Góc nhìn

Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Quá sơ sài

GS Đào Trọng Thi bày tỏ sự thất vọng như vậy về việc tới thời điểm sát nút để trình Quốc hội nhưng Bộ GD-ĐT lại chuẩn bị quá sơ sài và phải xin lùi việc trình đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông.

Học sinh Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) ôn thi tốt nghiệp năm 2013 với quá nhiều sách vở - Ảnh: Như Hùng

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xin lùi thời gian trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông, GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói: Tôi rất tiếc là bộ phận giúp bộ trưởng Bộ GD-ĐT chuẩn bị hồ sơ trình lần này đã không nắm được là một bộ hồ sơ phải có những gì, đáp ứng các yêu cầu nào. Chính vì thế, tại phiên họp mới đây, Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ do Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền trình quá sơ sài và cho tới thời điểm này nếu vẫn tiếp tục trình Quốc hội kỳ họp tới thì sẽ phải bổ sung rất nhiều.

Hiểu chưa đúng

* Vậy hồ sơ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị, dự kiến sẽ trình Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẩm tra, theo ông, còn thiếu và chưa đạt yêu cầu ở những điểm nào?

- Hồ sơ Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 40. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có giải thích vì trước đó Thường vụ Quốc hội đã có một cuộc giám sát thực hiện nghị quyết này. Nhưng đó chỉ là một căn cứ tạo điều kiện cho Bộ GD-ĐT thôi chứ không thay thế báo cáo tổng kết do Bộ GD-ĐT trực tiếp làm theo đúng quy trình rà soát, tổng kết từ cơ sở đến các hội nghị các cấp được.

Bên cạnh đó, báo cáo tác động thì quá sơ sài, có vài trang giấy. Cả dự thảo đề án đổi mới chương trình - SGK cũng không đáp ứng yêu cầu, trình bày chưa đầy đủ, thuyết phục. Đặc biệt dự thảo đề án thiếu hẳn phần dự kiến kinh phí thực hiện. Con số mà Bộ GD-ĐT công bố tuần trước là con số không chính thức. Và khi dư luận xôn xao, bức xúc thì mới rõ đó chỉ là con số do các nhóm chuyên gia đề xuất.

* Ông cho rằng có nhiều nội dung cần có thời gian dài để thực hiện, như vậy việc Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa đạt là do khó khăn khách quan?

- Ở thời điểm này, nếu phải hoàn thiện thì không có thời gian để kịp trình Quốc hội vào tháng 5 tới. Nhưng đó không phải khó khăn khách quan vì thực tế Bộ GD-ĐT đã có khoảng thời gian rất dài để có thể hoàn thành yêu cầu về hồ sơ. Nhưng do những người thực hiện ngay từ đầu không nắm được yêu cầu nên đã không chuẩn bị. Tới giữa tháng 4 mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cuối tháng 4 mới báo cáo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nên sau khi được góp ý mới không còn thời gian chuẩn bị cho đợt này nữa.

* Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của những người có liên quan khi để hồ sơ này phải lùi thời gian trình Quốc hội?

- Những sơ suất, thiếu sót này rất đáng tiếc. Vì lẽ ra khi chuẩn bị một hồ sơ lại liên quan tới việc hệ trọng của quốc gia thì những việc đầu tiên phải tìm hiểu xem yêu cầu tối thiểu để chuẩn bị một hồ sơ là thế nào, cần thực hiện nó trong bao lâu. Nhưng ngay cả bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng còn có những cái hiểu chưa đúng.

Ví dụ như bộ trưởng đặt ra vấn đề đợt này chỉ trình Quốc hội để xin chủ trương nên không chuẩn bị chi tiết. Cần phải hiểu đúng rằng việc ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình - SGK phổ thông là “tạo một khung pháp lý mới” cho việc thực hiện đề án. Khung pháp lý này có thể khác với quy định trong Luật giáo dục hiện hành. Nhưng để Quốc hội có nghị quyết thì phải cho Quốc hội thấy đề án đổi mới đó như thế nào, điều kiện thực hiện, trong đó có điều kiện kinh phí ra sao, để đánh giá được tính khả thi, hiệu quả của đề án. Việc đó không làm được thì sao Quốc hội có cơ sở để xem xét ban hành nghị quyết? Ở đây tôi muốn nói tới quan điểm của người đứng đầu ngành GD-ĐT như vậy cũng phải rút kinh nghiệm.

Giáo sư Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng

Phải làm lại

* Về vấn đề kinh phí thực hiện đề án đổi mới giáo dục, tuy chưa chính thức nhưng đó là con số mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết của các nhóm chuyên gia đề xuất. Vậy ông có ý kiến gì về mức tiền, cách phân chia khoản chi cho đề án đổi mới chương trình - SGK mà người của Bộ GD-ĐT từng phát ngôn với công luận?

- Trong năm khoản chi mà người của Bộ GD-ĐT từng công bố mới đây trong gói tiền hơn 34.000 tỉ đồng, tôi chỉ thấy có hai khoản liên quan trực tiếp tới việc đổi mới chương trình - SGK phổ thông, đó là tiền chi cho viết chương trình - SGK và tiền tập huấn cán bộ, giáo viên. Còn các khoản chi cho thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên, tăng cường năng lực công nghệ thông tin... không phục vụ trực tiếp cho đề án và là mục tiêu đầu tư lâu dài mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng.

Khi góp ý cho đề án này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã đề nghị phải thiết kế chương trình - SGK đáp ứng điều kiện thực tế của đa số cơ sở giáo dục của các địa phương. Dĩ nhiên có một số cơ sở, địa phương khó khăn cần hỗ trợ để thực hiện đổi mới nhưng số này chỉ nên ở khoảng 10% thôi. Và kinh phí cho việc thực hiện này là yêu cầu tối thiểu, cần đầu tư ngay. Còn kinh phí để nâng chất lượng giáo dục thì phải có lộ trình dần dần từng bước và phù hợp với điều kiện của đất nước. Việc đầu tư cho điều kiện dạy học để nâng dần chất lượng liên quan tới việc đào tạo giáo viên và cơ sở vật chất, chúng tôi đã từng đề nghị phải tách riêng ra hai đề án khác.

Tôi nghĩ nếu Bộ GD-ĐT tách bạch các khoản chi và làm rõ những kinh phí tối thiểu cần có và kinh phí đầu tư lâu dài thì dư luận sẽ không bức xúc như thời gian qua.

* Theo ông, việc lùi thời gian trình hồ sơ đổi mới chương trình - SGK phổ thông lần này có ảnh hưởng gì tới tiến trình đổi mới căn bản toàn diện mà nghị quyết trung ương đã thông qua? Thời gian tới cần phải làm gì để khắc phục thiếu sót như đã xảy ra?

- Việc chậm thực hiện đổi mới ngày nào thì những bất cập của giáo dục sẽ chậm đổi mới ngày đó. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT với vai trò thường trực của đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông sẽ phải nỗ lực để hoàn chỉnh những nội dung theo đúng yêu cầu đặt ra. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tạo điều kiện tối đa cho Bộ GD-ĐT như việc tiến hành thẩm tra, góp ý, cố gắng để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Việc đổi mới cần càng sớm càng tốt nhưng quan trọng vẫn là chất lượng. Chất lượng chưa tốt thì sẽ phải làm lại.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo