Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp điện tử Việt đang ở đâu?

Ngành điện tử thời gian qua vắng bóng doanh nghiệp Việt, do mất thị trường vào tay hàng ngoại. Nhưng phân khúc bình dân, hàng điện tử Việt vẫn âm thâm tồn tại.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, thị trường điện tử dân dụng Việt Nam vẫn rất giàu tiềm năng trong mắt nhà đầu tư ngoại. Bởi ngoài dân số đông hơn 90 triệu người, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử điện lạnh được dự báo sẽ tăng từ 7,3% lên 11,9%.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia (nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản), ở cả lĩnh vực sản xuất sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử. Trong khi các DN điện tử Việt Nam (kể cả DN lớn) phát triển chậm, thương hiệu mất dần và chỉ chiếm thị phần nhỏ trong nước.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, sự cải thiện trong thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tác động đáng kể đến tổng mức chi tiêu trên hộ gia đình, đặc biệt là chi vào các thiết bị điện tử dân dụng phục vụ gia đình. Điều này đang làm sống lại và có hướng phát triển tốt hơn đối với một số DN điện tử nội, khi chọn sản xuất nhóm sản phẩm phù hợp phân khúc thị trường.

Ông Lưu Hoàng Long - Chủ tịch VEIA cho biết, đến thời điểm này (tháng 7/2018) các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DNNVV, hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Vì vậy, DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công và phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Nếu có phần sản xuất nội địa, thì chỉ tập trung vào số rất ít linh kiện cơ khí, nhựa, cao su. Ngoài ra, DN điện tử trong nước gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp, khó có thể cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Quả vậy, trong một thời gian dài, Việt Nam có quá nhiều DN đầu tư vào điện tử dân dụng, nhưng chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối mà không tập trung đầu tư chiều sâu, công nghệ và tự động hoá, dẫn đến mất dần thương hiệu và không còn năng lực cạnh tranh. Ở khâu tiêu thụ, mặc dù thị trường trong nước rất giàu tiềm năng và hàng điện tử dân dụng (như thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí) chiếm khoảng 80%, với doanh thu chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Song thị phần đều nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân khiến DN Việt thua trên sân nhà. Ở tầm vĩ mô, so với DN vốn ngoại, DN Việt hầu như không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước (về miễn giảm thuế, chính sách đất đai…). Nếu sản xuất hàng xuất khẩu thì phải nhập khẩu linh kiện cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính…

Ở thị trường tiêu thụ, hàng điện tử Việt Nam không thể cạnh tranh với các thương hiệu điện tử nổi tiếng đến từ Nhật bản, Hàn Quốc. Bởi hầu hết sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Trong số 80% sản phẩm điện tử dân dụng, vai trò thực sự của các DN Việt gần như không có.

 

Điều này dẫn đến một thực tế, hàng điện tử dân dụng Việt Nam bị đẩy ra kinh doanh kiểu hàng giá rẻ, hàng chợ, phân khúc tiêu thụ thấp nhất. Mấy năm gần đây, thị trường bắt đầu xuất hiện một số DN Việt như Asanzo, Senko, Asia… với sản phẩm điện tử dân dụng có bán đại trà vào hệ thống các siêu thị, nhưng so sánh về giá cả và đối tượng tiêu thụ thì hàng Việt vẫn ở phân khúc giá rẻ (dưới 1 triệu đồng/sản phẩm).

Thậm chí, ở nhóm hàng đang làm mưa, làm gió trên thị trường là điện thoại thông minh thì sản phẩm của một số DN Việt cũng chỉ chọn phân khúc trung bình thấp.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết thêm, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN, với hành chục tỷ USD/năm. Nhưng đều nhờ sự tham gia của những tập đoàn quốc tế như Samsung mới có sự thay đổi diện mạo ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo