Khoa học - Công nghệ

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thực tế với cuộc sống, tạo ra giá trị thương mại

DNVN – Đích đến cuối cùng của việc đổi mới sáng tạo là phải tạo ra được hai giá trị: ứng dụng được vào thực tiễn đời sống (tính khả thi cao) và có giá trị thương mại.

Hơn 45 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp giải pháp công nghệ ứng phó Covid-19 / Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo có được ưu tiên hơn DNNVV?

Tại hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ” tổ chức sáng ngày 31/10, ông Trần Giang Khuê – Trưởng làng sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo (TECHFEST 2021) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng hơn 3000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó có nhiều starup đã rất thành công và có những bước phát triển nhảy vọt.

Mặc dù nền kinh tế đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, vừa qua Việt Nam vẫn có những thương hiệu gọi vốn thành công hàng triệu USD có thể kể đến như MOMO, ELSA, GOT IT và nhiều doanh nghiệp khác. Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về khởi nghiệp ĐMST trong đó lĩnh vực Fintech đang đặc biệt phát triển.

Theo ông Khuê, khởi nghiệp sáng tạo là việc khởi nghiệp dựa trên khai thác các tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Từ đó ông Khuê cho rằng, có 4 yếu tố về công nghệ mà các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần quan tâm đó là thông tin, nhân lực, tổ chức và kỹ thuật.

Việc khởi nghiệp ĐMST phải dựa trên việc khai thác trí tuệ mới, mô hình kinh doanh mới. Muốn sáng tạo, bắt buộc cần phải đổi mới từ các ý tưởng, sự sáng tạo, tạo ra và ứng dụng tất cả những thành tựu, giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp quản lý tác nghiệp… để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra các giá trị cho cuộc sống, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới có sức cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp.

Từ đó, ông Khuê cho rằng, ĐMST có thể là tạo ra từ những cái hoàn toàn mới, cũng có thể cải tiến từ những cái cũ, đã có sẵn hoặc cũng có thể là kết hợp cả hai yếu tố trên. Tuy nhiên, việc ĐMST đích cuối cùng là phải tạo ra được hai giá trị đó là phải ứng dụng được vào thực tiễn đời sống (tính khả thi cao) và có giá trị thương mại (nghĩa là phải kiếm được tiền).

Theo Trưởng làng sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, cốt lõi của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là sáng chế và công nghệ để phát triển thương hiệu và tạo ra tiền.

Theo Trưởng làng sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, cốt lõi của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là sáng chế và công nghệ để phát triển thương hiệu và tạo ra tiền.

Nói đến vòng đời công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 thì luôn thay đổi, thậm chí có thể thay đổi theo ngày. Vì vậy buộc các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần phải có các chiến lược về tài sản trí tuệ, về công nghệ và sáng chế một cách phù hợp để có thể thay đổi liên tục, hàng ngày thì starup mới có thể tồn tại và phát triển được.

Đối với các sản phẩm, dịch vụ hay giải pháp công nghệ khi được đưa ra thị trường, Làng sáng chế và Doanh nghiệp ĐMST luôn luôn quan tâm đến ba yếu tố: thứ nhất là thị trường có hay không, quy mô lớn hay không. Thứ hai là giải pháp có đáp ứng được nhu cầu vật chất và tinh thần của con người hay không. Và thứ ba là pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ như thị trường, thông tin, thương mại, kiến thức, kỹ năng… từ đó mới giúp doanh nghiệp phát triển nhanh, đột phá và bền vững. Làng sáng chế luôn đề cao sáng chế, đề cao công nghệ, đề cao các tài sản trí tuệ mới và xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ gắn liền với ĐMST.

Theo ông Khuê, điểm nghẽn và các thách thức hiện nay của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là thiếu kiến thức, kỹ năng cũng như nguồn lực để đưa các sản phẩm ra thị trường.

“Cốt lõi của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là sáng chế và công nghệ để phát triển thương hiệu và tạo ra tiền”, ông Khuê nhấn mạnh.

Từ đó, Trưởng làng sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo cũng đưa ra một số những thách thức mà các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần lưu ý. Đầu tiên là tính ưu việt, sự khác biệt của sản phẩm và giải pháp. Tiếp theo là cơ hội, tính khả thi và quy mô thị trường. Doanh nghiệp cần phân tích nhu cầu thị trường, phân tích khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh. Hơn hết doanh nghiệp cần xác định giải pháp của mình cần mang tính quy mô lớn, mang tính toàn cầu. Ngoài ra, một loạt các vấn đề như nhân sự, tổ chức, mô hình kinh doanh, tài chính, môi trường ĐMST, cơ chế chính sách cũng là các vấn đề doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần quan tâm.

Từ đó, ông Khuê cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cần bù đắp các kiến thức, kỹ năng về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo song song với nó là có thể phát triển nhanh, đột phá nhưng bền vững nhờ những công cụ sở hữu trí tuệ.

“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo không ngừng để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng phải quan tâm đến văn hóa, quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ. Tài sản trí tuệ luôn là yếu tố then chốt để chúng ta có thể phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo”, ông Khuê khẳng định.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm