Góc nhìn

Cho người nước ngoài mua nhà, phải ngăn chặn rửa tiền

“Nếu không quản lý được nguồn tiền của người nước ngoài mua nhà Việt Nam sẽ thành chỗ cho các “bố già” rửa tiền. Bất động sản là chỗ rửa tiền cực hay vì đây là mặt hàng tiêu thụ một lượng tiền lớn. Cho nên khó nhất là quản lý nguồn tiền để mua nó chứ không phải là khó ở chỗ quản lý nhà”.

Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Đây là chia sẻ của ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về Dự thảo Luật nhà ở mới của Bộ Xây Dựng với Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.

 
PV: Vừa qua Bộ Xây dựng đã đưa ra dự thảo Luật Nhà ở mới, ông đánh giá thế nào về về dự thảo mới này?
 
Ông Trần Ngọc Hùng: Có một chính sách rất quan trọng của nhà nước vừa rồi đã bỏ trống đó là chính sách liên quan đến nhà ở cho thuê, nhà cho thuê mới là đối tượng thực sự cho người thu nhập thấp, đó là những cán bộ công chức, là những người mới ra trường, những người ngoài tỉnh lên thành phố làm việc. Đã là nhà cho thuê thì phải là nhà có thời hạn, cho nên ở các nước họ có loại nhà có thời hạn để giải quyết vấn đề cấp bách cho người dân ở các thành phố, khu công nghiệp.
 
Đối với loại nhà này ở các nước họ quy đinh nhà cấp 4 chỉ có thời hạn 15 đến 20 năm, nhà cấp 3 có thời hạn 30 đến 40 năm, nhà cấp 2 là 50 năm, nhà cấp 1 mới được 70 năm, nhà cấp đặc biệt như bảo tàng hay lăng Bác mới là vĩnh viễn.
 
PV: Cuối năm vừa rồi Bộ Xây Dựng đưa ra quy định sử dụng chung cư 70 năm, nhưng trong dự thảo luật nhà ở mới lại bị bãi bỏ, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Ông Trần Ngọc Hùng: Về thời hạn sử dụng chung cư thì ở các nước có nhiều quy định sở hữu khác nhau, sở hữu của nhà nước, sở hữu của tổ chức, sở hữu của tư nhân. Hiện nay nhà nước mình cũng đã có 2 loại là có thời hạn và không thời hạn. Hiện các chứng nhận nhà ở của Việt Nam, sổ hồng hay sổ đỏ tất cả đều là loại nhà ở không có thời hạn. Nhưng chúng ta cũng đã có một loạt nhà ở có thời hạn, điển hình là tòa nhà 83A Lý Thường Kiệt, như vậy đây không phải là đề xuất mới bởi vì có một loại chúng ta giao đất có thời hạn cho tổ chức, cho cá nhân. 
 
Cho nên rõ ràng chúng ta phải đề cập đến loại nhà ở không có thời hạn trong luật, đó là chuyện bình thường. Vấn đề là chúng ta đã đưa ngay vào luật mà đưa vào luật thì phải quy định rõ loại nhà nào có thời hạn bao nhiêu, phải theo cấp công trình để quyết định.
 
Trong luật quy định rõ ràng là thời hạn sử dụng công trình tùy theo chất lượng công trình. Như vậy là tốt cho cả hai vế, nhưng người Việt Nam có thói quen là sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ, không có thói quen đi thuê, đó là một tư tưởng lạc hậu. Cho nên theo tôi cần vận động người dân hòa nhập với thế giới về vấn đề nhà cho thuê. 
 
Bộ Xây dựng đã né khéo hơn bằng cách không dùng từ thời hạn sử dụng nhà. Và trong luật có một chương riêng gọi là thời hạn sử dụng theo chất lượng cấp công trình. Theo luật mới, để khỏi ảnh hưởng đến dân, vì dân Việt Nam có thói quen sở hữu nhà vĩnh viễn nên người ta rất ngại việc sở hữu nhà có thời hạn. 
 
PV: Vậy theo ông việc bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn có lặp những khó khăn về cải tạo chung cư cũ như hiện nay không, thưa ông?
 
Ông Trần Ngọc Hùng: Mua nhà chung cư hay mua nhà tái định cư có sổ đỏ hẳn hoi nhưng sử dụng đến 50 năm thì chẳng khác gì các chung cư cũ của chúng ta hiện nay. Với cách viết luật như thế thì sau này sẽ phải xử lý một tình huống rất là khó cho người sử dụng. 
 
Luật nhà ở còn nhiều bất cập (ảnh nguồn internet)
 
Ví dụ, nhà tái định cư hiện nay chắc sẽ không được nổi 50 năm, mới được 5 đến 10 năm mà đã lún, sụt, hỏng, nếu đến 50 năm thì lại như các chung cư cũ hiện nay sẽ xử lý tình huống rất khó. Đó là nhược điểm của phương án vĩnh cửu.
 
Còn nhà có thời hạn, ví dụ bán 50 năm thì đúng 50 nếu không đi cũng bị đuổi, chỉ cần báo trước một thời gian. Cho nên nếu áp dụng được quy đinh này thì sẽ tốt hơn nhưng hiện nay Việt Nam chưa áp dụng được. Tuy chưa áp dụng nhưng phải quy định rất rõ khi thời hạn sử dụng đã hết thì xử lý theo cơ chế chính sách phá dỡ nhà chung cư đã hết hạn sử dụng. Đây là một vấn đề hết sức lớn và phải có một chương riêng. 
 
PV: Trong dự thảo luật nhà ở mới quy đinh người nước ngoài có thể mua nhà mà không hạn chê thời gian, diện tích, số lượng… điều này có để lại hậu quả gì về sau không thưa ông?
 
Ông Trần Ngọc Hùng: Trong điều kiện hội nhập hiện nay tôi ủng hộ phương án mở hết cửa, miễn là người đó phải ở Việt Nam chứ mua nhà không phải để bán. Và hiện nay Việt Nam đang có hàng chục vạn người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở, đặc biệt là cư dân các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc… đang sống tại Việt Nam. Đừng ngại mở cửa, chúng ta có nhiều cách để quản lý, không sợ mất nhà, mất nước đâu. 
 
Nhưng quan trọng nhất, cái khó nhất là chứng minh nguồn gốc của người mua để tránh không bị tình trạng rửa tiền. Mua nhà ở Úc, Mỹ, Singapore, Thái Lan rất dễ nhưng người ta quy định người mua phải chứng minh nguồn tiền ở đâu ra. Nếu không quản lý được vấn đề này Việt Nam sẽ thành chỗ cho các “bố già” rửa tiền. Bất động sản là chỗ rửa tiền cực hay vì đây là mặt hàng tiêu thụ một lượng tiền lớn. Cho nên khó nhất là quản lý nguồn tiền để mua nó chứ không phải là khó ở chỗ quản lý nhà. Chúng ta rất dễ bị sơ hở ở điều này, đây là điều khó nhất mà chúng tôi quan tâm. 
 
Ngoài việc chứng minh được nguồn tiền, điều kiện thứ hai là phải chứng minh được có nhu cầu ở thực sự. Đây là hai điều kiện bắt buộc khi cho người nước ngoài mua nhà để tránh tình trạng bị lợi dụng.
 
Như Trâm (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo