Pháp luật

Doanh nghiệp cũng có thể bị kết tội hình sự

Có nhiều nội dung thay đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có liên quan đến hoạt động quản lý kinh tế.

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (đang trong quá trình xây dựng, thẩm tra và sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân) đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Trong đó có việc phi tội phạm hóa (không quy định là tội danh hình sự) đối với 2 loại hành vi: kinh doanh trái phép và báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Thay vào đó, dự thảo cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Loại tội phạm nào có thể quy trách nhiệm hình sự?

Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh một điểm mới trong dự thảo hiện còn có ý kiến khác nhau, liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đó là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đó là các tội: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Pháp nhân cũng có thể bị truy tố về 5 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường, bao gồm gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp phân tích thêm, xuất phát từ thực tiễn nước ta, dự thảo Bộ luật xác định trước mắt, trách nhiệm hình sự của pháp nhân áp dụng đối với những pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội và cũng chỉ được áp dụng đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Dự thảo Bộ luật cũng đã quy định hệ thống các chế tài xử lý hình sự đối với pháp nhân phạm tội, trong đó hình phạt chính gồm: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Rạch ròi trách nhiệm pháp nhân – cá nhân

Những ý kiến ủng hộ cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân trong BLHS là cần thiết, bởi trong những năm qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân thực hiện gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đến môi trường như vụ của Công ty Vedan (Đồng Nai), vụ Công ty Nicotex (Thanh Hóa), trong khi việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe.

Đây cũng là quan điểm của cơ quan soạn thảo dự luật. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, trong điều kiện chúng ta đang triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các đạo luật được Quốc hội thông qua đã có nhiều đổi mới theo hướng mở rộng quyền cho các doanh nghiệp. Theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp được thực hiện thông qua Hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc Hội đồng quản trị hay Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần). Như vậy, nếu chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì trong trường hợp này sẽ khó xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm để xử lý hình sự; đồng thời cũng không công bằng nếu chỉ xử lý hình sự đối với một số cá nhân trong khi quyết định là của tập thể.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thường trực của Quốc hội cũng tán thành quan điểm này, mặc dù yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra có cách giải trình thuyết phục hơn. “Đặc biệt, nếu quy định không rõ về dấu hiệu tội phạm, phân định trách nhiệm giữa cá nhân với pháp nhân thì có khi quy định này lại là nơi ẩn náu của cá nhân núp bóng tập thể để sai phạm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bình luận.

Phạm vi trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp


Đa số các nhà lập pháp đã thể hiện quan điểm đồng tình với giới hạn phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố như dự thảo. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, mở rộng thêm các tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm bao quát đầy đủ các hành vi pháp nhân có thể vi phạm đến mức phải bị xử lý hình sự, như: hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả hay hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Với tinh thần thận trọng khi lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, dự thảo Bộ luật lần này mới chỉ “khoanh” lại trong 15 loại tội phạm mà pháp nhân thường hay vi phạm, có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh.

 

Thêm tám hành vi bị coi là tội phạm hình sự

Dự thảo Bộ luật quy định là tội phạm (tội phạm hóa) đối với 8 loại hành vi vi phạm nghiêm trọng trong các lĩnh vực kinh tế, gồm: vi phạm quy định về sử dụng điện; làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội; gian lận bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về cạnh tranh.

Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo