xuất khẩu của Việt Nam đang dần chiếm thị phần trên thị trường quốc tế nhờ vào các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Các bước tiếp theo Việt Nam cần là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tự do thương mại quốc tế thông qua các hiệp ước như hiệp ước Giao thương tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc, FTA Việt Nam-Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương (TPP).  Đồng thời, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, giảm sự thiếu hụt lao động lành nghề và tăng khả năng quản lý chuỗi cung ứng và liên kết với các công ty nước ngoài
 
Cần chính sách “mạnh” để thoát lệ thuộc Trung Quốc
 
Trong khi vẫn còn khá sớm để đưa ra kết luận nào, sự ảnh hưởng về dài hạn của tình hình căng thẳng chỉ được phân tích tốt nhất qua mối quan hệ giao thương của hai nước.
 
Xuất khẩu từ Việt Nam qua Trung Quốc chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012. Các nguyên vật liệu thô như cao su, dầu thô, than đá và trái cây là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
 
Là một đối tác xuất khẩu quan trọng, mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc mạnh hơn ở chiều nhập khẩu bởi nhiều nguyên vật liệu sản xuất của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do Việt Nam sử dụng nhân công giá rẻ và đất đai màu mỡ là yếu tố cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
 
Chính phủ Việt Nam hiện đang quan ngại về tỉ lệ ít nguyên liệu nội địa dùng cho sản xuất nhưng chỉ mới áp dụng vài biện pháp cứng rắn để khắc phục điều này. Chuyên gia của HSBC đánh giá, những sự kiện gần đây sẽ tác động đẩy nhanh tiến trình cải cách chính sách để gia tăng nội lực trong việc liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Ngành dệt may và may mặc đặt chỉ tiêu đạt mức nội địa hóa 60% vào năm 2015. Chưa thể nói liệu mục tiêu này sẽ đạt được hay không. Tuy nhiên, nỗ lực này là cần thiết cho Việt Nam trong việc giảm sự phụ thuộc vào việc nhập nguyên liệu đầu vào, đáp ứng yêu cầu của TPP, đòi hỏi tỉ lệ nội địa hóa cao hơn cho các mặt hàng xuất khẩu.
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo