Hỗ trợ doanh nghiệp

Điều kiện kinh doanh vô lối đẻ ra tham nhũng

Tại sao các doanh nghiệp (DN) dân doanh không thể lớn lên được? Có phải họ bị các DN Nhà nước lớn, DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) lấn át hết? Và có phải Nhà nước đang may một chiếc áo quá chật cho các DN dân doanh?
 
Công nhân sản xuất gạch ngói tại Công ty CP Viglacera Hạ Long. Đ.D
 
Tại hội thảo “Lấy ý kiến DN góp ý Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh” diễn ra hôm qua (13.5), Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung đã đặt ra hàng loạt câu hỏi như vậy khi ông nói về tình trạng các DN nhỏ và vừa, DN dân doanh Việt Nam không thể lớn lên được.
 
Không dám lớn…
 
Theo ông Cung, hiện có tới 5.585 điều kiện kinh doanh, được quy định tại nhiều văn bản, chưa kể các biến tướng của các quy định đang khó kiểm soát hơn nhiều. Hậu quả của các điều kiện kinh doanh và biến tướng của nó là đặt ra rào cản, khiến chi phí gia nhập thị trường cao và kéo dài, mất cơ hội tiếp cận kinh doanh, gây thiệt thòi cho DN nhỏ và vừa và các thành phần kinh tế.
 
Ông Cung dẫn chứng: Có hàng ngàn điều kiện kinh doanh không phù hợp, như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho 450 tấn thóc, có cơ sở xay xát. Điều kiện này đang cản trở DN gia nhập thị trường, triệt tiêu cạnh tranh. Với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo không thể thực hiện nổi. Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đang chỉ làm lợi cho một số người được quyền xuất khẩu.
 
Hay có điều kiện kinh doanh rất buồn cười, muốn kinh doanh phải có thành tích xuất khẩu 3-4 năm, đã không được làm sao có thành tích xuất khẩu?! Ông Cung còn thống kê có 1.697 điều kiện được ban hành trái thẩm quyền bởi các thông tư, thuộc nhiều ngành như: Giao thông vận tải 175, nông nghiệp 252, y tế 373, tài nguyên môi trường 200… hiện vẫn đang thi hành.
 
“Rõ ràng, điều kiện kinh doanh đang là rào cản tạo ra rủi ro cho DN. DN không lớn được và cũng không dám lớn vì lớn là bị chèn ép. DN không tiếp cận được với chuỗi giá trị toàn cầu. DN không cạnh tranh được với cơ hội kinh doanh mà các hiệp định thương mại tự do đưa lại với các điều kiện vô lý áp đặt lên”- ông Cung nói.
 
Ông Trần Vinh Nhung – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã nhiều lần phản ánh với Bộ Công Thương việc năm nào gạo cũng có tồn kho lớn (hiện cũng vậy) và phụ thuộc vào sự phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bởi điều kiện được đặt ra đối với các DN xuất khẩu gạo là phải có kho bãi, nhà máy chế biến. “Vấn đề đặt ra hiện nay đối với mặt hàng gạo dư thừa là phải làm thế nào để các DN cùng tham gia xuất khẩu. Những DN có thị trường và có bạn hàng cần được phá bỏ điều kiện để đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo”- ông Nhung kiến nghị.
 
Trục lợi đã ăn sâu…
 
Thực tế cho thấy, sự trục lợi đã ăn sâu vào trong các điều kiện kinh doanh không cơ quan quản lý nào muốn xóa bỏ. Từ 20.1.2015, CIEM đã thông báo các điều kiện kinh doanh tới các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, bãi bỏ nhưng ông Cung cho biết, chỉ có 3 bộ có ý kiến và ý kiến là “đề nghị giữ nguyên như hiện nay” để họ tự rà soát, tự cải cách.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, không thể để các bộ ban hành điều kiện kinh doanh như hiện nay. Chỉ một điều kiện vô lối của các “siêu bộ” được ban ra sẽ ảnh hưởng xấu đến tất cả các ngành nghề.
 
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, đã đến lúc phải phá bỏ tâm lý nói mãi, nói nhiều rồi, chả thay đổi gì, nên nói nữa mất công, không thấy cơ quan nào đáng tin cậy để gửi gắm, chuyển ý của mình lên để thay đổi. “Bia đá trăm năm còn mòn, còn như các điều kiện kinh doanh này thì vẫn cứ trơ trơ”- ông Hải thốt lên.
 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh vô lối đang đẻ ra tham nhũng, lợi ích nhóm. “Ông bỏ tiền để chạy thu lợi từ khoản phí nào đó, thì sẽ bổ nhiệm ông khác để bảo vệ khoản phí đó, và bổ nhiệm người kế tục mình tiếp tục thực hiện khoản phí đó”- vị chuyên gia này chia sẻ. “Hội nhập tới đây sẽ là cơ hội và thách thức lớn. Với chi phí thời gian và tiền bạc bỏ ra cho các điều kiện phi lý thế này, DN của ta làm sao lớn nổi, đi được vào khoa học công nghệ, làm sao cạnh tranh được”- ông Doanh e ngại.
 
Ông Cung khẳng định: từ 1.7.2015, Luật DN có hiệu lực, chỉ có 6 ngành nghề kinh doanh phải có điều kiện, các quy định điều kiện khác đương nhiên không có hiệu lực. “Luật đã ban hành có hiệu lực ta cứ đúng luật mà làm. Ai ra điều kiện, ra giấy phép con thì khởi kiện. Khi đó, quyền tự do kinh doanh bị vi phạm sẽ được xử lý!”- ông Cung nói.
 
 

Chuyên gia Phạm Chi Lan:Khu vực tư nhân đang “teo” lại


Trong bối cảnh khó khăn hiện nay chỉ có DN trong nước thuộc khu vực tư nhân là “chết, teo đi” chứ thời gian qua chúng ta không thấy có nhiều DN Nhà nước hay DN FDI đóng cửa. Khối DN này dù kinh tế khó khăn, khủng hoảng song vẫn không hề hấn gì, thậm chí một số DN còn thu lãi lớn và gửi lợi nhuận lớn ra nước ngoài, bởi một phần là họ không phải chịu sự đối xử bất bình đẳng như các DN trong nước của Việt Nam.  Tại sao lại như vậy? Cần có sự phân tích thấu đáo và đề ra các giải pháp khắc phục bất cập này ngay. 


Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Bỏ ngay các giấy phép gây khó


Tôi cho rằng, sự bình đẳng trong các ưu đãi thuế, phí, đất đai, tài nguyên… là không có với khu vực DN tư nhân trong nước. DN dân doanh lại chịu thêm các điều kiện vô lối nữa càng khó lớn lên nổi. Cơ quan ra điều kiện giờ kinh nghiệm đầy mình, họ biết rằng, nếu bị bỏ giấy phép sẽ mất bao nhiêu lợi ích, nên sự chống đối chắc sẽ rất kịch liệt. 


Hãy tận dụng và thực thi và hiệu quả nhất Nghị quyết 19, nên chăng lọc những giấy phép, điều kiện kinh doanh quá lố, không thích hơp, không hợp lý gì về kinh tế, trái quy định pháp luật để làm văn bản công bố bãi bỏ cho DN được phát triển bình đẳng.


Hải Quỳnh (ghi)

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo