Văn hóa

Đại đức Thích Thanh Cường - Trụ trì chùa Cương Xá: Một tấm lòng thiện nguyện

Từng có câu “Người nghèo ngồi giữa chợ, chẳng ai ngó ngàng. Người giàu trốn mãi tận rừng sâu vẫn có người tìm đến”… Nhưng tôi - tôi đi tìm một người giàu… lòng từ thiện…
 
“Thế mày có đi tu không?”
 
Câu chuyện kể lại của Phạm Ngọc Cường (Đại Đức Thích Thanh Cường, SN 1973) ngồn ngộn những thông tin khá ly kỳ khiến chúng tôi bị cuốn hút. Chỉ xin “trích ngang” một phần thế này.
 
Đại Đức Thích Thanh Cường, sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân viên chức, nguyên quán phường Đồng Tâm (TX. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); quê ngoại thôn Vũ  Xá, xã Quang Khải (Tứ Kỳ, Hải Dương). 
 
Đại Đức Thích Thanh Cường
 
Đại Đức Thích Thanh Cường nhớ lại: 
 
“Hồi bố mẹ tôi vào thanh niên xung phong, đã đẻ ra tôi ở đại ngàn Trường Sơn… Lúc nhỏ, tôi mắc phải bệnh đi kiết, nhưng chính bố mẹ tôi làm ở trong ngành y (bố mẹ chuyển ngành từ công nhân sang làm nghề y tại Bệnh viện Lam Hồng, bên kia cầu Bến Thủy, Hà Tĩnh) cũng không chữa được. Lần đó, nhân dịp nghỉ hè, tôi được bố dẫn lên chùa. Sư cụ bảo với bố rằng “cháu đẻ chậm giờ nên khó nuôi”. Bố tôi đã về nói lại với bà ngoại, bà ngoại liền mang “bán” tôi ở cửa nhà đức ông. Như có một phép màu kỳ lạ: tôi khỏi hẳn bệnh đi kiết”…  
 
“Sự thể sau đó thế nào mà Đại đức lại đi tu?” Tôi cắt ngang câu chuyên.
 
Đại Đức Thích Thanh Cường  nở nụ cười: “Năm sau tôi về và lên thăm chùa. Sư cụ đột nhiên hỏi: “Thế mày có đi tu không?”. Mặc dù chẳng biết “đi tu” là gì, nhưng tôi đã gật đầu lia lịa: Dạ dạ! Sư cụ cho con theo!”…  
 
Nhấp ngụm trà từ tay một tăng ni chuyển tới rồi Đại đức Cường chậm rãi: “Sư cụ đã giới thiệu tôi đến một ngôi chùa có tên Duyên Khánh, thôn Toại An, xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương), do Hòa thượng Thích Thiện Kỳ, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương trụ trì. Và tôi xuất gia vào đúng ngày Rằm tháng Bảy năm 1984. Năm đó, tôi vừa tròn 13 tuổi.  
 
Hòa thượng đã cho tôi học hết cấp 3 theo chương trình phổ thông. Sau khi học xong, tôi được tiếp tục theo học lớp Đại học Hán - Nôm trên Hà Nội; lại theo một lớp học buổi tối Cao đẳng Nhạc viện Hà Nội… 
 
 Năm tôi 16 tuổi, một lần Hòa thượng có hỏi: “Bây giờ muốn xây cái nhà tổ thì đặt ở đâu?”. Tôi trả lời “xây bên phía tay phải của chùa”. Hòa thượng cốc một cái vào đầu tôi và bảo: “Bá ngọ mày, không hiểu gì về phong thủy, cũng không hiểu về cái phép “tiền phật hậu tổ”. Trước là chùa thì sau phải là nhà tổ!”…
 
Được sự ủy quyền của Hòa thượng, năm 1989, bằng sự đóng góp của bà con, Đại đức Cường đã cho xây 5 gian nhà thờ tổ. Đại đức Cường bảo vì chưa có kinh nghiệm, kiến thức còn ít ỏi nên làm theo cái nhà của nhân gian - hiên tây mái bằng. Ba năm sau, tiếp tục xây được 3 gian nhà thờ mẫu, một cái cổng tam quan của chùa Duyên Khánh. 
 
Cùng thời gian này, Đại đức Cường đã theo tiếp một lớp học tại Trường Trung cấp phật giáo tỉnh Hải Dương; rồi vào học tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Năm 20 tuổi, Đại đức Cường đã được cử làm Chánh văn phòng, Trường Trung cấp Phật giáo tỉnh Hải Dương.
 
 
Hãy chiêm ngưỡng chùa Cương Xá…
 
Ngôi chùa Cương Xá, xã Tân Hưng (TP. Hải Dương) được khởi lập cách đây 2000 năm, trùng tu lần thứ nhất đời vua Lê Vĩnh Tộ.
 
Năm 1946, nhân dân thôn Cương Xá đã bắt tay xây dựng được 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung rất nhỏ, một thời gian dài chùa không có sư trụ trì. 
 
Đến năm 1996, nhân dân mới có nguyện cầu được như ý là thỉnh được đại đức Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Duyên Khánh, về trụ trì tại chùa Cương Xá. 
 
Trung tuần tháng3/1996, căn cứ đơn thỉnh sư - Hòa thượng chùa Duyên Khánh của nhân dân thôn Cương Xá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương đã chính thức bổ nhiệm Đại đức Cường về trụ trì chùa Cương Xá. 
 
Đại Đức Thích Thanh Cường  trải lòng: “Chùa Cương Xá ngày tôi về, khuôn viên rất rộng (7.000 m2), nhưng cơ sở chẳng có gì ngoài sỏi đất khô cằn, cỏ dại mọc um tùm. Tôi đã cùng bà con đi khắp nơi mua xỉ than, vôi, đóng gạch ba banh để xây toàn bộ tường bao khuôn viên ngôi chùa; xây cổng làng; lát lại các bệ thờ và nền, trùng tu mái đình. Năm 1999, tôi đứng lên xây dựng 5 gian nhà thờ mẫu. 
 
 
 
Nhờ vào uy tín của mình tham gia – là Ủy viên Ban nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chánh văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Hải Dương, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ, Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Tứ Kỳ…,đến  tháng 6/2009, UBND tỉnh và Sở Xây dựng đã cho phép chúng tôi trùng tu lại chùa Cương Xá…”. 
 
Năm 2009, Đại đức Cường cho động thổ và kêu gọi các nhà hảo tâm - công đức ngôi chùa Cương Xá, tổng kinh phí lên tới 21 tỷ đồng!
 
Ngôi chùa gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, mỗi gian rộng 4,5 m, toàn bộ tường bằng đá, mỗi viên đá dài 40 cm, ngang 30 cm, dày 30 cm, nặng 80 kg (mỗi viên khắc một chữ “vạn”, và được quét nhũ vàng, trị giá 500.000 đồng/viên).  Toàn bộ hệ thống bên trong chùa - gồm 18 cột cái bằng gỗ lim, cao 8,2 m/cột; nặng 1,7 tấn/cột.  
 
Chùa Cương Xá hiện có 5 pho tượng bằng gỗ dâu đá, chở từ Lâm Đông (Đà Lạt); hệ thống trong chùa, trên cùng thờ đức Phật A Di Đà, Đức Quan Âm Thế Trí, tòa thứ hai thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay, tòa thứ ba thờ một pho – Phật Tổ Thích Ca, tạc bằng đá trắng (lấy từ Ngũ Hành Sơn), nặng 6,6 tấn, tòa thứ tư là một tòa cửu long bằng đồng nặng 7 tạ, hai bên thờ đức Át Lan và đức Ka Diếp… 
 
Chùa còn lưu lại được 9 pho tượng cổ, 2 đôi câu đối, 3 bát hương cổ, 1 quả chuông khắc liên đại đời vua Lê Vĩnh Tộ, tính đến nay là trên 400 năm. Trước cửa chùa còn lại một cây đại mang hình dáng rồng, những di sản theo quan niệm của người xưa là bao giờ trước khi xây nhà đều trồng cây, khi trùng tu lại ngôi chùa, đều trồng cây… 
 
 
“Tài sản - trí tuệ của mình” 
 
Hỏi về khoản đóng góp 21 tỷ đồng, Đại đức Cường lên tiếng: “Nhân vật đóng góp lớn nhất (xin giấu tên), công đức trên 10 tỷ đồng, là một doanh nhân tỉnh nhà, hiện đang làm ăn nơi khác; hòa thượng bên Hàn Quốc tài trợ 10.000 USD; Thượng tọa Thích Đồng Hoa ủng hộ 1 tỷ 100 triệu đồng; các tăng ni, phật tử, nhân dân đóng góp tùy tâm. Riêng bà con Cương Xá, mỗi người ủng hộ 1 viên đá  (500.000 đồng/viên); 8 dòng họ ủng hộ 8 cây cột lim, ứng với 32 triệu  đồng/cột (thực tế là 120 triệu đồng/cột, nhà chùa phải bỏ tiền ra)”.  
 
Nói về công tác từ thiện, sư Cường bộc bach: “Tôi đã đi tu từ bé và nghĩ rằng đạo Phật là vô ngã, lấy tài sản là trí tuệ của mình, còn các vật khác là ngoài thân. Quan điểm của tôi là từ thiện ở đâu cũng không bằng từ thiện nơi mình sinh sống. Đối tượng chúng tôi quan tâm nhiều nhất đó là các cụ già, thế hệ trẻ. Riêng từ 1996 đến nay, tôi tham gia đều đặn các hoạt động từ thiện; mỗi dịp lễ, tết, tôi đều tặng quà; ngày 1/6 và Tết Trung thu, tôi tặng quà cho 700 học sinh trường tiểu học. Năm 2015, tôi bỏ tiền mua ti vi, bình nóng lạnh, trao học bổng… ủng hộ các cháu 3 thôn trong xã; hỗ trợ quỹ người nghèo, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh…”. 
 
Được biết, năm 2007, phát triển đường giao thông nông thôn, Đại đức Cương làm cầu nối xin dự án cho 7 km đường bê tông, nhà chùa kêu gọi bên Cục đường bộ tài trợ toàn bộ chương trình. Riêng đường dẫn nước trong thôn, nhờ uy tín mà Đại đức Cường xin được Công ty Nước sạch Hải Dương triển khai dự án - bắc từ TP. Hải Dương về Cương Xá. Năm 2014, Đại đức Cương đã bỏ tiền xây 7 gian nhà (dài 19 m, rộng 7 m), tặng 150 chiếc ghế Xuân Hòa, 4 bàn và nhiều hiện vật khác cho người cao tuổi trong thôn. Còn có một điều đáng ghi nhận nữa đó là Đại đức Cường đã thành lập được CLB Thiện nhân tâm. Theo đó, vào chủ nhật hằng tuần, CLB nấu 400 suất cháo từ thiện - “Bát cháo tình thương” có đầy đủ dinh dưỡng gồm thịt, rau củ quả phục vụ bệnh nhân không phân biệt giàu – nghèo, tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương. Chi phí để nấu cháo từ thiện hàng tháng là 8 triệu đồng do Đại đức Cường tự bỏ ra, các thành viên chỉ hỗ trợ công việc bếp núc, vận chuyển và phát cháo…
 
Chùa Cương Xá, các đồ thờ, toàn bộ tượng được dát bằng vàng 9999 (80 cây vàng, trị giá trên 2 tỷ đồng); 6 tòa cửu long bằng đồng nặng 7 tạ; một bát hương to nặng 156 kg, bằng đồng nguyên chất (đường kính miệng bát hương là 70 cm). Đang xây 14 gian nhà thờ tổ với tổng diện tích 420 m2 (gồm 7 gian tiền đường, 7 gian hậu cung làm thành hình chữ nhị), tiến tới chuẩn bị xây cổng tam quan cũng bằng đá, vừa đổ gần 3.000 m2 sân, kinh phí trên 300 triệu đồng. Các công trình phụ cận đã hoàn thành; trồng được 100 cây ăn quả mùa nào thức nấy, rồi rau xanh phục vụ đời sống sinh hoạt của tăng ni ngay trong bản tự… 
Phạm Hà – Xuân Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo