Xã hội

Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng dậy sóng nghị trường

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, để cô Trương Thị Lan nhận lương hưu 1,3 triệu đồng thì Nhà nước đã phải bù thêm 37.000 đồng do nền lương đóng BHXH quá thấp.

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ kéo dài trong 3 ngày (31/10-2/11).

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) góp ý về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, đại biểu kiến nghị với Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có đột phá trong công tác giáo dục mầm non thông qua các giải pháp nhận thức đúng vị trí bậc học này; đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non.

Đại biểu Ngô Duy Hiểu phát biểu tại kỳ họp sáng nay.

 Bởi cô giáo mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn.

“Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu cô đã chết lặng với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng”, Đại biểu đề cập đến vấn đề lương giáo viên đang được dư luận xã hội quan tâm những ngày qua.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, trường hợp cô giáo Trương Thị Lan, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh báo cáo toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cô giáo.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi tranh luận về trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan.

Theo đó, cô Lan đi dạy hơn 37 năm thật nhưng trước đó đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Cô đóng bảo hiểm là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm của cô là 1,8 triệu đồng. Khi cô Lan về hưu là 22 năm, tương đương 69% tính mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, 69% nhân với 1,8 triệu đồng thì lương của cô Lan khoảng gần 1,270 triệu đồng.

Quốc hội rất sáng suốt là tất cả những ai tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở. Cho nên, cơ quan bảo hiểm đã cấp bù cho cô giáo Lan để đạt lương hưu là 1,3 triệu đồng.

 

Như vậy, trường hợp của cô Lan không phải là cơ quan bảo hiểm thực hiện sai. Vấn đề là hiện nay, chúng ta đang cải cách tiền lương theo hướng người lao động đóng cao để được hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn.

“Vì vậy, cần nâng nền mức đóng bảo hiểm xã hội trên tổng lương. Cùng đó, tăng thời gian đóng bảo hiểm lên, nữ đóng đủ 30 năm, nam đóng 35 năm thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng đủ 75%, như vậy thì mức lương hưu sẽ cao hơn. Sắp tới hội nghị Trung ương 7 sẽ cho ý kiến về đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương, khi đó cũng sẽ bàn về vấn đề này”, ông Bùi Sỹ Lợi nói thêm.

Cũng theo ông Lợi, có nghịch lý là khi mức đóng bảo hiểm xã hội tăng thì người lao động và doanh nghiệp lại không muốn. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực này, nhất là phải quản lý minh bạch và hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội.

Tham gia thảo luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng ý kiến của cả hai đại biểu Hiệu và Lợi đều đúng. "Vấn đề ở đây chúng ta cần bàn đó là lương cho giáo viên mầm non như vậy đã thoả đáng chưa. Nếu chưa thì cần giải quyết cho họ", ông Trí nhấn mạnh.

 

 

Nên đọc
Cao Lâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo