Quốc tế

Đằng sau quyết định chọn tàu ngầm Pháp của Australia

(DNVN)-Australia đã quyết định chi 40 tỷ USD mua 12 tàu ngầm của Pháp, thay vì chọn chiến hạm của Nhật Bản như nhiều người dự đoán và Tokyo kỳ vọng trước đó. Quyết định bất ngờ này hẳn có nguyên do của nó.

Ngày 26/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thông báo, Australia đã trao bản hợp đồng trị giá 50 tỷ AUD (tương đương 40 tỷ USD) cho tập đoàn DCNS của Pháp để đóng 12 tàu ngầm mới cho Australia. Như vậy, Pháp đã vượt qua hai đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua này là Đức và Nhật Bản.

Thủ tướng Turnbull cho rằng, đây là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Australia. Theo thỏa thuận, các tàu ngầm Shortfin Barracuda sẽ được đóng tại Adelaide với việc sử dụng thép của Australia, tạo ra 2.800 việc làm mới. 

Pháp đã thắng thầu đóng 12 tàu ngầm cho Hải quân Australia (Ảnh BBC)

Nhật Bản, ứng viên tiềm năng trong cuộc đấu thầu này, cho biết việc Australia chọn nhà thầu Pháp là "hết sức đáng tiếc". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết sẽ yêu cầu Australia giải thích tại sao họ không chọn thiết kế của họ.

Trong khi đó, Thủ tướng Turnbull cho hay, quyết định được đưa ra sau quá trình đấu thầu kéo dài 15 tháng "sẽ đảm bảo tương lai của lực lượng hải quân của Australia trong nhiều thập niên tới. Và công nhân Australia sẽ đóng các tàu ngầm bằng thép của Australia".

Vì sao Australia muốn mua tàu ngầm mới?

Chính phủ Australia cho biết, hạm đội tàu ngầm lớp Collins hiện đã lỗi thời và cần phải thay thế bằng các chiến hạm mới. Một đội tàu ngầm mạnh mẽ được coi là quan trọng đối với một quốc đảo như Australia để tiến hành các hoạt động giám sát, đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng từ các quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, và để hỗ trợ các quốc gia đồng minh của Australia. 

DCNS đã chào bán cho Australia một phiên bản tàu ngầm sử dụng động cơ diesel - điện dựa trên mẫu tàu ngầm nguyên tử Barracuda với trọng tải 5.000 tấn. 

 

Theo kế hoạch, con tàu đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm tới. Tàu Barracuda của Australia sẽ nhỏ hơn một chút so với nguyên mẫu. Nó dài trên 90 mét và có trọng tải 4.500 tấn. 

Ông Turnbull cho rằng, đơn chào hàng của Pháp "đại diện cho những khả năng tốt nhất có thể đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của Australia. 

Trong khi đó,  Nhật Bản đề nghị đóng cho Australia một phiên bản dựa trên loại tàu ngầm Soryu trọng tải 4.000 tấn, dài từ 6 đến 8 mét. Còn công ty ThyssenKrupp của Đức đã chào bán tàu ngầm Type 214 trọng tải 3.950 tấn.

Quan hệ Nhật Bản - Australia sẽ phai nhạt?

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết, đơn chào hàng của Pháp đã nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chuyên gia trong tiến trình đấu thầu của chính phủ. 

 

Trong khi đó, ban đầu, Nhật Bản là ứng viên sáng giá trong cuộc đua và được dự đoán sẽ thắng thầu, do cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott có mối quan hệ gần gũi với người đồng cấp Nhật Bản, ông Shinzo Abe.

Tuy nhiên, đơn chào hàng của họ được cho là không hấp dẫn do Nhật Bản thiếu kinh nghiệm trong việc sản xuất trang thiết bị quân sự phục vụ xuất khẩu. 

Hiến pháp Nhật Bản được thay đổi vào năm 2014 nhằm cho phép xuất khẩu vũ khí quân sự hạng nặng. Thỏa thuận tàu ngầm béo bở này đáng lẽ sẽ là thỏa thuận khổng lồ đầu tiên của Tokyo và là chiến thắng lớn đối với ông Abe. 

Chính phủ Nhật Bản cũng được cho là mong muốn làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ quân sự với Australia trong bối cảnh Trung Quốc leo thang quân sự hóa. Việc chia sẻ kỹ thuật quân sự sẽ làm gia tăng khả năng tương tác giữa các hạm đội của Nhật Bản và Australia. 

Giới phân tích nhận định, quyết định chọn nhà thầu Pháp trong việc đóng tàu ngầm cho Hải quân Australia sẽ khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Australia bị chia cắt.

 

Thủ tướng Australia Turnbull cho biết, ông đã nói chuyện với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe và cả hai người từng đều "cam kết quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Australia và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn trong mọi thời điểm. 

Nên đọc
NM (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo