Pháp luật

Công ty cấp nước Nghệ An: "Không thực hiện Nghị định nên thu tất"

(DNVN) - Không chỉ thu sai tiền đồng hồ đo nước theo Nghị Định 117 của Chính Phủ mà Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An còn thu sai của người dân nhiều loại tiền vật vư khác.

Nhiều khoản thu sai quy định

Như trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu về việc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An (C.ty Cấp nước Nghệ An) đã thu sai tiền đồng hồ đo nước của người dân theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP. Cùng với đó đơn vị này mặc dù đã thu tiền lắp đặt của người dân, có những nơi đã thu gần một năm nhưng lại không hề xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014. 

Không chỉ thu sai tiền đồng hồ mà Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An còn thu sai tiền các vật tư lắp đặt khác của các hộ dân.

Tuy nhiên, việc thu sai và làm sai của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An chưa dừng lại ở đó. Bởi theo quy định tại khoản 3, Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 nêu rõ:

Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.

Theo quy định thì Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An phải đầu tư đồng bộ cho các hộ dân có nhu cầu lắp đặt nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng, ngoài khoản tiền thu đồng hồ đo nước thì đơn vị này vẫn thu của mỗi hộ gia đình lắp đặt nước hàng loạt khoản tiền vật tư lắp đặt trước đồng hồ trái với quy định.

Cụ thể, ở đây mỗi hộ lắp đặt nước phải đóng thêm 52.800 đồng tiền một chiếc đai khơi thủy DN63x20; 90.300 đồng một hộp ĐH sắt sơn tĩnh điện; 125.400 đồng một chiếc van cửa 2 chiều DN 20; 80.000 đồng một chiếc van 1 chiều DN20; 9.900 đồng lắp 5m ống HDPE DN 25mm; 6000 đồng một nối thép tráng kẽm DN20; 13.700 đồng một nối ren ngoài HDPE DN 25mm; 14.200 đồng một nối ren trong HDPE DN 25mm; 23.800 đồng một cút HDPE DN 25mm. Ngoài tiền đồng hồ thì với tổng số vật liệu phải đóng này mỗi hộ dân phải đóng thêm 415.000 đồng. Đó còn chưa kể đến số tiền chi phí nhân công lắp đặt trong từng loại vật liệu kèm theo danh mục này.

Tất cả những vật liệu này đều nằm trước đồng hồ đo nước nên theo quy định thì Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An phải bỏ tiền để tự đầu tư. Nhưng đơn vị này vẫn mặc cho quy định thẳng tay thu của các hộ dân lắp đặt nước.

 

Ngoài 6 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc; xã Nghi Liên. TP.Vinh thì còn 3 xã của huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn nằm trong dự án này đã lắp đặt nước cũng đã bị thi tiền lắp đặt sai theo quy định tại Nghị định 117.

“Phía nhà máy nước họ đưa bản dự thảo rồi nói tôi thu theo bản dự thảo đó thôi. Còn người dân như chúng tôi cũng chỉ biết dựa vào đó mà nộp chứ đâu biết quy định nào, đâu biết họ thu sai hay đúng. Với nông dân như chúng tôi mấy trăm nghìn là phải làm cả tuần mới có nên để đóng đủ tiền lắp đặt nước cho phía nhà máy nước nhiều hộ đã phải bán cả lúa đi mới đủ”, ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên xóm trường xóm 4, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, cho biết.

Thêm nhiều địa phương thành “nạn nhân” của C.ty cấp nước Nghệ An

Để làm rõ các vấn đề trên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thảo, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước vùng phụ cận TP.Vinh. Đây là công ty con được Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An giao cho lắp đặt và quản lý dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực vùng phụ cận TP.Vinh.

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Giám đốc Xí nghiệp nước vùng phụ cận TP.Vinh thừa nhận việc thu sai theo Nghị định 117 nhưng chỉ với lý do là chưa thực hiện được Nghị định này mặc dù nghị định đã được áp dụng 8 năm nay.

Tại cuộc làm việc ông Thảo thừa nhận việc thu sai quy định theo Nghị định 117. Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, việc thu sai đó là do chưa áp dụng được Nghị định 117 nên Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An giao thu như thế nào thì doanh nghiệp nhỏ phía dưới như xí nghiệp của ông phải thu như vậy.

“Do chưa áp dụng được Nghị định 117/2007/NĐ-CP nên người dân phải đóng hết các chi phí khi lắp đặt nước sạch. Việc này do công ty mẹ (Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An – PV) quyết định còn chúng tôi chỉ là đơn vị con (Xí nghiệp cấp nước vùng phụ cận TP.Vinh – PV) giao thế nào chúng tôi thực hiện như vậy”, ông Thảo lý lẽ.

 

Ông Thảo cũng cho biết thêm, trong dự án lắp đặt dự án cấp nước cho vùng phụ cận TP.Vinh không chỉ có 6 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc và xã Nghi Liên, TP. Vinh mà còn lắp đặt cho cả xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên; 2 xã Nam Giang và Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tất cả các địa phương này cũng đều chung các khoản thu giống như những nơi khác thuộc vùng dự án. Có nghĩa số các hộ dân đã bị Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An thu tiền lắp đặt sai theo quy định lại tiếp tục tăng lên hàng nghìn hộ.

Riêng với trường hợp xã Nghi Liên, TP. Vinh vì sao trong bản dự toán gửi cho UBND xã Nghi Liên chỉ rõ là miễn phí tiền đồng hồ đo nước nhưng khi xuống thực hiện tại các hộ dân vẫn thu thì ông Thảo giải thích: “Do lúc đầu dự án có 6000 đồng hồ hỗ trợ cho các hộ dân lắp đặt nước. Nhưng sau đó do đường ống cấp 3 tại các địa phương thiếu quá nhiều nên phía Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An đã bớt đi số đồng hồ xuống chỉ còn 2.000. Còn số tiền hỗ trợ 4.000 chiếc đợt bớt ra để bù vào lắp đặt tuyến đường ống số 3 tại các địa phương đang thiếu. Do đó, như xã Nghi Liên khi lập dự toán miễn phí đồng hồ đo nước nhưng sau bị bớt lại nên lại phải thu tiền người dân”.

Các hóa đơn thu tiền lắp đặt của người dân theo kiểu của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. 

Việc vì sao không xuất hóa đơn GTGT theo đúng quy định cho người dân khi họ nộp tiền lắp đặt ông Thảo lý lẽ là bởi lắp đồng loạt nên nhân viên các trạm không kịp ghi hóa đơn GTGT. Để làm hóa đơn GTGT cho người dân xí nghiệp đã chuyển phiếu thu xuống cho các trạm để khi thu tiền viết cho người dân khi người dân nộp tiền. Sau đó dựa vào số phiếu thu xí nghiệp sẽ chuyển lên Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An để viết hóa đơn GTGT để đưa cho người dân.

Tuy nhiên, có nơi người dân cũng không được ghi phiếu thu và có nơi phiếu thu do chính đơn vị này lập đã được gần một năm nhưng hóa đơn GTGT thì vẫn chưa thấy đâu. Theo ông Thảo thì số tiền lắp đặt thu của các hộ dân đã được xí nghiệp chuyển về cho Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An. Vậy thực tế số tiền không có hóa đơn GTGT theo đúng quy định này có được Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An kê khai đúng để nộp thuế đúng số tiền đã thu của người dân hay không? Và ngoài dự án này ra thì trong 8 năm Nghị định 117 có thu sai của người dân tại các dự án khác nữa hay không? Số tiền thu sai hàng tỷ đồng rồi sẽ đi đâu về đâu đó là hàng nghìn hộ dân muốn có câu trả lời từ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An?

Nên đọc

 

 

Xuân Hòa
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo