Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ siêu âm điện hoá vào xử lý nước sạch trong nuôi trồng thuỷ sản

DNVN - Ứng dụng công nghệ siêu âm điện hoá vào xử lý nước sạch trong nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt trong nuôi tôm đang là một giải pháp hữu ích giúp hạn chế xả thải ra môi trường. Ứng dụng còn giảm chi phí thuốc, hóa chất xử lý nước và còn kéo giảm chi phí chăn nuôi thuỷ sản.

Cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng đèn Aloxy / Định lượng hormone trong dịch sinh học bằng phương pháp LC-MS/MS giúp chẩn đoán bệnh sớm

Ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thuỷ sản

Sáng 8/10 đã diễn ra toạ đàm "Cà phê công nghệ" với chủ đề “Công nghệ siêu âm điện hoá xử lý nước sạch trong sản xuất, đời sống và nuôi trồng thuỷ sản”. Buổi toạ đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế và các doanh nghiệp.

Mặc dù hiện nay đã có nhiều loại máy móc hiện đại để tính toán lượng thức ăn cho các ao nuôi thuỷ sản, tuy nhiên việc thức ăn dư thừa tồn động trong ao như một nguyên nhân tất yếu. Hàm lượng đạm trong thức ăn, đặc biệt là thức ăn cho tôm rất cao. Khi tôm, cá ăn không hết thức ăn sẽ bị hoà tan trong nước và gây ra ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình vật nuôi chuyển hóa thức ăn, chúng thải ra một lượng không nhỏ amonia (NH3), hydro sulfide (H2S), methane (CH4),… vào nước. Cùng với đó là chất thải từ chính chúng, chế phẩm sinh học, xác tảo làm cho nước có màu và mùi rất khó chịu. Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để các sinh vật mang mầm bệnh sinh sôi, phát triển.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước ao nuôi đang thực sự làm cho những người nuôi trồng thuỷ sản phải đau đầu.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước ao nuôi đang thực sự làm cho những người nuôi trồng thuỷ sản phải đau đầu.

Ngoài ra, bùn lắng đọng trong ao và trong nguồn nước thải cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Mọi tạp chất trong ao nuôi đều lắng tụ và tồn tại trong bùn thải, nếu không được thu gom và xử lý có bài bản thì không những gây tác hại xấu đến vật nuôi, sản lượng giảm sút mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ nuôi trong khu vực và môi trường tự nhiên.

Tại sự kiện, Kỹ sư Nguyễn Trọng Bảo thuộc công ty cổ phần Huetronics cho biết, tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) hiện nay đang là khu vực bị ô nhiễm cả về nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Cùng với đó, nơi đây hiện đang tích tụ một lượng hoá chất khổng lồ, vì vậy diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Cần Giờ chỉ đạt 20-30%.

Ứng dụng công nghệ siêu âm điện hoá

Theo khảo sát, thời gian xử lý hết hoá chất trong các ao nuôi tôm cần mất khoảng 10-15 ngày. Bên cạnh đó, chi phí của việc xử lý vấn đề này rất cao, trung bình xử lý 1m3 nước sẽ mất khoảng 1500 – 2000 đồng. Bên cạnh đó, lượng hoá chất tồn dư còn nhiều trong môi trường, không an toàn cho người lao động và vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến tôm và vi sinh.

 


Kỹ sư Nguyễn Trọng Bảo (Công ty Cổ phần Huetronics) giới thiệu công nghệ siêu âm điện hoá xử lý nước sạch trong sản xuất, đời sống và nuôi trồng thuỷ sảntại tọa đàm.

Từ những vấn đề trên, Huetronic đã đưa ra giải pháp HTR: Ứng dụng điện hoá siêu âm vào việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại Cần Giờ. Theo đánh giá của Kỹ sư Nguyễn Trọng Bảo, phương pháp xử lý nước mới này sẽ chỉ tốn điện, không tốn nước (Theo tính toán, trung bình 1 tấn tôm thu hoạch được sẽ thải ra ngoài môi trường 7 tấn nước). Bên cạnh đó, các kim loại nặng trong nước sau khi được xử lý sẽ được tách tủa và lắng xuống. Với phương pháp này, chi phí xử lý nước sẽ chỉ còn khoảng 1.200 đồng/m3.

“Đây được coi là giải pháp an toàn và bền vững lâu dài về xử lý nguồn nước cho các thế hệ sau”, ông Bảo nhấn mạnh.

Qua nghiên cứu và ứng dụng thực tế, dung dịch vi bọt khí nanobubble được điều chế từ hệ thống điện hóa- siêu âm có nhiều tính năng ưu việt: khả năng diệt nhanh các loại vi khuẩn, vi rút, nấm mốc trong thời gian tiếp xúc ngắn nhưng không bị nhờn thuốc sau một thời gian dài sử dụng; xử lý môi trường nước mặn, lợ bị ô nhiễm do vi khuẩn, tảo, các độc tố đạt hiệu quả cao; quy trình sản xuất đơn giản, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường.

 

Cụ thể, đối với hệ thống xử lý nước tuần hoàn sử dụng công nghệ điện hóa- siêu âm trong nuôi tôm tại xã Điền Hương (Phong Điền) đã giúp quản lý môi trường nước rất tốt trong suốt quá trình ương nuôi (32 ngày) và nuôi ngoài với trọng lượng phát triển tốt, đạt trung bình 0,7gram/con (giai đoạn ương) và 13,5 gram/con (giai đoạn nuôi thương phẩm), tỷ lệ sống đạt khoảng 80%.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi toạ đàm.

Cũng tại sự kiện, đại diện ban tổ chức và các khách mời tham gia đều đánh giá cao giải pháp mà đại diện Huetronic giới thiệu. Trong đó, một vị khách mời có kinh nghiệm lâu năm trong việc nuôi tôm cũng cho rằng, nuôi tôm được thì được nhiều nhưng thua thì trắng tay thậm chí là âm.

Một trong những lý do dẫn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước là vì hiện nay việc xử lý chất thải nuôi tôm chưa thực sự tốt. Đa số các nơi còn làm hệ thống lẫn lộn giữa nước đầu vào và nước đầu ra. Cứ nơi này nuôi tôm xong đổ nước thải ra thì nơi khác lại lấy vào. Đó chính là lý do gây ra việc ô nhiễm môi trường nước hiện nay tại các khu vực nuôi tôm.

 

Mặc dù công nghệ điện hoá siêu âm trong xử lý nước thải của Huetronics vẫn chưa được cấp bằng sáng chế, và vẫn chưa được thương mại hoá một cách rộng rãi, nhưng từ những kết quả mà nhóm nghiên cứu có được đây thực sự là một giải pháp hữu ích trong việc xử lý nước thải cho người nuôi tôm đặc biệt là những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay.

Công nghệ điện hoá siêu âm phát triển mạnh mẽ trên thế giới từ năm 1990, với hơn 3000 phát minh khoa học trên chủ đề Sonoelectrochemical. Những phát minh này được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Trong đó thành công và hiệu quả phải nói đến ngành xử lý nước.

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, xử lý nước công nghệ cao bằng điện hóa - siêu âm không chỉ giúp hạn chế xả thải ra môi trường, chi phí thuốc, hóa chất xử lý nước giảm mà còn kéo theo chi phí nuôi thấp hơn. Đây là giải pháp góp phần tăng tỷ lệ thành công mùa vụ lên đến 90%.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm