An ninh mạng

CEO VNG: Việt Nam cần sớm có luật về quyền riêng tư, mỗi người dân có Digital ID

DNVN - Theo ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới nhưng lại không được bảo vệ. Để phát triển kinh tế số Việt Nam cần sớm có một đạo luật về quyền riêng tư và trong vòng 3-5 năm tới mỗi người dân cần có một Digital ID.

Khóa xác thực của Việt Nam do Vingroup sản xuất được Microsoft khuyến nghị sử dụng / Hai cao thủ bảo mật của Việt Nam được vinh danh tại cuộc thi tấn công mạng Pwn2Own

Tiềm năng phát triển kinh tế số về nông thôn

Tại ngày Internet Day 2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 16/12/2020, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, trong nửa cuối năm 2020, đã có nhiều báo cáo chi tiết của các tổ chức quốc tế về xã hội số, chính phủ số, kinh tế số.

Báo cáo EGDI của Liên hợp quốc cho thấy, về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc và có điểm số cao hơn mức trung bình của Châu Á và Thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117. Ở chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam bị tụt 22 bậc trên bảng xếp hạng. Giải thích về kết quả này, số liệu của Liên hợp quốc hiện chỉ mới cập nhật tới tháng 9/2019. Do vậy, những nỗ lực chuyển đổi số của Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay hiện vẫn chưa được ghi nhận và phải chờ đến lần đánh giá sau.

Kinh tế số Việt Nam đang có bước tăng trưởng khá cao, hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp các doanh nghiệp FDI.

Tỷ trọng xuất khẩu CNTT&TT hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Xuất khẩu ICT Việt Nam hiện chiếm 3% tỷ trọng xuất khẩu ICT toàn cầu. Đây là những điểm sáng trong lĩnh vực ICT của Việt Nam.

Theo báo cáo e-Conomy của Google, đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy sự tăng vọt số người dùng mới các dịch vụ số tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Số lượng người dùng mới các dịch vụ số của Việt Nam trong năm qua đã tăng trưởng 41%, cao hơn số trung bình trong khu vực Đông Nam Á là 36%.

Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD).

Theo ông Đường: “Covid-19 tăng vọt người dùng mới Internet trên toàn cầu, ở Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng số người dùng mới chủ yếu ở khu vực thành thị,còn ở nông thôn người dùng mới Internet chỉ chiếm 24%, đây chính là cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp Internet, viễn thông thúc đẩy các dịch vụ về thị trường nông thôn”

Tuy tăng mạnh ở lĩnh vực kinh tế số, nhưng ở trụ cột xã hội số (bao gồm: hạ tầng kết nối, định danh số, công dân số, phong cách số, thương mại số) thì mức tăng điểm cao nhất 12/100 điểm của năm 2020, Việt Nam chỉ xếp hạng ở mức trung bình của các nước trong khu vực, xếp vào nhóm chuyển đổi, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Các chỉ số hạ tầng cũng ở mức trung bình, với mức tăng điểm là 18 điểm.

Dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới nhưng lại không được bảo vệ

Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG.

Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG.

Chia sẻ về kinh tế số và dữ liệu số, ông Lê Hồng Minh, CEO VNG cho hay, từ năm 2016 nhiều người bắt đầu nhắc đến thuật ngữ “dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới”, là nguồn tài nguyên quý giá, nước nào sở hữu nhiều dữ liệu thì nước đó có nhiều năng lượng, Song khác ở chỗ nguồn tài nguyên dầu mỏ hữu hạn còn dữ liệu là vô hạn.

Ước tính mỗi ngày 1 người ít nhất tạo ra 2Gb dữ liệu, do đó quốc gia nào cũng có nhiều dữ liệu, quan trọng nhất là dữ liệu đó được thu thập, phân tích, xử lý đưa ra các đánh giá để quyết định sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này thế nào.

Vậy cách tiếp cận của VNG, là công ty chuyên làm sản phẩm, giải quyết các vấn đề về dữ liệu như thế nào? Ông Lê Hồng Minh chia sẻ, với vai trò CEO trong một năm bộ phận pháp chế rất nhiều lần đề nghị ông điền các form thông tin cá nhân để giải quyết các hồ sơ về thủ tục hành chính. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông không điền số điện thoại và địa chỉ email chính xác của mình, mà điền một số khác đi, email khác đi không đúng để tránh việc thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt.

Một lần khác, ông có trao đổi cùng bạn bè về một sản phẩm sức khỏe nhưng hôm sau trên Newsfeed Facebook của ông đã hiện ngay quảng cáo sản phẩm đó lên. “Điều đầu tiên tôi nghĩ đến liệu Facebook có nghe lén người dùng không?” CEO VNG đặt dấu hỏi.

Một ví dụ thực tiễn khác mà ông Minh nêu ra, đó là mỗi năm ông đều phải làm một sơ yếu lý lịch để phục vụ cho hồ sơ giấy tờ và đều phải in bản giấy có khi cả trăm bản để lên phường xin xác nhận.

Theo CEO của VNG, dữ liệu cá nhân ở Việt Nam không được tôn trọng, không được bảo mật, số điện thoại cá nhân luôn bị gọi, nhắn tin rác làm phiền. Mặc dù Bộ TT&TT và các nhà mạng đã có nhiều biện xử lý và cũng bước đầu có kết quả, nhưng không hạn chế được hết được tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới, quốc gia nào có nhiều dữ liệu thì có nhiều lợi thế, nhưng thực tế 99% là dữ liệu được thu thập nhưng chỉ 1% được xử lý, trong số 1% dữ liệu được xử lý để tạo ra giá trị này thì lại được xử lý bởi các công ty công nghệ đa quốc gia.

“Các nguồn dữ liệu ở Việt Nam cực kỳ rời rạc, không thống nhất, không liên thông với nhau”, ông Lê Hồng Minh cho hay.

CEO VNG cũng có ba đề xuất với Chính phủ: Để nền kinh tế số, dữ liệu số được phát triển, người ta phải tin tưởng dữ liệu của mình được tôn trọng, được bảo vệ, nếu không có sự tin tưởng, kinh tế số không thể phát triển được. Việt Nam cần phải có một luật để bảo vệ quyền riêng tư, mặc dù trong nhiều văn bản luật đã có những quy định về quyền riêng tư, nhưng thực tế không được coi trọng. Nhiều dữ liệu quyền riêng tư được các đơn vị, tổ chức, Chính phủ sử dụng như thế nào, trên thực tế trên thế giới có nhiều nước đã khung pháp lý về quyền riêng tư. Nếu Chính phủ xem việc bảo vệ quyền riêng tư là việc quan trọng thì trong vòng 1-2 năm tới phải đưa ra luật về bảo vệ quyền riêng tư.

Thứ hai, làm sao tạo được niềm tin rồi, để xây dựng được nền kinh tế dữ liệu, thì cần phải tạo ra được hạ tầng số, mà nỗ lực xây dựng hạ tầng đang nằm trong các dự án của các bộ, ngành. “Cách đây 10 năm, tôi đã phát biểu việc mỗi người dân cần có một mã ID - Digital ID. Xây dựng cơ sở hạ tầng là trách nhiệm của Chính phủ, không nhanh thì cũng trong vòng 3-5 năm nữa mỗi người Việt Nam phải có có một Digital ID. Khi đó tôi sẽ không cần mỗi năm phải khai 100 cái lý lịch nữa”, ông Minh.

Kiến nghị thứ ba, ông Minh cho rằng, Chính phủ cần làm dữ liệu, xây dựng nền tảng để các cơ quan, tổ chức của Việt Nam có thể liên thông dữ liệu của nhau được.

Lê Đỗ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm