Doanh nhân

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về biển Đông

Chiều 20/5, Quốc hội sẽ họp kín để nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ 20/5 đến 24/6.

Theo ông Phúc, Phó thủ tướng sẽ trình bày những chủ trương và giải pháp của Việt Nam với vấn đề biển Đông nên sau phiên họp, một số nội dung báo cáo sẽ được công bố. Phiên họp kín đã được đẩy lên sớm 2 ngày so với kế hoạch dự tính trước đó.

Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội có ra nghị quyết hoặc tuyên bố liên quan vấn đề biển Đông, ông Phúc cho rằng phải chờ báo cáo của Chính phủ cũng như tập hợp ý kiến cử tri trong báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam vào ngày mai. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận xem mức độ nào là cần thiết.

"Trường hợp thấy cần thảo luận và thể hiện thái độ về vấn đề biển Đông, Quốc hội sẽ bố trí thời gian và cách thức phù hợp thực tế", ông Phúc nói.

Về việc đền bù những thiệt hại do hành vi lợi dụng biểu tình để gây rối vừa qua, ông Phúc cho hay phải chờ thống kê cụ thể ở từng vụ việc, từng địa phương.

Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

Người phát ngôn Quốc hội cũng gửi lời cảm ơn đến các nghị sĩ, tổ chức quốc tế, nhân dân nhiều nước đã ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông và phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Quốc hội sẽ thông qua đối thoại, các chuyến ngoại giao nghị viện để tranh thủ sự ủng hộ của các nước.

“Tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm thuận lợi, cả sản xuất lẫn thu ngân sách đều tăng nên không có gì phải bàn đến chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra”, ông Phúc khẳng định.

Ngoài nội dung biển Đông, trong 28 ngày làm việc chính thức, Quốc hội sẽ dành 3/4 thời gian cho việc làm luật.

Nhiều dự án luật sẽ được biểu quyết thông qua như Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phá sản, Luật Hải quan, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các dự án luật khác được cho ý kiến là Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Công an nhân dân sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân.

Đại biểu đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đáng chú ý, Nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đã bị loại khỏi chương trình làm việc với lý do để có thêm thời gian chuẩn bị, hoàn thiện đề án và trình tại một kỳ họp sau.

Lần này, Quốc hội dành 2,5 ngày cho việc chất vấn và trả lời chất vấn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo