Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp blockchain, AI khởi nghiệp cần chú ý gì khi gọi vốn?

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, có nhiều vấn đề rất đáng chú ý khi doanh nghiệp blockchain, AI khởi nghiệp gọi vốn đầu tư.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Ngày càng nâng cao hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực / Trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023

Bàn thảo về thị trường vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các doanh nghiệp ngành công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu có chiều hướng sụt giảm rõ rệt. Các nhà đầu tư có phần dè dặt và cẩn trọng khi mở “hầu bao” cho lĩnh vực này.

Tâm lý của nhà đầu tư dè dặt, họ tìm hiểu rất kĩ và yêu cầu startup cần có sản phẩm chạy thử, số lượng người dùng sẵn có hay việc định giá sản phẩm cũng như đội ngũ nhân sự của startup. Nhà đầu tư không quá vội vàng vì đã quá am hiểu thị trường.

Việt Nam hiện chưa có số lượng các startup về Blockchain đủ quy mô để các quỹ, công ty lớn rót vốn ở những vòng sau. Trong khi trên thế giới đã có các công ty đi tới vòng gọi vốn giá trị lên tới gần tỷ USD.

Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế khiến các quỹ đầu tư đã, đang rót vốn vào các dự án về Blockchain Việt Nam, một nội dung được quan tâm đặt ra hiện nay là, thị trường đang đối mặt với rào cản pháp lý. Điều này khiến nhiều startup Blockchain phải “xuất ngoại” sang các nước như Singapore, Cộng hòa Cyprus (Đảo Síp), châu Âu để mở công ty.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp Blockchain, AI khởi nghiệp cần cẩn trọng khi gọi vốn.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, có nhiều vấn đề rất đáng chú ý khi doanh nghiệp Blockchain, AI khởi nghiệp kêu gọi vốn.

Blockchain và AI là hai công nghệ khác nhau. AI đang rất cần nhiều vốn. Những startup về AI trên toàn thế giới nếu ở quy mô nhỏ cũng vài trăm triệu USD, quy mô lớn thì vài chục tỷ. Startup về AI muốn xây dựng mô hình mà AI tạo ra cho cộng đồng người dùng toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường vốn của Blockchain lại không phải là vấn đề đặt lên hàng đầu, mà là vấn đề thúc đẩy hành lang pháp lý. Bởi vì, bản chất thị trường Blockchain đã tự tạo ra sự thu hút vốn tốt.

“Có thể khẳng định, AI rất cần vốn còn Blockchain không cần nhiều vốn như AI mà cần pháp lý. Tất nhiên, cả hai môi trường đều cần pháp lý và quá trình huy động vốn nhưng ở quy mô rất khác nhau”, ông Trung nói.

Bàn về vấn đề vốn FDI trên lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và Blockchain, AI nói riêng, ông Trung cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp thụ vốn FDI rất tốt. Nhờ sự hấp thụ vốn, cộng với tính xuất khẩu tạo dư vốn, Việt Nam có một thị trường ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, điều mà các startup đặc biệt lưu ý là việc ổn định tỷ giá và lãi suất làm cho nhà đầu tư nước ngoài có thể thuận lợi đem vốn vào nhưng cũng có thể tạo rủi ro khi họ đặt kỳ vọng quá cao vào thị trường vốn mà họ định giá tại Việt Nam. Thường thì họ định giá doanh nghiệp tại Việt Nam thấp hơn các doanh nghiệp niêm yết tại các quốc gia lân cận của khu vực khoảng 35%.

“Khi họ đặt lợi nhuận quá cao vào việc rót vốn cũng sẽ tạo nhiều khả năng rút vốn khỏi Việt Nam. Đây cũng là bài toán mà doanh nghiệp startup phải hết sức chú ý.

Nếu không có hành lang pháp lý tốt, Việt Nam sẽ mất cả nguồn vốn đi vào. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ khai thác chúng ta nhân công giá rẻ cũng như những phần việc rất ít mang tính gia công”, ông Trung nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm