Hỗ trợ doanh nghiệp

DN da giày chinh phục thị trường nội địa: “Trở đi mắc núi...”

Dù có nhiều thuận lợi trong hoạt động làm ăn với các đối tác nước ngoài cũng như xuất khẩu, song phát triển ngành da giầy vẫn còn có nhiều yếu tố chưa bền vững, nhất là tỷ lệ nội địa hóa thấp và doanh nghiệp trong nước chưa có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa.

 

Các DN sản xuất giày dép tiêu thụ nội địa đều bày tỏ lo lắng trước nguy cơ hàng ngoại, giá rẻ tràn vào thị trường khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành. Vì vậy, giải pháp để DN da giày miễn dịch trước cơn lốc hàng ngoại đang được các đơn vị chức năng tính đến.
 
Nhãn hiệu Tuvi's của Cty TNHH Tuấn Việt đang đẩy mạnh phát triển thương hiệu, ổn định các kênh phân phối để hướng đến một thương hiệu da giày thời trang Việt
 
Đường về... không dễ !
 
Theo báo cáo của Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giầy và chỉ khâu), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Đối với da thuộc thành phẩm, tỷ lệ nội địa hóa dưới 30% và phần lớn nguyên liệu mũ giầy vẫn phải nhập khẩu… Việt Nam chỉ cung ứng được vải cho sản xuất loại giầy vải cấp thấp, các chủng loại vải cao cấp đều phải nhập khẩu.
 
Hiện nay nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm giày dép khoảng 150 triệu đôi/năm nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Cùng với đó, hầu hết sản phẩm giày dép nội chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và phục vụ cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi có thu nhập thấp. Cùng với đó là yêu cầu của thị trường về việc đa dạng phong phú nhưng số lượng lại ít, tồn kho cao, khả năng quay vòng vốn chậm… là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN. Vì thế, những DN có quy mô lớn thường chọn “giải pháp an toàn” tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, việc hạn chế về nguồn nguyên, phụ liệu cũng như không có hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật kiểm soát đầu vào thiếu nhân lực, nhất là lao động trong khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng là nhân tố tăng thêm rủi ro.
 
Hơn nữa, bản thân ngành da giày chưa có hệ thống tiêu chuẩn an toàn riêng về hóa chất tồn dư trong sản phẩm, cũng như thiếu các trung tâm kiểm định đủ tiêu chuẩn nên không kiểm soát được chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào.
 
Để giải quyết bài toán khó này, theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP HCM lưu ý, các DN Việt muốn chiếm lĩnh thị thường nội địa phải chú ý nhiều hơn đến khâu thiết kế, màu sắc, mẫu mã đa dạng… Mặt khác, DN phải xây dựng thương hiệu riêng, tạo ra nhiều kênh phân phối và linh hoạt trong tiếp thị nhằm tạo niềm tin và cảm xúc ấn tượng đối với người tiêu dùng.
 
Tìm bản sắc Việt
 
 

Lefaso cũng đang phối hợp với Viện Da giày Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước.

Theo lộ trình giảm thuế của AEC, đến cuối năm 2015, thuế xuất khẩu một số chủng loại giày dép trong nội khối sẽ về 0%. Đây được coi là cơ hội vàng cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, đây lại là nguy cơ đối với thị trường giày dép nội địa bởi chính sự thờ ơ, thỏa mãn chính mình của DN là “tảng đá” kéo chậm sự phát triển.
 
Khi hàng rào thuế quan được phá bỏ, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Hiện tại các nước trong khối AEC đã dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam chưa dựng được hàng rào bảo vệ thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các DN sản xuất hàng tiêu thụ nội địa không theo một quy chuẩn cụ thể… khiến chất lượng giày dép nội không đồng đều, rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, giá rẻ.
 
Theo nhận định của Bộ Công Thương, về lâu dài để tự chủ nguồn nguyên liệu da, cần thương mại hóa ngành nông nghiệp chăn nuôi giúp nâng cao sức sống của vật nuôi, chất lượng da sống, da thuộc, khuyến khích thành lập các lò mổ hiện đại… Những giải pháp này sẽ làm tăng chất lượng ở từng khâu của chuỗi giá trị ngành da giày. Hiện Bộ đang trình Chính phủ Nghị định hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có công nghiệp da giày. Hy vọng với những giải pháp hỗ trợ hoạt động đào tạo lao động, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh cũng như triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu sẽ giúp cho ngành da giày Việt Nam nói chung và các DN nội địa nói riêng sẽ phát triển bền vững.
 
Xem ra “cuộc chiến” giữa các DN da giày Việt với đối thủ ngoại sẽ còn cam go trong thời gian bởi nhiều DN mới đang ở vạch xuất phát.

 

Theo DĐDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo