Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ cần đánh giá đầy đủ thương vụ MobiFone mua AVG

(DNVN) - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối như Mobifone mua công ty AVG...

Sáng ngày 17/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên họp, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế xã hội 2016, kế hoạch năm 2017 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng tiếp tục tăng trưởng phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế.

Chính phủ cần đánh giá đầy đủ thương vụ MobiFone mua AVG.

Việc điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong điều kiện CPI tăng mạnh so với năm 2015. Mặc dù vậy, đến nay, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ít có sự chuyển biến, tốc độ cổ phần hoá còn chậm trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.

Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị doanh nghiệp. Chậm cổ phần hóa, hoạt động không hiệu quả nhưng chi phí tiền lương vẫn rất cao (chủ yếu cho lãnh đạo doanh nghiệp).

Trên cơ sở đó, Uỷ ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn Nhà nước không tuân thủ Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (đã có hiệu lực từ năm 2015) tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối như Mobifone mua công ty AVG, sử dụng đất tại các doanh nghiệp nhà nước...

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm, báo cáo thêm về hoạt đông, xử lý nợ của Vinashin, Vinalines cho đến nay.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo