Khoa học - Công nghệ

Hiệu quả từ mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Mô hình này đã được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro…

Thử nghiệm 2 giống mía mới tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long / Khoa học công nghệ, động lực đổi mới và phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long

Lợi nhuận cao

Vừa thả giống cách đây vài ngày, khi nồng độ mặn ở mức lý tưởng cho tôm phát triển, nông dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang kỳ vọng mùa tôm - lúa năm 2023 được mùa, được giá. Bà Nguyễn Thị Hường, ngụ xã Lương Nghĩa cho biết, sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân thì gia đình tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm ao chu đáo để chờ khi nước mặn về với nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 1,6 ha tôm sú trên ruộng lúa.

“Nếu như thời điểm này năm ngoái độ mặn ở đây thấp chỉ khoảng 3‰, còn năm nay tăng từ 10‰ trở lên, đảm bảo tốt cho xuống giống tôm. Sau 3 - 4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú dao động 120.000 - 150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe”, bà Hường nói.

Nông dân Kiên Giang thu hoạch tôm theo mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao.

Nông dân thu hoạch tôm theo mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao.

Cùng ngụ xã Lương Nghĩa với bà Hường, nông dân Nguyễn Văn Tùng cho rằng, với tình hình này bà con hy vọng sẽ được mùa tôm vụ hè thu. Sau đó tiếp tục thả giống tôm càng xanh cho vụ thu đông. Theo ông Tùng, trước đây do bị nhiễm phèn, mặn nên nông dân thường chỉ gieo sạ một vụ lúa trong năm, sau đó thì bỏ đất trống. Chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm một vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ.

“Mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển từ canh tác vụ lúa kém hiệu quả, sang mô hình nuôi tôm sú trên đất lúa. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra khi đến kỳ thu hoạch… Qua tính toán, lợi nhuận thu về của việc nuôi tôm đạt khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, cộng với tận dụng nguồn thu từ bán tép tự nhiên và các loại cá đồng được thêm 10 - 20 triệu đồng, tính ra cao hơn nhiều so cây lúa”, ông Tùng nói về hiệu quả từ mô hình tôm - lúa canh tác trên 3 ha ruộng của mình.

Nói về mô hình “con tôm ôm cây lúa”, ông Lê Hồng Việt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Long Mỹ cho biết, mọi năm, diện tích nuôi tôm ngoài đê bao ngăn mặn ở huyện khoảng 80 ha. Tuy nhiên, năm nay điều kiện thuận lợi nên bà con mở rộng lên khoảng 100 ha. “Có thể nói, mô hình 1 vụ lúa - 2 vụ tôm, ngoài việc giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn thì đây còn là giải pháp giúp bà con có nguồn thu nhập tốt…”, ông Việt nhận định.

Tại Cà Mau, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sạch của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố môi trường và bền vững. Điều quan trọng là HTX liên kết “đa bên” giữa công ty tôm và công ty lúa nhằm đảm bảo cả tôm và lúa đều đạt chứng nhận, tiêu thụ dễ dàng. Tính đến nay, HTX có 252 hộ, với diện tích 565 ha tôm đạt chứng nhận quốc tế ASC, năng suất tôm sú từ 341 kg/ha trở lên; còn năng suất lúa đạt 5.518 kg/ha, với giá lúa bao tiêu từ 7.600 - 8.500 đồng/kg; nhờ đó, lợi nhuận bình quân của mô hình tôm - lúa đạt 100 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí.

Cần nhân rộng

Nhận định về mô hình tôm - lúa từ thực tế một số nơi ở Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang…, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, vùng ĐBSCL có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình này. Cụ thể, năm 2022 các tỉnh ĐBSCL nuôi gần 190.000 ha tôm trên ruộng lúa với sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20.000 tấn tôm càng xanh. Mô hình đã giúp nông dân thu về lợi nhuận bình quân từ 60-70 triệu đồng/ha/năm.

Tại ĐBSCL hiện nay, nuôi tôm - lúa theo hình thức quảng canh truyền thống, nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, năng suất tôm từ 200-300 kg/ha/vụ, còn năng suất lúa khoảng 3,5 - 4 tấn/ha/vụ. Đối với nuôi tôm - lúa theo hình thức quảng canh cải tiến, có bổ sung thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi, năng suất tôm đạt 400 - 600 kg/ha/vụ; còn năng suất lúa đạt 5- 6 tấn/ha/vụ…

“Kế hoạch năm 2023, sản xuất tôm - lúa ở ĐBSCL nâng lên hơn 200.000 ha, sản lượng tôm ước đạt 125.000 tấn. Về cơ bản ở ĐBSCL có thể mở rộng thêm diện tích và tăng năng suất. Các địa phương cũng đã thành lập hiệp hội, HTX hoặc tổ hợp tác nhằm liên kết mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao…”, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nói về kế hoạch phát triển mô hình lúa - tôm thời gian tới.

Sản xuất mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL được khuyến khích mở rộng.

Sản xuất mô hình tôm - lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được khuyến khích mở rộng.

Các chuyên gia khuyến cáo, tới đây nông dân ĐBSCL nên phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả; xây dựng thương hiệu tôm - lúa. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan cần hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất mô hình nuôi tôm - lúa nhiều hơn. Đồng thời, tăng cường dự báo về thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho phát triển tôm - lúa ở những vùng thuận lợi.

“Sản xuất tôm - lúa là hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL. Cụ thể, qua các sáng kiến mô hình tôm - lúa thời gian qua cho thấy hiệu quả kinh tế đã được kiểm chứng và thừa nhận trong thực tiễn; đặc biệt mô hình này ít ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo bền vững và thuận thiên…”, ông Trịnh Văn Tiến - Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản khẳng định.

Theo Viện lúa ĐBSCL, mô hình tôm - lúa canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu sinh trưởng; còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Mô hình còn giảm thiểu chi phí làm đất, phân thuốc; đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Công Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu cho biết thêm, ưu điểm khi luân canh tôm - lúa sẽ tạo ra môi trường sinh thái cân bằng và điều kiện an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Hạn chế sâu bệnh cho cả lúa và tôm nhờ sự luân phiên để cắt nguồn dịch hại… Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa cũng đang gặp khó khăn như, thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định; nguồn con giống chưa chủ động phải nhập từ nơi khác về; tác động của biến đổi khí hậu làm cho độ mặn thay đổi, tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng…

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm