Quốc tế

Chuyên gia lý giải xu hướng 'gần thù xa bạn' của Trump

Tổng thống Mỹ Trump không có chiến lược bao quát như những người tiền nhiệm, mà ứng xử với các nước theo từng vấn đề.

"Chính sách của Trump là hợp tác có chọn lọc, dựa trên cơ sở xét từng trường hợp, áp dụng với các nước và khu vực khác nhau. Không nên trông đợi ông đưa ra thông điệp phổ quát như cựu tổng thống Obama hay Bush", giáo sư John Karaagac, Đại học Indiana, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về xu hướng "gần thù xa bạn" của ông chủ Nhà Trắng. 

Karaagac lý giải quan hệ giữa Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel không tốt đẹp vì Đức tỏ thái độ ác cảm với cách Mỹ xử lý cứng rắn vấn đề người di cư. Trong khi đó, ở châu Âu, Pháp cũng phải đối diện với vấn đề nhập cư nhưng Tổng thống nước này Emmanuel Macron lại không có phản ứng tiêu cực, do đó quan hệ giữa Trump và Macron trở nên thân thiết một cách đáng ngạc nhiên.

Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Reuters.

Với Trung Quốc, Trump xem xét các thỏa thuận theo tính chất "tốt hay xấu", "cây gậy và củ cà rốt". Ông đang xử lý các vấn đề tồn tại lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc bằng sự sốt sắng của một doanh nhân. Trump đặc biệt nhấn mạnh đến việc Mỹ bị thua thiệt trong thương mại với Trung Quốc và bị Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. 

Tổng thống Mỹ hôm 15/6 thông qua kế hoạch áp thuế với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, bắt đầu áp dụng từ 6/7. Nhà Trắng mới đây thông báo nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện tuyên bố trả đũa, Mỹ sẽ áp thêm thuế với 200 tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. 

Karaagac dự đoán thời gian tới, chính quyền của Trump có thể củng cố năng lực hải quân và đưa ra chính sách đối phó với sức mạnh trên biển của Trung Quốc. 

Với Nga, Mỹ cần hợp tác để thúc đẩy chiến dịch chống khủng bố và xử lý các vấn đề ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại thể hiện sự cứng rắn với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, là đồng minh của Nga. Washington cũng có thể tăng cường thúc ép Moskva trong vấn đề an ninh mạng. 

Theo Karaagac, chính sách của Trump không thực sự phức tạp, dường như ông và các cố vấn thân cận coi đó là chính sách của sức mạnh và tái cân bằng. Đội ngũ của Trump không đưa ra chiến lược toàn diện, có thể họ thích hành động hơn là lời nói.

 

"Đó là chiến lược xem xét từng trường hợp, nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế và sức mạnh quân sự. Nó không đề cao các mục tiêu phổ quát như nhân quyền và dân chủ", Karaagac đánh giá.

Giáo sư David Schultz, Đại học Hamline, Mỹ, đánh giá Tổng thống Mỹ đang thực hiện định hướng "nước Mỹ trên hết". Trump không thích các thỏa thuận thương mại đa phương và dành ưu tiên cho các thỏa thuận song phương. Điều này cho thấy ông không nhìn nhận sự liên kết của các vấn đề trên toàn cầu và không để tâm đến việc chính trị quốc tế vận hành như thế nào, vượt khỏi tầm quan hệ song phương giữa các nước. Ông cũng không để ý đến một thỏa thuận với một nước có liên quan thế nào với nước khác. 

Schultz nêu ví dụ gần đây nhất là những hành động của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên, tuyên bố dừng tập trận chung với Hàn Quốc, cho thấy Trump không đánh giá đúng mối quan ngại về an ninh của Hàn Quốc, và sức ảnh hưởng đến Trung Quốc cũng như Nhật Bản.

"Tất cả các quan hệ trong chính sách ngoại giao của Trump là trò chơi thắng thua. Ông muốn Mỹ chiến thắng trong mọi thỏa thuận", Schultz nói, lưu ý là không nước nào, đặc biệt là các đồng minh, được Mỹ ưu tiên.

Nhà bình luận Michael D'Antonio, tác giả cuốn sách "Sự thật về Trump" xuất bản năm 2015, đánh giá kể từ khi nắm chính quyền, Trump thay đổi liên tục, đôi khi không vì lý do gì hơn là "khiến người khác băn khoăn và gây chú ý", vì thế không thể nói Tổng thống Mỹ "có một chính sách nhất quán".

 

"Việc theo dõi Trump làm gì mới là quan trọng, không cần để ý những điều ông nói", D'Antonio lưu ý. 

Cho rằng Tổng thống Mỹ không có chiến lược nhất quán, Daniel Ikenson, Viện nghiên cứu Cato, nói không thể dự đoán được chính xác chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ. Lên án chính sách của Trump, Ikenson nhận định Tổng thống Mỹ đang thay đổi cơ bản chính sách thương mại mà nước này đã theo đuổi trong suốt 80 năm qua. 13 đời tổng thống Mỹ đều coi thương mại là mang lại lợi ích cho các bên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia. Các tổng thống này luôn hướng đến việc tránh lâm vào chiến tranh thương mại và cam kết giảm các rào cản thương mại, tôn trọng các luật lệ, ủng hộ các thể chế thương mại. Tuy nhiên Trump lại nhìn thế giới theo cách khác.

Mặc dù Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đổ lỗi cho giao thương với các nước trong các vấn đề nội địa, ông có thể là người tin rằng chủ nghĩa bảo hộ là cần thiết để khiến nước Mỹ vĩ đại. 

"Tổng thống Mỹ có thể muốn tránh chiến tranh thương mại nhưng lại hài lòng với giả thuyết" Mỹ có thể trụ vững lâu hơn các nước khác khi chiến tranh xảy ra", Ikenson nói.  

Chuyên gia của Viện Cato nêu rõ để Mỹ trở lại thời chính sách ổn định hơn và có thể dự báo được, Quốc hội Mỹ cần thể hiện quyền của mình trong việc hạn chế sự tự quyết Tổng thống. Hiện nay Quốc hội Mỹ tỏ ra quá rụt rè trước chính sách của Trump về thương mại.

 

Christine McDaniel, Đại học George Mason, Mỹ nhận định chính quyền Trump sẽ không thúc đẩy chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng vẫn có phản ứng với các vấn đề bất đồng. Hai bên sẽ có thêm thuế hoặc đe dọa áp thuế để trả đũa lẫn nhau và ít có đàm phán. 

Các cố vấn thân cận của Trump

David Schultz cho rằng những người có ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ là Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo và có thể là con rể Jared Kushner. 

Ông Bolton, 69 tuổi, cựu phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc, được nhận xét là một chính trị gia cứng rắn, từng thúc đẩy Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Cuối tháng ba năm nay ông được Tổng thống Trump chỉ định làm người thay thế cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, sau khi sa thải ông này. Phe bảo thủ ca ngợi Bolton là một chính trị gia "diều hâu" với phong cách ngoại giao thẳng thắn.

Ông Pompeo cũng bất ngờ được Trump chọn làm ngoại trưởng Mỹ đầu tháng 3/2018 khi ông đang là giám đốc CIA. Người tiền nhiệm của ông là Rex Tillerson bị sa thải do có nhiều bất đồng với Tổng thống. Sinh năm 1963, Pompeo tốt nghiệp học viện quân sự West Point và có thời gian phục vụ trong quân đội trước khi được bầu vào quốc hội năm 2010. Pompeo là người có quan điểm đồng điệu với Trump về nhiều vấn đề, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran. 

 

Jared Kushner, 37 tuổi, kết hôn với Ivanka, con gái cả của Trump. Là con trai cả của ông trùm bất động sản Charles Kushner với khối tài sản lên tới 7 tỷ USD vào năm 2015, Kushner là cố vấn của Tổng thống Mỹ nhưng không hưởng lương, đảm trách nhiệm vụ liên quan đến đối nội và đối ngoại, làm đầu mối liên hệ cho Tổng thống, các bộ trưởng và đại sứ Mỹ tại hàng chục quốc gia.

Chuyên gia Karaagac thì nêu bật vai trò của các tướng trong chính quyền của Tổng thống Trump, là những người được bổ nhiệm không lâu sau khi ông nhậm chức. Trong đó Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đóng vai trò chính, ông có thể tác động đến việc bổ nhiệm các đại sứ ở một số nước quan trọng ở Đông Á. Mattis, 68 tuổi, tướng thủy quân lục chiến về hưu, có biệt danh "Chó điên" nhờ chuỗi thành tích trận mạc đáng nể cùng tinh thần chiến đấu hiếm có. Gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến từ năm 19 tuổi, Mattis đã tham gia cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như tham chiến ở cả Afghanistan và Iraq.

Theo Karaagac, cố vấn an ninh quốc gia Bolton có cách tiếp cận cứng rắn và mất kiên nhẫn trong đàm phán ngoại giao, phong cách rất giống Tổng thống Trump. Sự hiện diện của Bolton có thể giúp Trump có nhiều không gian để thực hiện chính sách ngoại giao một cách khéo léo, chẳng hạn như mềm mỏng với Triều Tiên nhưng lại cứng rắn với Iran. Ngoại trưởng Pompeo hội tụ kinh nghiệm ở cả quân sự, kinh doanh và lập pháp. Ông từng có cơ hội ở gần Trump qua báo cáo hàng ngày với vai trò giám đốc CIA. 

Theo chuyên gia Michael D'Antonio, những người có ảnh hưởng lớn đến Tổng thống Mỹ về chính sách thương mại và các vấn đề địa chính trị là John Bolton và Cố vấn thương mại Peter Navarro. Họ thường phàn nàn về các nước khác và hướng tới những thảo luận hiếu chiến.

Peter Navarro, 69 tuổi, Cố vấn thương mại Nhà Trắng, là cố vấn cho Trump suốt chiến dịch tranh cử hồi năm 2016. Navarro nổi tiếng là người có quan điểm chỉ trích Trung Quốc, từng xuất bản cuốn sách mang tên "Death by China", sau đó chuyển thể thành phim tài liệu, trong đó, ông kêu gọi các khán giả "giúp bảo vệ nước Mỹ và gia đình họ, tránh mua hàng "Made in China".

 

D'Antonio gợi ý các quốc gia nên hành xử theo cách "chiều lòng Trump", đồng thời tập trung vào phát triển quan hệ thương mại và chính trị với các đối tác lớn khác trên thế giới. Ông cho rằng thời đại nước Mỹ giành vị thế chi phối trên toàn cầu đang xa dần. Khi đó các nước khác sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn cả ở phạm vi khu vực và quốc tế. 

Theo Ikenson của Viện Cato, Tổng thống Mỹ và các cố vấn thương mại thân cận nhất là Peter Navarro và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross tin rằng thương mại không phải là cùng có lợi, mà là cuộc chơi có người thắng kẻ thua. Khi Mỹ có thâm hụt thương mại với nước nào thì Trump và các cố vấn này cho rằng Mỹ thua do chính phủ các nước khác gian lận và lợi dụng lòng tốt của Washington. Bộ trưởng Thương mại Ross sinh năm 1937, được phê chuẩn hồi tháng 2/2017. Cũng giữ vai trò cố vấn cho Trump trong quá trình vận động tranh cử, Ross và Tổng thống chia sẻ nhiều quan điểm chung về chính sách thương mại Mỹ suốt hai thập kỷ qua. Trump ca ngợi Ross là "nhà vô địch trong ngành sản xuất Mỹ và biết cách để khiến các công ty thành công".

Nhà nghiên cứu McDaniel khuyến cáo các quốc gia có hợp tác với Mỹ vẫn nên theo đuổi chính sách mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài, vì lịch sử đã chứng minh rằng đó là chính sách tốt nhất. Các nước cũng nên tránh cách tiếp cận "đáp trả", duy trì việc ủng hộ tăng trưởng, cạnh tranh để vươn lên dẫn trước.

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo