Khoa học - Công nghệ

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Đánh địch bằng mưu kế, thế trận và thắng địch bằng thế thời”

DNVN - Tự hào về chiến lược quân sự Việt Nam tạo nên sức mạnh thần kỳ của Đại thắng mùa Xuân 1975, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: đó là chiến lược “Đánh địch bằng mưu kế, thế trận và thắng địch bằng thế thời”.

Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam / Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Trong niềm tự hào và xúc động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành thời gian chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam về chiến lược quân sự của quân đội ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 . Đồng thời, cũng cho chúng ta trân quý thêm một vị tướng với những cống hiến không mệt mỏi với khoa học quân sự và an ninh môi trường.

“Đánh địch bằng mưu kế thế trận, thắng địch bằng thế thời”

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, nếu nói về khoa học quân sự thì Việt Nam có cả một kho tàng khoa học quân sự rất phong phú. Thế hệ chúng ta đã kế thừa nền khoa học của tổ tiên ta đánh giặc, vận dụng vào trong điều kiện hiện nay rất sáng tạo.

Tổng kết một cách ngắn gọn, chúng ta đã phát huy được văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân của Việt Nam trong điều kiện mới, đặc biệt trong giai đoạn gần đây.

“Ta đánh địch bằng mưu kế thế trận, thắng địch bằng thế thời. Chúng ta đã phát huy được tinh hoa của dân tộc để thực hiện. Đó là khoa học quân sự và nghệ thuật chiến tranh của Việt Nam chúng ta.

Đây là tổng kết gần nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cảm xúc của những ngày tháng Tư lịch sử vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cách đây gần 50 năm”, tướng Hiệu nói.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với tác giả.

Theo đó, với quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976, năm 1975, quân đội ta đã tiến vào Buôn Mê Thuột - nơi địch bất ngờ nhất, tạo ra hiệu ứng rung chuyển toàn bộ thế trận của quân Ngụy từ Huế vào đến Sài Gòn.

Khi chúng ta đã lên kế hoạch để thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vào Buôn Mê Thuột, chính thời cơ này đã tạo cho ta một thế và lực. Bởi vậy, Bộ Chính trị đã tiêu diệt địch và giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975 bằng phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”.

“Thần tốc, táo bạo, quyết thắng” có nghĩa là không ham đánh mục tiêu bên ngoài. Nhanh chóng đánh vào mục tiêu chính trong nội thành để đánh chiếm Sài Gòn nhanh nhất, hiệu quả nhất, giảm thương vong nhất. Giảm thương vong và tăng tốc độ là nghệ thuật và khoa học quân sự.

Với 5 cánh quân của 5 quân đoàn, chúng ta đã giải phóng miền Nam vào đúng 30/4/1975, thực hiện được trọn vẹn di chúc của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đấy là nghệ thuật chiến tranh Việt Nam, sự tài tình của Bộ Tham mưu chiến lược (Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị).

“Tôi rất vinh dự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tham gia 4 chiến dịch lớn là chiến dịch Mậu Thân 1968; Chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào; trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975”, tướng Hiệu kể tựa như những thước phim lịch sử vừa mới diễn ra hôm qua.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn I - là một trong năm cánh quân nhận nhiệm vụ theo trục đường 13, tiêu diệt tuyến tử thủ của địch ở Lái Thiêu. Đây là trận đánh hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu quân Ngụy Sài Gòn.

Bằng mọi giá Trung đoàn 27 phải tiến công theo đúng kế hoạch. Đêm 28/4, Tân Uyên được giải phóng, ngày 29/4, trung đoàn đã chuẩn bị tấn công Lái Thiêu nhưng gặp vô cùng khó khăn.

“Thời gian tính bằng giây, bằng phút. Trong chiếc nhà bạt căng tạm giữa rừng cao su làm sở chỉ huy trung đoàn không gian như đặc quánh lại. Đã ba, bốn ngày, cả trung đoàn không ai có hạt cơm nào vào bụng mà chỉ ăn lương khô và gạo rang.

Các vấn đề khó khăn bức thiết cần giải quyết ngay, bộ binh thiếu đạn hỏa lực B40, B41. Tình hình địch trong quận lỵ Lái Thiêu chưa nắm được cụ thể nên tôi quyết định cùng một số anh em, đồng đội trinh sát vào thị trấn, dựa vào dân để nắm địch”, tướng Hiệu kể.

Đêm tối đen như mực, tướng Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và một tổ trinh sát bám vào hàng cây bên đường để đi về phía quận lỵ. Khi đến gần nghĩa địa của khu Búng, ánh đèn le lói phát ra từ một ngôi nhà lụp xụp thu hút sự chú ý của tướng Hiệu. Có thể, đây chính là căn cứ liên lạc của quân ta.

Tướng Hiệu kể, ông đã cử 3 trinh sát vào bắt liên lạc, phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, trong ngôi nhà có tiếng vọng ra “Muôn năm”. Đoàn trinh sát mừng khôn xiết, đúng là cơ sở cách mạng của mình. Một bà má mở cửa bước ra, liền đưa ông và các đồng chí của mình vào nhà.

“Một bà má miền Nam tóc điểm bạc, đeo kính giơ cao chiếc đèn nhìn chúng tôi. Má xúc động cầm tay từng người giục vào nhà. Đó là má Sáu Ngẫu. Trước đây má là giáo viên, chồng của má tên Đinh Quang Kỳ (quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông Kỳ theo đoàn quân Nam tiến vào miền Nam năm 1945 và hy sinh năm 1968 trong một lần đi làm nhiệm vụ”, tướng Hiệu kể.

Dưới ánh đèn dầu, tướng Hiệu đưa tấm bản đồ chỉ huy đặt lên bàn. Má đeo kính nhìn rồi bảo “Má không rành tấm bản đồ này”. Rồi vào buồng lấy ra một bọc giấy báo, trải tờ giấy ố vàng lên mặt bàn.

Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu và má Sáu Ngẫu cùng đồng đội bên tấm bản đồ.

Đó chính là bản đồ đô thành Sài Gòn - vật kỷ niệm của chồng má. Khi chồng má hy sinh, má Sáu Ngẫu vẫn giữ được tấm bản đồ và cứ mỗi lần có sự thay đổi về phạm vi, lực lượng… má lại vẽ bổ sung trên toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn.

“Bên cạnh nét mực đã mờ trên tấm bản đồ là những đường chì nhìn còn vụng về nhưng tỉ mỉ, chính xác. Mười bốn năm trời âm thầm, má đã cần mẫn thay chồng, thay các chiến sĩ du kích Lái Thiêu đã hy sinh và đang bị cầm tù, má nắm tình hình địch và ghi vào bản đồ với tất cả niềm tin chiến thắng”, tướng Hiệu hồi tưởng lại.

Má Sáu Ngẫu nói đây là vị trí trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nơi này kẻ địch tập trung gần 2.000 lính. Má khuyên bọn này án binh bất động, tinh thần rệu rã lắm rồi, các con không nên đánh mà nên kêu gọi bọn chúng ra hàng.

Với sự chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, của tấm bản đồ, trung đoàn theo trục đường 13 vào Lái Thiêu, kêu gọi đầu hàng trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Sau ít phút nổ súng, Đại tá Nguyễn Văn Hinh - Chỉ huy trưởng và 2.000 học viên hạ sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đã kéo cờ trắng đầu hàng.

10h30 phút, Trung đoàn 27 làm chủ tất cả các mục tiêu quan trọng và hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào đúng sáng 30/4/1975. Chính nhờ tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn 27 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

Tướng Hiệu xúc động, nếu không có má Sáu Ngẫu, không có tấm bản đồ của má, không có ân phúc gặp gỡ ấy mà đơn vị ngày đó cứ tiến công theo hướng ban đầu đã định, sẽ gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh khi đụng phải sự kháng cự ở bước đường cùng của một số đơn vị Ngụy quân. Tổn thất lớn về sinh mạng cán bộ, chiến sĩ là điều khó tránh.

Trong lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc, chưa bao giờ Việt Nam mạnh hơn kẻ thù về tiềm lực quân sự và kinh tế. Bài học của chúng ta để giành chiến thắng là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, dựa vào dân, thực hiện đường lối và nghệ thuật chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta giành thắng lợi huy hoàng, một phần lớn nhờ vào khí phách anh hùng, bất khuất của hàng triệu người mẹ, người chị, người em như thế. Nói, chiến tranh ở Việt Nam mang gương mặt phụ nữ chính là như vậy.

Vị tướng của khoa học quân sự và an ninh môi trường

Nhiều người biết đến Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là một vị tướng của công tác đối ngoại quốc phòng thời bình, bởi chính ông góp phần vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ qua kênh ngoại giao quốc phòng.

Nhưng nhiều người vẫn chưa biết tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh lớn mang tính bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ. Ông được phong tướng ở tuổi 40 - là vị tướng trẻ tuổi nhất khi ấy, trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ.

Và cho đến khi về hưu, Tướng Hiệu vẫn chưa một ngày ngừng nghỉ, luôn tràn đầy năng lượng và say mê với khoa học quân sự. Ông còn được gọi với cái tên trừu mến “vị tướng an ninh môi trường”.

Tướng Hiệu cho biết, ông đã viết 9 cuốn sách về nghệ thuật chiến tranh, trong đó có 3 cuốn sách về khoa học quân sự và nghệ thuật chiến tranh. Đó là những cuốn sách “Một số vấn đề về nghệ thuật quân sự”; “Kỷ niệm tháng Tư năm 1975 và một số điều suy ngẫm”, “Nghiên cứu một số vấn đề về học thuyết quốc phòng miền Nam” (đã hoàn thiện, chuẩn bị biên tập và xuất bản).

Cây đa Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng do Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tặng.

Trong đó, “Nghiên cứu một số vấn đề về học thuyết quốc phòng miền Nam” được ông chuẩn bị suốt 5 năm qua, có sự tổng kết lại các cuộc chiến tranh của thế giới gần đây. Ông đưa ra 3 loại hình chiến tranh trong tương lai (chiến tranh không gian mạng, chiến tranh sinh học, chiến tranh vũ trụ). Các nội dung này sẽ giúp các nhà trường trong quân đội nghiên cứu giảng dạy và các nhà quân sự nghiên cứu ra chiến lược quân sự thích ứng.

Từng đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới, những chuyến đi ngoại giao đó, ông không chỉ đấu tranh đòi lại công lý cho những đồng đội hy sinh, những người dân vô tội bị ảnh hưởng của chiến tranh nhất là nạn nhân bị nhiễm chất động da cam mà ông còn quan sát, tìm hiểu cảnh quan, môi trường thiên nhiên cũng như giải pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên của các nước.

Ông đã tìm hiểu về cuộc “Cách mạng Xanh” và những giống cây lai của Ấn Độ, đã đem cây đa từ Ấn Độ (do Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tặng) về trồng trên mảnh đất Quảng Trị. Ông muốn truyền cảm hứng đến người dân biết trân trọng cây xanh, tích cực tham gia trồng cây phủ xanh đất nước và thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Tháng 8/2021 tại diễn đàn trực tuyến về an ninh môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: An ninh môi trường là thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Thượng tướng đã đề cập đến phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong phòng chống thiên tai và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là phương châm được ông tổng kết từ lý luận và thực tiễn trong thời gian ông giữ trọng trách là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Trung ương và sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Bước sang tuổi 77 nhưng lịch làm việc của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu vẫn dày đặc. Ông vẫn miệt mài nghiên cứu ngày đêm với mong muốn tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự.

“Chiến tranh truyền thống đã qua rồi, bây giờ chúng ta phải nghiên cứu những cái mới để bổ sung cho học thuyết quốc phòng Việt Nam cũng như bổ sung cho nền khoa học quân sự Việt Nam và trên thế giới”, vị tướng tài ba nói với sự nhiệt huyết vẹn nguyên của một thời hào hùng xông pha lửa đạn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm