Xã hội

Công đoàn phải được khởi kiện doanh nghiệp vi phạm

Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn.

Đây cũng là một trong những nội dung thực hiện chức năng tham gia quản lý, đại diện bảo vệ người lao động (NLĐ) của Công đoàn đã được pháp luật quy định. Tuy vậy, do không có quyền khởi kiện các doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật về BHXH nên hiệu quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT của Công đoàn rất thấp.

 
Theo báo cáo của Tổ công tác liên ngành TP Hà Nội về kết quả thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT tại một số đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố, 9 tháng năm 2014 có ít nhất 81 đơn vị (69 công ty CP, 11 công ty TNHH, 1 đơn vị sự nghiệp) chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số lượng lớn, thời gian dài (hơn 1 tỷ đồng, hơn 12 tháng). Trong đó, Công ty CP Cầu 14 - Cienco 1 nợ 18,4 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 3 Thăng Long nợ 9,7 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng nợ 7,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc nợ 6,9 tỷ đồng… Các đơn vị này đã thu tiền BHXH, BHYT của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH, mà sử dụng vào mục đích khác; một số đơn vị không đăng ký tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho NLĐ có hợp đồng lao động đủ 3 tháng hoặc thực hiện ký hợp đồng lao động thời gian rất ngắn để trốn BHXH, BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi NLĐ. 
 
Đáng chú ý, 24 đơn vị đã được thanh tra trong năm 2013 đều chưa thực hiện theo cam kết trong biên bản cũng như kiến nghị tại kết luận thanh tra liên ngành, vi phạm nghiêm trọng Luật BHXH, Luật BHYT. Nhiều đơn vị được thanh tra chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần trách nhiệm theo kiến nghị của đoàn thanh tra. Điều này có nguyên nhân từ việc Công đoàn chưa có quyền khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BHXH...
 
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, hằng năm, Tổng Liên đoàn đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về pháp luật lao động, Công đoàn và BHXH, BHYT. Từ ngày 5-12-2013, Tổng Liên đoàn được giao nhiệm vụ chủ trì giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN theo chương trình phối hợp với MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam. Các cấp Công đoàn cũng đã trực tiếp giải quyết hoặc đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn, thư khiếu nại về BHXH của đoàn viên công đoàn và NLĐ, chủ yếu là khiếu nại về quyết định cho thôi việc, về tiền lương, tiền thưởng, quyền lợi về BHXH, BHYT. 
 
Theo báo cáo sơ kết một năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn và BHXH Việt Nam, BHXH và LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát, phúc tra tại 4.790 đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh. Thông qua kiểm tra, giám sát liên ngành đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi sai phạm về BHXH, BHYT, kiến nghị với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tiến hành xử phạt các đơn vị vi phạm; phối hợp giải quyết 404 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, 11 vụ đình công và hàng nghìn trường hợp thắc mắc về chế độ BHXH, BHYT. Một số LĐLĐ đã hướng dẫn NLĐ lập hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT ra  tòa như: LĐLĐ huyện Long Thành (Đồng Nai), LĐLĐ quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh)... Tuy nhiên, do không nắm được số DN, số người tham gia BHXH, số tiền DN nợ BHXH và cả số lãi chậm đóng... nên LĐLĐ phải phối hợp hoặc đề nghị BHXH khởi kiện. Vì vậy, việc khởi kiện gặp khó khăn về thủ tục và thời gian nộp hồ sơ, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Điều này chỉ được cải thiện khi Luật BHXH bổ sung thêm cho tổ chức Công đoàn quyền khởi kiện các DN vi phạm pháp luật BHXH.
 
Tăng cường năng lực của các cấp Công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trong lĩnh vực BHXH, BHYT là cần thiết. Tuy nhiên, các cấp Công đoàn cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ, hướng dẫn NLĐ ký hợp đồng lao động theo pháp luật BHXH, BHYT gắn với đẩy mạnh việc kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với NLĐ, đặc biệt là chính sách BHXH, BHYT. Ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên ở địa phương, đơn vị đó cần phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật BHXH nhằm giúp cho người sử dụng lao động và NLĐ hiểu rõ về quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT... Có như vậy mới bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo HNM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo