Số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính chiếm gần 20%
Thủ tục hành chính còn rườm rà, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa toàn cầu / Đà Nẵng: Rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính khi nộp hồ sơ trực tuyến
Chia sẻ tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn triển khai tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, số thủ tục đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) là 3.850 trường hợp. Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng DVCQG là hơn 127 triệu hồ sơ. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng DVCQG hơn 4 triệu hồ sơ.
“Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho thấy, tỷ lệ hồ sơ TTHC chiếm hơn 19%”, trong đó tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả điện tử đạt 6,7%, ông Phan nói.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, hoạt động số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính có nhiều nội dung đổi mới.
Đối với người dân, doanh nghiệp, hoạt động giao tiếp với các cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử liên quan đến giải quyết TTHC sẽ được thống nhất sử dụng qua mã số định danh của cá nhân, doanh nghiệp.
Người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin, dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước; được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.
Đồng thời, được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thực hiện. Không phải thực hiện các thủ tục kiểm tra, xác nhận hoặc cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ, thông tin, kết quả giải quyết đã được số hóa. Được trả và công nhận tính pháp lý của kết quả giải quyết thủ tục hành chính ký số trong tất cả các giao dịch với cơ quan Nhà nước. Được giám sát, đánh giá trực tuyến quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.
Đối với cơ quan Nhà nước, gắn số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu là trách nhiệm của cán bộ công nhân viên chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Bộ phận một cửa các cấp là điểm đầu vào và là nơi sử dụng kết quả số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tạo dịch vụ số phục vụ giải quyết TTHC.
Nên dùng các nền tảng chung trong giải quyết số hóa TTHC sao cho đáp ứng yêu cầu, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí; tạo cơ chế chủ động sáng tạo, tham mưu, áp dụng mô hình, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả.
Để thúc đẩy hoạt động số hóa hồ sơ giải quyết TTHC, ông Phan khuyến nghị cần hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh (bao gồm kho dữ liệu cá nhân, tổ chức).
Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu TTHC, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công. Sắp xếp, đổi mới quy trình, cách thức tổ chức công việc của Bộ phận một cửa để phù hợp với việc triển khai đưa quy trình số hóa gắn với quá trình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.
Rà soát, sắp xếp lại nhân sự để triển khai các công việc chất lượng, hiệu quả. Bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao như, trang thiết bị số hóa hồ sơ, giấy tờ.
Ngoài ra, cần đánh giá, đề xuất triển khai thực hiện cơ chế giao bưu chính công ích đảm nhận một hoặc một số công đoạn trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC (nếu có).
Ông Phan cho biết, thời gian thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cụ thể như sau: Bộ phận một cửa cấp tỉnh từ 1/6/2022; bộ phận một cửa cấp huyện từ 1/12/2022; bộ phận một cửa cấp xã từ 1/6/2023.
“Riêng các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo được thực thi chậm hơn nhưng phải trước ngày 31/12/2024”, ông Phan nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo