Khởi nghiệp ICT

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Không thể coi bài hát không bằng một mớ rau, sự sáng tạo của người khác là cái ai cũng có thể ăn cắp”

DNVN - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng: “Chúng ta không thể sống mà cứ coi bài hát không bằng một mớ rau, coi sự sáng tạo của người khác là cái mà ai cũng có thể ăn cắp cả. Rất nhiều người nghĩ thế mà vẫn hồn nhiên thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đang được ăn cắp công khai”.

Founder YellowBlocks Đoàn Kiều My đại diện Vingroup làm cố vấn của Hội đồng Đổi mới sáng tạo Việt - Áo / Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Tôi muốn các nhạc sĩ được trao quyền kiểm soát bản quyền bài hát của mình trên Internet

Mới đây, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã chia sẻ về giấc mơ sắp thành hiện thực, đó là anh sắp sửa ra mắt hệ thống quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến. Hệ thống này sẽ giúp các nhạc sĩ kiểm soát được ai sử dụng tác phẩm của mình trên môi trường mạng, quan trọng nhất là bảo vệ và minh bạch được về bản quyền âm nhạc đang bùng nổ trên mạng Internet như hiện nay.

Vậy mơ ước của anh có được các nhạc sĩ đón nhận thế nào và anh có chiến lược triển khai hệ thống quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến này ra sao, anh đã có chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về câu chuyện này.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn Rất nhiều người nghĩ thế mà vẫn hồn nhiên thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đang được ăn cắp công khai.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn Rất nhiều người nghĩ thế mà vẫn hồn nhiên thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đang được ăn cắp công khai.

Thưa nhạc sĩ, anh mới chia sẻ về giấc mơ sắp thành hiện thực của anh đó là một hệ thống quản lý âm nhạc trực tuyến sắp sửa vận hành. Theo anh, mơ ước khá lớn lao của anh, liệu có nhận được sự ủng hộ của các nhạc sĩ, các đồng nghiệp của anh không?

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Mình nghĩ là anh em sẽ ủng hộ quá nhiều, rất nhiều. Vì đấy cũng là mơ ước chung của mọi người. Đó là những tác phẩm, những đứa con của mình cần phải được bảo vệ, các nhạc sĩ cần phải có quyền lợi rất rõ ràng ở trong đó. Mà bạn biết là đã sử dụng công nghệ thì chúng ta không thể ăn gian nói dối được. Vậy thôi, tôi chỉ muốn cung cấp một hệ thống với những giải pháp, những công cụ thật là minh bạch. Mà đã minh bạch chắc chắn các nhạc sĩ sẽ ủng hộ.

Ví dụ, lượng người nghe như nào là hệ thống hiển thị rõ ra, hàng tháng sẽ thông báo rõ ràng là bài hát đó có bao nhiêu người nghe, bao nhiêu người xem. Và một điểm nữa là các công cụ đo đếm này cũng giúp chúng tôi mang đi tranh đấu với những nơi mà họ đang dùng free, dùng chùa trên tác phẩm của chúng tôi. Họ đang dùng âm nhạc quá là tràn lan, họ sống trên những tác phẩm của chúng tôi tạo ra, họ thu lợi bất chính và giàu có, trong khi anh em nhạc sĩ thì không hề có gì.

Khi anh đưa hệ thống của anh vào quản lý các bài hát, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của một bộ phận mà họ đang sống, đang làm giàu trên lưng các nhạc sĩ. Vậy anh có nghĩ tới việc mình sẽ phải đối đầu với những phản ứng từ họ ra sao không?

Tôi nghĩ là chẳng có gì phải đối đầu cả, chúng ta đều phải sống theo pháp luật, cái này luật đã quy định rõ ràng rồi. Việt Nam đã ký tham gia Công ước Berne từ năm 2004, vì thế pháp quyền cần phải được bảo vệ. Tôi xin nói lại là “muốn để một đất nước phát triển, một đất nước văn minh điều đầu tiên là phải bảo vệ được chất xám, bảo vệ được quyền được sáng tạo của con người. Chất xám chính là cái quyền năng sáng tạo của con người. Đấy chính là những quyền năng mà ông trời ban cho, quyền năng của Chúa trời ban cho loài người. Tôi nghĩ là như thế”.

Tôi có đọc một báo cáo cho biết, năm 2019 doanh thu âm nhạc trực tuyến trên thế giới đạt trên 11 tỷ USD (chiếm tới hơn 56% doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu). Còn ở Việt Nam thì tôi chưa tìm được một số liệu báo cáo nào về tổng doanh thu của thị trường âm nhạc trực tuyến.Là người đi tiên phong, anh có đặt ra cho mình một chiến lược phát triển, ví dụ năm đầu tiên sẽ quản lý bao nhiêu tác phẩm, mang lại bao nhiêu doanh thu hay không?

Tôi muốn kể một câu chuyện rất vui thôi “nếu bạn đi sang Viena - thủ đô của Áo là một thủ phủ của âm nhạc của châu Âu từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX cho đến bây giờ, thì doanh thu của đất nước Áo là 98 % GDP là từ văn hóa nghệ thuật. Con số nguồn thu 98 % GDP của một quốc gia thu từ văn hóa nghệ thuật thì bạn thấy nó khủng khiếp đến như thế nào?

Do đó, tôi nghĩ rằng mình không đặt lợi nhuận đầu tiên. Đầu tiên là thực hiện giấc mơ của mình đã, bởi vì là người làm nghề tôi hiểu rất rõ, số lượng những tác phẩm của tôi nó lang thang trên mạng lên tới gần 200 tác phẩm rồi. Do đó tôi cũng muốn làm đầu tiên là từ các tác phẩm của mình, để thử nghiệm xem cái của mình đã thu về được bao nhiêu đã. Tôi nghĩ rằng anh em nhạc sĩ họ sẽ thấy những con số, những con số minh bạch như thế, khi đó họ sẽ thấy chắc chắn là tác phẩm của họ bảo vệ được thì họ sẽ sát cánh bên mình để cùng nhau bảo vệ thôi.

Đầu tiên sẽ là một giấc mơ tốt, rất là tốt rồi. Và tôi luôn luôn nói đó là sự minh bạch, cần phải có sự minh bạch, mà không có gì minh bạch bằng công nghệ. Không có gì minh bạch tốt như là một cái trí tuệ nhân tạo, đó chính là cái công nghệ quản lý.

Anh có thể tiết lộ đến thời điểm nào thì anh biến “giấc mơ” của mình thành hiện thực?

Thật ra thì trước mắt tôi muốn giấc mơ làm những điều tốt đẹp nhất. Còn cái gì nó đến thì nó sẽ đến tự nhiên thôi. Đối tác mà tôi kết hợp là một công ty mạnh có gần hai chục năm kinh nghiệm, cũng là đơn vị “vua biết mặt chúa biết tên” ở mảng công nghệ. Hai anh em kết hợp lại nó là một cái duyên, cùng nghĩ tới một sứ mệnh là bảo vệ nội dung trên môi trường Internet. Gần hai năm nay các anh em đã lọ mọ làm rất nhiều việc, cũng trả giá rất nhiều về sức khỏe, về mồ hôi, nước mắt, thậm chí có cả những sự bế tắc nữa, đó là bế tắc về những cái thủ tục. Tuy nhiên, với ước mơ cháy bỏng của mình, thì cái gì đến sẽ phải đến. Những cái gì là sự thật thì nó sẽ là sự thật, các nghệ sĩ không thể sống mãi thế này. Chúng ta không thể sống mà cứ coi bài hát không bằng một mớ rau, coi sự sáng tạo của người khác là cái mà ai cũng có thể ăn cắp cả. Họ nghĩ thế mà vẫn hồn nhiên thưởng thức những tác phẩm âm nhạc đang được ăn cắp công khai.

Tôi rất buồn vì có những nhạc sĩ mà bạn biết đấy họ sống rất đạm bạc, một cuộc sống mà về già rất nghèo khổ, trong khi đó họ là chủ nhân của cả một kho tàng âm nhạc. Tôi không muốn nói tên ra, nhưng đấy là một cái sự chua xót cho cả với nền văn hóa nghệ thuật, nói rộng ra là chua xót cho cả một sự phát triển của đất nước đang phát triển như Việt Nam.

Hiện nay thì công ty của mình đã quy tụ được bao nhiêu nhạc sĩ rồi anh?

Đấy là một chiến lược của công ty, bởi vì hiện tại bây giờ là anh em vẫn đang âm thầm chuẩn bị, hệ thống vẫn đang trong thời gian set-up, đang trong thời gian chuẩn bị thôi. Một ngày gần nhất sẽ có một buổi họp báo ra mắt công ty, tôi tin là sẽ thuận lợi trong công việc. Bởi vì mơ ước của mình đơn giản thôi, đó là mình được sống, sống đúng với cái nghề của mình. Hãy để cho các nhạc sĩ được sống đúng bằng nghề, muốn sống được bằng nghề thì bảo vệ cái chất xám của họ. Bảo vệ tác quyền là một trong những yếu tố quyết định quan trọng nhất của người làm nghề.

Theo dự báo của anh, nếu như Việt Nam đã có công nghệ kiểm soát tốt bản quyền rồi thì nền âm nhạc trực tuyến của Việt Nam có thể phát triển ở mức độ như thế nào?

Âm nhạc trực tuyến chắc chắn sẽ bùng nổ hơn rất nhiều. Bởi vì đến chục năm trở lại gần đây âm nhạc trực tuyến đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ 20 năm trước thôi, băng đĩa lậu đã làm mưa làm gió trên thị trường, mà cơ quan quản lý không thể dẹp nổi. Nhưng bắt đầu từ những năm 2000, bắt đầu có Internet là nó xóa bỏ hoàn toàn công nghiệp băng đĩa lậu của đất nước này. Hầu như các ca sĩ bây giờ họ toàn làm MV để đăng lên mạng, thu hút fan trên mạng, chủ yếu để lấy view, sống bằng view, chứ có mấy ca sĩ ra đĩa nữa đâu.

Nhiều ca sĩ ra hẳn một app riêng, hoặc lập nhiều kênh riêng để thu hút fan trên mạng. Nhưng đáng buồn là người ta làm nhạc một cách thiếu tôn trọng nhạc sĩ, thậm chí có thể nói rõ ràng là một cách ăn cắp, ăn trộm. Những người này họ có thể dần dần làm hủy diệt hết sự sáng tạo âm nhạc, họ làm cho những người sáng tạo mà không còn muốn sáng tạo nữa, bởi như thế làm sao âm nhạc nước nhà phát triển được nữa.

Âm nhạc sẽ không thể phát triển được, đã lâu lắm rồi chúng ta làm gì thấy có cái CD nào nữa, bởi vì người ta không đầu tư nữa, đầu tư làm gì khi mà để ra một CD ít nhất bây giờ phải mất khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhưng có khi vừa ra một đĩa CD hôm trước, hôm sau người khác đã up hết lên mạng. Như thế coi như mất trắng sự đầu tư.

Luật bản quyền đã quy định rồi, nhưng cần phải tuân thủ thật sự chặt thì lúc ấy không còn có câu chuyện ăn trộm, ăn cắp đấy nữa, ông up của tôi lên mạng là ông đi tù, phải bồi thường. Luật bản quyền làm chặt thì sẽ làm hồi sinh ngành công nghiệp băng đĩa và các ca sĩ họ sẽ sống được bằng nghề. Các nhạc sĩ sẽ sống được bằng nghề. Một điều rất bình thường là chúng tôi muốn sống được bằng nghề của chúng tôi.

Mới đây tôi có hỏi một lãnh đạo một cơ quan quản lý về dịch vụ nội dung số về số liệu doanh thu của công nghiệp âm nhạc trực tuyến. Nhưng tôi được trả lời là không có số liệu, vì ngành này hiện giờ chưa có cơ quan nào quản lý. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?

Tôi cho là đúng đấy, âm nhạc trực tuyến hầu như chưa có cơ quan nào quản lý. Luật thì có quy định rõ ràng rồi, nhưng cũng như kiểu sinh ra rồi để đấy thôi. Vi phạm rất nhiều mà tôi thấy không có ai bị xử phạt cả, trong khi ở nước ngoài vi phạm là đi tù hoặc là phạt nặng tới khuynh gia bại sản.

Thực tế với âm nhạc trực tuyến, các ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ không còn phải phụ thuộc vào các công ty biểu diễn, công ty thu âm để bán băng đĩa nữa. Mà họ phát triển một kênh riêng trên các nền tảng phát trực tuyến, live streaming, họ cứ biểu diễn rồi phát lên đó, công chúng vào xem và các nghệ sĩ thu được tiền khi có đông khán giả. Tức là với công nghệ đang rất phát triển như hiện nay các nhạc sĩ, ca sĩ hoàn toàn có thể làm chủ được việc phát hành tác phẩm tới công chúng, anh có nghĩ vậy không?

Tôi cho là điều đó đúng với những người trẻ thôi. Còn có rất đông những thế hệ nhạc sĩ rất là tài năng, nhưng họ có tuổi rồi, thậm chí họ dùng smartphone còn không thành thạo thì câu chuyện họ tự phát hành tác phẩm lên mạng là không thể, vậy phải làm thế nào để bảo vệ được các tác phẩm cho họ rất cần thiết. Chúng ta còn có cả một cái nền âm nhạc cách mạng, cả một nền âm nhạc tiền chiến, còn có những nhạc sĩ đã mất nhưng họ để lại một kho tàng âm nhạc vô giá. Vậy phải làm sao để bảo vệ được tác phẩm cho họ.

Chúng ta đang có tới hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam. Anh có đặt ra cái mục tiêu là kho âm nhạc anh quản lý có thể lên đến bao nhiêu tác phẩm, quản lý cho bao nhiêu nhạc sĩ không?

Tôi cho rằng trước mắt mình làm rất tốt đi đã, thì hữu xạ tự nhiên hương thôi. Bởi vì mục tiêu của chúng tôi rất là tốt, rất nhân văn và rất văn minh, nên chắc chắn là nó sẽ thành công thôi.

Anh là một nhạc sĩ, nhưng anh cho ra một sản phẩm rất mới mẻ, một dịch vụ đòi hỏi ứng dụng công nghệ rất cao, thì cái khó khăn nhất đối với anh là gì?

Nói chung cũng đầy khó khăn, có những cái tưởng là nó nhỏ nhưng nó lại rất là mệt mỏi. Nhưng mà muốn sống được bằng nghề và muốn làm một việc lớn hơn nữa thì cũng phải có những sự hy sinh nhất định. Khi bắt tay vào triển khai thì tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiều người, của những người quản lý nghệ sĩ, các nhạc sĩ và của cơ quan quản lý nhà nước nữa. Vì minh bạch rõ ràng được như vậy thì công ty tôi sẽ hỗ trợ nộp được thuế cho ngân sách nhà nước rất lớn. Số tiền thuế này hiện nó đang bị rơi vào túi một vài người nào đó. Nhưng khi nó đã minh bạch rồi thì mỗi năm có thể đóng thuế cho nhà nước đến hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này đủ để xây được biết bao nhiêu những ngôi trường cho trẻ em vùng cao.

Thêm một lợi ích cộng hưởng rất lớn nữa là nước ngoài họ sẽ nhìn vào Việt Nam, họ sẽ thấy Việt Nam đã làm tốt công tác quản lý bản quyền, họ sẽ càng đến với mình nhiều hơn. Chúng ta đang mất đi quá nhiều thứ chỉ bởi vì chúng ta không ngồi lại với nhau, chúng ta vẫn chưa hiểu thấu đáo tầm quan trọng của việc bảo vệ chất xám. Người ta không thể đến nhà của anh khi mà nhà anh mở toang như thế, toàn kẻ trộm kẻ cắp. Người ta chỉ đến với anh khi anh qua hàng rào bảo vệ bằng luật pháp thật sự để người ta ngủ ngon. Đó chính là chìa khóa để thu hút là các doanh nghiệp, các hãng sản xuất lớn, đấy là ngoài chuyện âm nhạc, còn phim ảnh và nhiều dịch vụ giải trí trên mạng nữa mà chúng ta cần phải thu hút các hãng nước ngoài vào.

Tôi tin chắc là 5 năm nữa thôi, Luật bản quyền sẽ càng ngày càng siết chặt hơn. Bởi vì đấy là điều đúng và cần thiết, nếu không bảo vệ được bản quyền thì sẽ không bao giờ phát triển được, không tiến lên trở thành nước văn minh tiên tiến phát triển được.

Xin cảm ơn Anh!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo