Chính sách

Vì sao tài trợ chuỗi cung ứng nông sản ‘èo uột’?

DNVN - Tài trợ chuỗi cung ứng nông sản là một mảng quan trọng nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng lượng tín dụng, một con số "èo uột" so với quy mô xuất nhập khẩu đạt khoảng 800 tỷ USD trong năm 2023.

3 vướng mắc điển hình đối với doanh nghiệp về quy định "Made in Vietnam" / 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ phải thực hiện kiểm kê

Tài trợ chuỗi cung ứng nông sản ở mức khiêm tốn

Nông nghiệp luôn được coi là "mặt trận" quan trọng của Việt Nam bởi lĩnh vực này đóng góp 11-12% vào GDP và đạt kim ngạch xuất khẩu 52-53 tỷ USD. Khoảng 58% dân số Việt Nam liên quan đến tam nông (nông nghiệp, nông thôn, và nông dân).

Hiện thế giới rất quan tâm đến tài trợ chuỗi cung ứng nông sản. Dù trong dịch bệnh cũng như không dịch bệnh đều tăng đâu đó khoảng 10 - 15% một năm.

Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, tài trợ tín dụng trong lĩnh vực tam nông đã có những bước tiến nhất định. Tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực này đã tăng từ 18% năm 2016 lên 24% hiện tại.

Tín dụng nông nghiệp – nông thôn tăng khá, cao gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng tín dụng chung. Tổng dư nợ tín dụng “tam nông” cuối năm 2023 khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng dư nợ cho nền kinh tế. Riêng cho vay nông-lâm-thủy sản cuối tháng 6/2024 đạt 986.000 tỷ đồng, tương ứng gần 7% tổng dư nợ nền kinh tế.


TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Tài trợ chuỗi cung ứng nông sản là một mảng quan trọng nhưng chưa được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Quy mô hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn rất nhỏ trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá - khoảng 10%/năm giai đoạn 2013-2023. Năm 2023, các NHTM chỉ tài trợ thương mại cho 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; trong đó, tài trợ chuỗi cung ứng chỉ chiếm 2%.

Trong câu chuyện tài trợ chuỗi cung ứng, lâu nay ngân hàng vẫn yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ngân hàng đã bắt đầu chấp nhận tài sản thế chấp linh hoạt hơn. Theo đó, ngân hàng có thể thế chấp bằng hàng tồn kho, bằng hóa đơn, bộ chứng từ. Tức là ngân hàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.

“Chính sách nhiều nhưng thực thi chưa được tốt. Việt Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, tuy nhiên việc thực thi vẫn chưa đạt hiệu quả do quy trình và thủ tục phức tạp”, chuyên gia nhìn nhận.

Thêm vào đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn có những hạn chế chất định, rất khó chứng minh phương án kinh doanh của mình khả thi. Doanh nghiệp gặp vấn đề về quản trị, tài chính, sổ sách thiếu minh bạch.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít nước không có chính sách bảo hiểm nông nghiệp dù đã làm thí điểm chính sách này vào năm 2013. Đến năm 2020 chấm dứt chương trình thí điểm nhưng lại không có tổng kết, đánh giá.

Cần hệ sinh thái tài chính vững mạnh

Để nâng cao hiệu quả tài trợ tín dụng cho tam nông và chuỗi cung ứng nông sản, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần xây dựng một hệ sinh thái tài chính vững mạnh, trong đó bao gồm sự tham gia tích cực của Chính phủ, cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp. Chính phủ cần vào cuộc để bảo đảm cơ sở pháp lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc tài trợ chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc miễn truy đòi trong chiết khấu bộ chứng từ.

Việt Nam cũng cần hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, và cho vay trực tuyến. Đồng thời, việc thúc đẩy chính sách bảo hiểm nông nghiệp là cần thiết, giúp nông dân và doanh nghiệp bảo vệ rủi ro khi tham gia vào thị trường quốc tế.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hoàn thiện hệ thống thông tin và dữ liệu về thị trường, giá cả nông sản, sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp định hướng sản xuất và tiêu thụ ổn định hơn.

Chính phủ và các địa phương cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản, đặc biệt là các tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn và phát triển sản xuất.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm