Gần 5.000 DN được hưởng lợi từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia
(DNVN) - Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (XTTMQG) năm 2018 tổ chức tại Hà Nội hôm 27/12.
Phạt đến 100 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính / Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM đóng vai trò là một diễn đàn định hướng
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, kinh phí thực hiện Chương trình XTTMQG năm 2018 là 110 tỷ đồng, trong đó 103 tỷ dành cho XTTM quốc gia nói chung và 7 tỷ dành cho XTTM gạo.
Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các địa phương, doanh nghiệp, chương trình đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận: Gần 5.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ và thụ hưởng từ chương trình; tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD và 106,82 tỷ đồng; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141,82 tỷ đồng; thu hút gần 1.475.600 lượt khách tham quan, trong đó có 100.000 lượt khách giao dịch thương mại.
Gần 5.000 DN được hưởng lợi từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. (Ảnh: Báo Công Thương)
Chương trình giúp các DN duy trì ổn định tăng trưởng XK hàng hoá tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tăng cường khai thác các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi.
Chương trình còn hỗ trợ DN trong nước từng bước vững chắc tiến vào sân chơi lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang tạo ra sức cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác XTTM. Một số đơn vị chủ trì do chưa đánh giá đầy đủ tính khả thi của thị trường cũng như năng lực của ngành hàng dẫn đến phải điều chỉnh nội dung đề án hoặc không thu hút được doanh nghiệp tham gia với quy mô theo quy định.
Nguồn lực XTTM phân tán trong nhiều lĩnh vực và chưa có hoạt động hỗ trợ mang tính dài hơi, theo chuỗi từ XTTM phát triển sản phẩm, thiết kế, xây dựng thương hiệu đến thị trường tiêu thụ. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động XTTM dẫn đến tình trạng trùng lắp, lãng phí nguồn lực.
Trong một số trường hợp, việc tổ chức các phiên chợ còn chưa đạt yêu cầu đề ra, như hàng hóa chưa phong phú, đa dạng; DN tham gia các phiên chợ mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thăm dò nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều đơn vị chưa đổi mới cách thức thực hiện hoạt động XTTM nhằm nâng cao hiệu quả và hỗ trợ DN.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác XTTM đối với ngành công nghiệp thời trang, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi Xách Việt Nam - nhận định: Hiện nay, cạnh tranh trong ngành này cực kỳ khốc liệt. Do đó, phương thức XTTM của Việt Nam cần phải tạo được sự khác biệt, sáng tạo để bắt kịp với thời đại công nghiệp 4.0.
Cũng theo bà Xuân, trong ngành da giày - túi xách, số lượng DN FDI chỉ chiếm 30% tổng số DN nhưng chiếm gần 79% tổng kim ngạch XK. Do vậy, hoạt động XTTM cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn cho những DN nhỏ và vừa của Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác triển khai chương trình trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đặt vất đề, tại sao các địa phương không kết hợp làm các chương trình XTTM, cùng nhau quảng bá hàng Việt, mỗi địa phương làm nhỏ lẻ chắc chắn tiếng vang sẽ không cao.
Ngoài ra, chương trình cần lựa chọn những sự kiện, DN và ngành hàng có năng lực tốt để hỗ trợ. Tạo những điển hình, từ đó sẽ lan toả hiệu quả tới các DN và ngành hàng khác.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo