Môi trường

Cao Bằng: Khai thác khoáng sản nợ đọng hàng chục tỷ đồng

Trong khai thác khoáng sản, Cao Bằng đã để các doanh nghiệp nợ đọng nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng. Cá biệt có đơn vị nợ đọng thuế thời gian dài mà chưa có biện pháp thu dứt điểm.

Cao Bằng cấp phép khai thác mỏ tràn lan- Ảnh minh họa

 

Đây là kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản tại tỉnh Cao Bằng và việc thực hiện của chính quyền địa phương.

 

Thất thu lớn

 

Theo Thanh tra Chính phủ, công tác ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên của UBND tỉnh Cao Bằng chưa thể hiện rõ ràng  giá tối thiếu để tính thuế và chưa kịp thời điều chỉnh  khi thị trường có biến động trên dưới 20% giá quy định là không thực hiện đúng, đầy đủ.

 

Mặt khác, tỉnh Cao Bằng chưa thực hiện công tác kiểm tra việc kê khai thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dẫn đến việc kê khai thiếu, không chính xác về giá bán quặng của các doanh nghiệp trong một thời gian dài từ 2008 đến 2012.

 

Công tác thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thuế giá trị gia tăng, chưa xem xét đầy đủ về thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến còn nhiều sai sót trong việc kê khai, nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân gây thất thu ngân sách nhà nước.

 

Vẫn liên quan đến thuế, theo Kết luận thanh tra, các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản không chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, không đăng ký phương pháp tính giá  thuế tài nguyên với cơ quan thuế.

 

Thậm chí, có đơn vị còn hạch toán phần thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp vào phần được miễn do ưu đãi đầu tư hoặc kê khai giá tính thuế thấp hơn giá bán thực tế của đơn vị ghi trên hóa đơn.

 

Cấp tràn lan

 

Liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thăm dò, khai thác và cấp phép khoáng sản ở Cao Bằng, Thanh tra Chính phủ kết luận, “còn nhiều hạn chế, chủ yếu sử dụng tài liệu địa chất ở mức độ dự báo, chưa có độ tin cậy cao làm cơ sở lập dự án, dẫn đến sản xuất kém hiệu quả, sản lượng khai thác thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chế biến của nhiều đơn vị”.

 

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, công tác thẩm tra, thẩm định của Cao Bằng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện cảnh báo và tham mưu để có những điều chỉnh phù hợp, còn có việc cấp phép tràn lan, nhất là trong giai đoạn 2008-2009. Trách nhiệm này thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương. Đồng thời các chủ đầu tư cũng thiếu trách nhiệm trong công tác lập, thẩm định đề án, dự án khai thác.

 

Công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa tính toán tổng thể về tính chính xác trữ lượng, hàm lượng trên địa bàn để cân đối, điều tiết vùng nguyên liệu cho hợp lý, dẫn đến nhiều nhà máy chế biến được chấp thuận đầu tư với số vốn đăng ký khá lớn, khi triển khai đi vào hoạt động thiếu nguyên liệu, có nhà máy ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng hiệu quả đầu tư thấp.

 

Nhiều dự án thực hiện chậm do phải thăm dò, đánh giá lại trữ lượng, thậm chí phải ngưng đầu tư do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.

 

Việc tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư thiếu chặt chẽ trong thẩm tra, thẩm định nhất là trong giai đoạn 2009-2010, dẫn đến triển khai thực hiện hiệu quả không cao.

 

Đã thế cơ quan chức năng Cao Bằng lại thiếu kiểm tra, kiểm soát tổng thể hoạt động của các dự án để có đánh giá về năng lực đầu tư của các đơn vị, nhất là đối với các dự án triển khai chậm, hoặc hiệu quả không cáo, để kịp thời điều chỉnh, hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

 

Bên cạnh đó việc chấp hành giấy phép khai thác mỏ còn có những thiếu sót về giao đất mỏ không đúng diện tích giấy phép được cấp, không thống nhất thời hạn thuê đất với thời hạn cấp phép khai thác, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

 

Một số đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định giao đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, do vậy không chấp hành nghĩa vụ tài chính về thuê đất gây thất thu ngân sách nhà nước.

 

Sai phạm nữa, việc đóng cửa mỏ chậm thực hiện, đơn vị khai thác không chấp hành nghiêm đóng cửa mỏ theo quy định, trong khi đó việc quản lý công tác đóng cửa mỏ chưa chặt chẽ, do vậy khó kiểm soát hoạt động của các đơn vị khai thác đã hết hạn giấy phép.

 

Làm rõ sai phạm

 

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Cao Bằng và các bộ, ngành liên quan xử lý các tồn đọng trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản tại tỉnh Cao Bằng .

 

Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng phải chỉnh sửa quyết định về chính sách ấn định sản lượng cho phù hợp với quy định của pháp luật. Tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác quản lý nhà nước của tỉnh.

 

Ngoài ra, phải xây dựng phương án giá tính thuế tài nguyên để làm cơ sở tính toán chính xác thuế tài nguyên của các đơn vị khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách nhà nước.

 

Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm yêu cầu các đơn vị đang hoạt động khoáng sản đăng ký việc áp dụng phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên để làm căn cứ kê khai, kiểm tra việc nộp thuế.

 

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng giao các sở, ngành kiểm tra, tính toán lại giá tính thuế thực tế của các đơn vị khai thác tài nguyên để có cơ sở truy thu số thuế tài nguyên kê khai thiếu, nộp thiếu.

 

Tiếp tục kiểm tra làm rõ những sai phạm của doanh nghiệp trong việc hạch toán những phần thu nhập không được miễn thuế thu nhập vào thu nhập được hưởng ưu đãi theo giấy chứng nhận đầu tư.

 

Kiếm tra, rà soát kết quả thu số tiền hơn 46 tỷ đồng trong năm 2013, gồm các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất và phạt chậm nộp mà các doanh nghiệp còn nợ đọng đến 31/12/2012.

 

Trong đó có phần nợ đọng nghĩa vụ tài chính của 13 doanh nghiệp được kiểm tra với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, trên cơ sở đó sớm tổ chức thu dứt điểm phần còn chậm nộp của các doanh nghiệp.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo