Bất động sản

Doanh nghiệp BĐS Việt Nam không sợ bị nước ngoài chèn ép

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề Luật nhà ở (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư bất động sản tại Việt Nam, Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc tuyên bố: “Doanh nghiệp Việt Nam không sợ sự cạnh tranh với nước ngoài”.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc

Đứng ở vai trò là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ông đánh giá như thế nào về Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua?

Luật Nhà ở sửa đổi có mấy yếu tố tác động khá tích cực và mạnh mẽ đối với thị trường. Thứ nhất là nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà. Thị trường bất động sản thời gian qua theo một số số liệu đưa ra thì lượng giao dịch bất động sản thời gian qua vẫn còn thấp so với thế giới, một trong những nguyên nhân thấp là do chỉ giao dịch trong nước, nội bộ, còn chưa có giao dịch với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài hoặc các cá nhân của người nước ngoài. Chính hạn chế này làm cho thị trường bất động sản của Việt Nam so với thế giới rất nhỏ bé, mặc dù tiềm năng của chúng ta rất lớn. 
 
Tôi nhớ không nhầm thì tổng giá trị giao dịch bất động sản của Việt Nam còn thấp hơn cả Myanmar. Vì vậy việc cho người nước ngoài mua nhà và cho các doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
 
Trong Luật Nhà ở sửa đổi có điều khoản cho người nước ngoài mua nhà, điều khoản này sẽ có tác động như thế nào đối với thị trường, thưa ông?
 
Đương nhiên vẫn còn có một số giới hạn theo đặc trưng của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đánh giá đây là một điều khoản tích cực, khi có các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường. Các tổ chức, cá nhân người nước ngoài sống ở Việt Nam được quyền mua nhà tại Việt Nam, điều này góp phần thúc đẩy nhu cầu bất động sản cao cấp. 
 
Người nước ngoài làm việc ở Việt Nam rất nhiều, ví dụ người Nhật, người Hàn Quốc, các chuên gia nước ngoài của Pháp, Mỹ đã có thời gian làm việc ở Việt Nam rất lâu và muốn có nhà ở. Đa số phân khúc họ cần là phân khúc cao cấp, mà phân khúc cao cấp ở thị trường Việt Nam hiện nay đang rất thừa. Việc này sẽ giải phóng được lượng hàng tồn kho đối với phân khúc cao cấp, tạo tính thanh khoản của thị trường tốt hơn. 
 
Ví dụ như phân khúc nghỉ dưỡng, người nước ngoài họ thích mua biệt thự nghỉ dưỡng ở biển như ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long nhưng họ không có cơ hội sở hữu thì bây giờ họ có cơ hội sở hữu những biệt thự nghỉ dưỡng theo sở thích của họ. Điều này làm cho phân khúc cao cấp sẽ có thanh khoản tốt.
 
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua có những ảnh hưởng như thế nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, theo ông?
 
Trong luật mới quy định rất rõ ràng về việc huy động vốn. Chủ đầu tư không được huy động vốn quá 30% đợt đầu sau khi làm xong móng hoặc không được quá 70% trước khi bàn giao nhà, hoặc không được quá 95% trước khi bàn giao sổ đỏ cho khách hàng. Và một số điều khoản khác giúp thị trường minh bạch hơn và người mua có nhiều quyền lợi hơn, có thể giám sát được chủ đầu tư nếu chủ đầu tư có vi phạm quy định. Nếu chủ đầu tư không làm đúng luật thì người mua nhà cũng có nhiều quyền để khiếu nại. 
 
Thứ 2 là, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn ít nhất là 20 tỷ. Đó là những quy định rất rõ ràng, vốn của các chủ đầu tư dù thế nào cũng phải đảm bảo cho dự án từ 15ha trở lên, trên 20ha phải có 20% vốn của tổng dự án. Việc này sẽ thanh lọc được thị trường và yêu cầu các nhà đầu tư cần phải có tiềm lực thực sự. 
 
Trước đây quy định vốn tối thiểu 6 tỷ là quá thấp đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vì bất động sản là mặt hàng có giá trị rất lớn mà một vài tỷ không đảm bảo tiềm lực để kinh doanh mặt hàng này. Đây là một mặt hàng nhảy cảm cho nên cần có những doanh nghiệp có năng lực kinh tế mạnh. Còn nhiều doanh nghiệp nhỏ quá tham gia thị trường thì việc kiểm soát sẽ gặp khó khăn. 
 
 
Trong Luật Nhà ở có nhiều quy định đối với vấn đề nhà dành cho người thu nhập thấp, theo ông điều này sẽ có tác động như thế nào đối phân khúc thị trường này?
 
Phân khúc nhà ở thu nhập thấp hiện nay đang thiếu rất nhiều, mình phải nhìn nhận rằng dân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp so với thế giới. Cho nên nhu cầu nhà giá rẻ, đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội rất lớn. Đây là một cơ hội, là một phân khúc tiềm năng cho các nhà đầu tư.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh như thế nào khi các doanh nghiệp nước ngoài được phép vào Việt Nam kinh doanh bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều là những doanh nghiệp lớn?
 
Trong thị trường càng cạnh tranh thì càng lành mạnh. Thị trường có cạnh tranh thì người được hưởng lợi nhất là người tiêu dùng. Khi thị trường có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và các cá nhân người nước ngoài sẽ làm cho tính thanh khoản của thị trường tốt lên. Khi tính thanh khoản tốt lên thì sẽ tạo cơ hội cho cả các chủ đầu tư trong nước. 
 
Và khi các chủ đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nó sẽ tạo tính thanh khoản cho cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Khi chủ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ kéo theo các khách hàng của họ từ các nước khác vào Việt Nam. Bản thân các nhà đầu tư đã thu hút được khách hàng từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các Công ty lớn của nước ngoài đều là các tập đoàn đa quốc gia, ở mỗi quốc gia họ đều có một lượng khách hàng riêng. Khi họ đầu tư vào Việt Nam thì họ kéo khách hàng vào Việt Nam để bán bất động sản của Việt Nam. 
 
Ngoài ra ví dụ, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể bán nhà cho người Hàn Quốc sống tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản họ cũng có thị trường của họ tại Việt Nam. Đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất rộng. 
 
Nhờ vậy thị trường sẽ có sự biến chuyển theo hướng tích cực. Còn các doanh nghiệp Việt Nam mình cũng không sợ sự cạnh tranh với nước ngoài, vì có sự cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt Nam mới có nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi, thấy người ta làm tốt hơn thì mình cũng phải cố gắng làm để bằng người ta, có sự cạnh tranh thì chúng ta mới có sự sáng tạo.
 
Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đón nhận Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sắp được áp dụng như thế nào, thưa ông?
 
Nhìn chung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản vừa được thông qua đều được doanh nghiệp mong đợi và đánh giá rất khả thi, kỳ vọng khi luật được áp dụng sẽ làm cho thị trường ổn định hơn, minh bạch hơn.
 
Như Trâm (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo