Chính sách

Liệu có thể "đảo chiều" hạ lãi suất gỡ khó cho doanh nghiệp?

DNVN - Chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ theo hướng nào, giải pháp quan trọng nào để bảo đảm cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá? Đây là những điều rất quan trọng với doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

"Dọn ổ" bằng cơ chế ưu tiên, thu hút dòng vốn từ "đại bàng" công nghệ / Sản xuất nông nghiệp theo hướng "ít hơn nhưng được nhiều hơn"

Ngân hàng đối mặt bài toán khó giải
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các Ngân hàng Trung ương thế giới đều rất khó khăn trong chính sách tiền tệ. Bởi vì vừa phải hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế, vừa phải bảo đảm mặt bằng lãi suất không quá cao; đồng thời phải ổn định tỉ giá, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân và DN.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) chia sẻ, dư địa điều hành chính sách tiền tệ gần như rất khó khăn trong năm 2022 và khó khăn này kéo dài cho đến năm 2023.
Đầu năm 2022 và cuối năm 2021 hầu hết các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, đã rất sai lầm khi nhận định rằng lạm phát toàn cầu chỉ mang tính thời điểm, tạm thời. Nhưng nhận định này bị "trả giá" bằng cuộc khủng hoảng rất lớn và lạm phát năm 2022 không hề mang tính chất tạm thời. Thực tế lạm phát đã lên đến mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Với sai lầm đó và với phản ứng rất nhanh chóng của các NHTW trên thế giới, các NHTW đã chuyển hướng một cách rất nhanh chóng từ việc nới lỏng không giới hạn trong hai năm COVID-19 (2020 - 2021) chuyển sang thắt chặt tiền tệ cực đoan và tăng nhanh, mạnh lãi suất.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam).

Năm ngoái, FED đã 4 lần tăng lãi suất với mức 0,75% mỗi lần - tức tăng gấp 3 lần so với bình thường. Và 4 lần tăng bất bình thường đó để thể hiện rằng quá trình kiểm soát lạm phát rất gấp gáp, nhanh chóng.
Với bối cảnh như vậy đã tạo ra mặt bằng lãi suất toàn cầu ở mức rất cao và làm cho đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Cuối tháng 9/2022, chỉ số đồng USD index đã tăng lên mức 115, tức là đã tăng 21% so với cuối năm 2021 và tạo áp lực khủng khiếp lên chính sách tiền tệ không chỉ của Việt Nam mà với tất cả các nước đang phát triển và mới nổi. Theo đó, đồng USD trở thành hầm trú ẩn cho tất cả các nhà đầu tư.
"Trong bối cảnh này, sự chống chọi của chính sách tiền tệ của các nước như Việt Nam, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn thì khả năng chống chọi với những cú sốc khủng khiếp đó là cực kỳ căng thẳng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tới dự hội nghị ngành ngân hàng đã đặt ra câu hỏi và cũng là mong mỏi đối với ngành là làm sao tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất, điều hành tỉ giá", ông Phạm Chí Quang chia sẻ.
Nếu chúng ta hi sinh tỷ giá, để tỷ giá tăng rất cao, mất giá rất nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối. Nhưng ngược lại, cần lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn (tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP hiện nay tương ứng hơn 200%). Nếu chúng ta để tỷ giá phá giá quá nhanh thì hệ lụy là nhập khẩu lạm phát và không kiểm soát được lạm phát trong nước. Khi không kiểm soát được lạm phát thì đương nhiên các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ đến ngay lập tức.
Do đó, theo ông Phạm Chí Quang, trong năm 2023, mục tiêu quan trọng nhất, xuyên suốt và theo quy định pháp luật NHNN phải làm, phải điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát. Từ đó sẽ duy trì được hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống ngân hàng.
Tập trung lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là một mặt tiếp tục hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng mặt khác không chủ quan với lạm phát, áp lực lạm phát. Mức lãi suất mà FED neo ở mức cao còn kéo dài đến hết năm 2023. Như vậy độ trễ tác động từ lạm phát nhập khẩu với nền kinh tế của Việt Nam còn rất lớn. Do đó việc điều hành chính sách tiền tệ không thể chủ quan với lạm phát. Để bảo bảm sự ổn định kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, NHNN sẽ điều hành rất đồng bộ, rất linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát.
"Mục tiêu bất biến của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Còn cách thức điều hành thì linh hoạt cho tất cả các công cụ và tùy từng thời điểm thị trường, chúng tôi đưa ra giải pháp, chính sách, lộ trình làm sao vừa hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với lạm phát. Đây là định hướng rất xuyên suốt mà NHNN sẽ thực hiện trong năm 2023", Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.
Có thể đảo chiều chính sách tiền tệ?
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, NHNN đồng cảm, đồng hành với DN, hiểu những cú sốc mà DN phải trải qua trong năm 2022, DN đã phải chịu rất nhiều khó khăn. Đồng thời mong các DN hiểu rằng kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nên tác động từ chính sách bên ngoài đối với đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam là rất lớn. Do vậy, cơ quan quản lý không thể tính chủ động hoàn toàn trong một nền kinh tế hội nhập hiện nay.
Ở góc nhìn chuyên gia, nhấn mạnh đến khó khăn của cộng đồng DN, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực đặt câu hỏi "liệu có thể đảo chiều chính sách tiền tệ là hạ lãi suất vào thời điểm thích hợp hay không?"
"Phải thận trọng với lạm phát nhưng không nên quá thận trọng. Thủ tướng đã chỉ đạo chính sách tiền tệ phải chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, không thắt chặt quá. Đây là thông điệp rất quan trọng bởi vì DN còn rất nhiều khó khăn, mặc dù còn nhiều rủi ro với hệ thống ngân hàng, thanh khoản, nguồn vốn cùng những áp lực khác.
Trong bối cảnh này, chính sách phải cân bằng để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng và lành mạnh cho cộng đồng DN. Hai điều này song hành với nhau rất rõ. Chúng tôi đã chạy mô hình tính toán giữ cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, cái nào phải trả giá đắt hơn? Và tôi cho rằng có lẽ chúng ta linh hoạt hơn về tỉ giá sẽ tốt hơn là tăng lãi suất. Tăng lãi suất hiện nay là bài toán rất lớn đối với DN và nền kinh tế. Tăng lãi suất là một trong những biện pháp để chúng ta giữ cho lạm phát không tăng quá cao, nhưng nếu tăng mạnh lãi suất thì cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", chuyên gia nêu.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm