Văn hóa

Đàn H’roa – nhạc cụ âm nhạc độc đáo của người Cơ Tu

Người Cơ Tu xưa dùng cây đàn H’roa để bày tỏ tình cảm, nhờ nó mà trai gái Cơ Tu nên vợ nên chồng.

Người Cơ Tu giờ đây vẫn giữ được nhiều tài sản văn hóa quý về phong tục, tập quán, lễ hội, ma chay, cưới hỏi, ẩm thực, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc ... Trong bộ nhạc cụ của người Cơ Tu có đàn Cà ré, Ra, Rham, độc đáo nhất trong số đó phải kể đến cây đàn H’roa.

Đàn H’roa còn gọi cây đàn Abel hoặc H'ra, người Cơ Tu xưa dùng đàn H’roa để tỏ tình nên trai gái có thể cùng đàn hát chung. Người con trai đàn, người con gái ngậm miếng vảy trút hát theo nhạc.

Cái độc đáo của đàn H’roa là đàn có thể chơi hai người. Ảnh: Internet.

Đàn H’roa có chiều dài khoảng trên 50 cm. Đàn được chia làm hai phần. Phần đế làm bằng một mảnh gỗ mỏng dầy 1cm, dài 5cm được chạm khắc tạo dáng hoa văn. Phần thân đàn gồm một ống lồ ô nhỏ hơn ống điếu, dài khoảng 30 cm. Một phần thân đàn gắn vào đế, phần trên để trống là nơi chứa que đàn khi không sử dụng. Trên thân ống khắc họa một số hoa văn tiêu biểu của người Cơ Tu. Gần đầu phía trên của đàn (nơi tay cầm) có một chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây. Nối từ chốt đến đế là dây đàn làm bằng một sợi dây thép nhỏ gọi là vú đàn. Ngoài ra còn có một chút nối vào nơi tiếp gián đế đàn và thân đàn. Dây này dùng để ngậm vào miệng được xuyên qua một miếng vảy con trút cắt theo hình tròn.

Khi chơi đàn dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới đế đàn nhằm định vị cho đàn. Một tay nắm ống đàn bấm ngón tay lên dây đàn. Một tay dùng cây cần bằng tre kéo qua lại sát chổ tiếp giáp giữa giây đàn và thân đàn.

Chàng trai dùng cây đàn H’roa để thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình, khi không thể ngỏ bằng lời nói được hay có hai người để ý nhau, họ trốn nhà, mang theo cây đàn H’roa và trèo lên chòi hoặc ra khe suối để chơi nhằm thổ lộ tâm tư tình cảm của mình.

Cái độc đáo của đàn H’roa là đàn có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái thì ngậm miếng vảy trút và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng thì phải cắn chặt.

Người sử dụng có thể vừa đàn vừa dùng hai hàm răng cắn chặt miếng vảy trút giữ cho dây chỉ căng và hát. Trong khi hát hai hàm răng vẫn cắn chặt, không há mệng. Âm thanh lúc này nghe lớn hơn, không có tiếng nhác đơn thuần nữa mà nghe lời ca lồng trong tiếng nhạc. Âm thanh của đàn H’roa nghe hoang dã tiếng gần giống đàn bầu và đàn nhị nhưng đanh vang hơn.

 

Nên đọc

Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo