Xã hội

Đi xe khách buộc phải ra bến mua vé?

Bộ GTVT đang đề xuất các hãng xe khách không được bán vé, đặt chỗ trước cho hành khách dưới mọi hình thức.

“Tới đây Bộ GTVT sẽ ban hành thông tư mới quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô thay thế Thông tư 18/2013 để phù hợp với Nghị định 86/2014 vừa ban hành (có hiệu lực thi hành từ 1-12-2014)” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin.

Đáng chú ý, theo dự thảo thông tư mới, các hãng xe hợp đồng, du lịch hoặc lữ hành không được bán vé, xác nhận đặt chỗ trước cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thói quen đi xe khách của hàng triệu người dân.

Đi xe không cần ra bến
 
Từ nhiều năm qua, anh Nguyễn Minh Hưng, ngụ quận 2, thường xuyên đi về giữa TP.HCM và Đà Lạt bằng xe của một hãng có thương hiệu. Cứ mỗi lần cần đi Đà Lạt, anh chỉ cần gọi điện thoại tới phòng vé của hãng này báo tên, số điện thoại, giờ đi… là được sắp chỗ. Gần tới giờ đi, anh Hưng ra trạm dừng đón khách của hãng này nằm trên xa lộ Hà Nội, leo lên xe giường nằm ngủ một giấc là tới Đà Lạt. Khi từ Đà Lạt về lại TP.HCM, anh Hưng cũng điện thoại ra phòng vé của hãng đặt chỗ. Xe trung chuyển của hãng sẽ đến tận cửa khách sạn đón anh ra bến. “Hầu hết những người tôi quen biết đều có cách đi xe tương tự, tức chủ động chọn hãng xe mình ưng ý rồi điện thoại đặt chỗ. Giờ rất ít người đi xe theo kiểu ra bến mua vé rồi đợi được sắp xe nào thì đi xe đó” - anh Hưng cho biết.
 
Nếu khách đi tuyến cố định buộc phải tới bến xe mua vé sẽ dễ khiến các bến luôn quá tải, dồn ứ khách. Ảnh: L.ĐỨC
 
Theo thống kê, thời gian qua lượng khách trực tiếp tới các bến xe Miền Đồng, Miền Tây mua vé đi xe càng ngày càng giảm. Lý do là hành khách dần chuyển sang chọn đi xe của các hãng có thương hiệu theo phương thức đặt chỗ trước thông qua điện thoại, website của hãng, tới lúc đi mới trả tiền.
 
“Nhu cầu đi xe theo cách này của người dân ngày càng tăng do các hãng xe có thương hiệu phục vụ tốt. Vậy thì nên “định danh” đi xe theo cách này là gì? Theo hợp đồng đặt chỗ trước hay theo tuyến cố định không cần mua - bán vé? Chính do không xác định được nên từ nhiều năm qua ngành GTVT lúng túng, không thể xử lý được những xe hoạt động theo những cách trên!” - một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thừa nhận.
 
Coi chừng làm khó dân      
 
Một cán bộ của Bộ GTVT giải thích dự thảo thông tư mới đề xuất quy định “các hãng xe hợp đồng, du lịch hoặc lữ hành không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức” nhằm chống các loại xe chạy “dù”, trá hình chạy tuyến cố định. “Xác nhận đặt chỗ dưới mọi hình thức được hiểu là qua điện thoại hoặc email, website…” - vị cán bộ này nhấn mạnh.
 
Như trên đã nói, từ nhiều năm qua các hãng xe có thương hiệu đều đã cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, website để hành khách thông báo các thông tin cá nhân khi đặt chỗ. Các thông tin này được hãng xe đưa vào danh sách, hợp đồng chở khách du lịch và trình cho Sở GTVT. Các hình thức giao dịch qua điện thoại, phương tiện điện tử này đã được Bộ luật Dân sự công nhận từ năm 2005 (Điều 124).
 
“Một hành khách khi giao dịch qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử thành công với hãng xe thì dữ liệu đó được coi là một văn bản hợp đồng, một tấm vé. Trên một chuyến xe, nhà xe gom nhiều hành khách đi theo cách ấy vào thành danh sách và trình ra bản hợp đồng. Bản hợp đồng đó là hợp pháp vì nó được “ký” giữa hãng xe với nhiều người, nhiều cá nhân đơn lẻ đi cùng chuyến xe. Quan niệm hợp đồng là phải ký giữa hãng xe với người đại diện cho một nhóm người không còn phù hợp với thời buổi giao dịch điện tử đã thành phổ biến” - một luật sư ở TP.HCM nói.
 
Vậy nay Bộ GTVT không cho thực hiện hình thức giao dịch qua điện thoại, phương tiện điện tử nữa liệu có phù hợp? Ngoài ra, chưa rõ hiệu quả chống xe “dù” tới đâu nhưng sẽ có rất nhiều hành khách gặp trở ngại do buộc phải thay đổi thói quen đi xe. Lượng khách đổ dồn về bến cũng sẽ dễ khiến các bến xe quá tải. Đây là những điều Bộ GTVT dường như chưa tính tới.
Pháp luật TPHCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo