Pháp luật

Doanh nghiệp không muốn giãn thuế

Sau khi gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa có Thông tư 175/2012 TT-BTC hướng dẫn việc gia hạn nộp thuế GTGT đến tháng 4/2013. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại không muốn giãn nợ thuế vì lo... trả nợ.


Theo tính toán, trung bình mỗi doanh nghiệp được gia hạn hơn 57 triệu đồng thuế GTGT, 40 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn miễn, giảm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 9, tổng số thuế GTGT được gia hạn là khoảng 11.000 tỉ đồng cho 190.280 doanh nghiệp. Với con số này, trung bình, mỗi doanh nghiệp được gia hạn có 57 triệu đồng.

Tương tự, tổng số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giải quyết gia hạn là 2.933 tỉ đồng cho khoảng 71.640 đơn vị. Như vậy, ước trung bình, mỗi doanh nghiệp được gia hạn 40 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

 

 
Bộ Công Thương đề nghị giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5%  nhưng chỉ với 4 ngành dệt may, phân bón, hóa chất, da giày

Với tổng số 250,3 tỉ đồng giá trị giảm 50% tiền thuê đất 2012 cho khoảng 2.425 doanh nghiệp thì trung bình, mỗi doanh nghiệp được "nợ" 103 triệu đồng. Và với khoảng 10 tỉ đồng tiền miễn, hoàn thuế môn bài năm 2012 cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và làm muối thì có thể ước được mỗi hộ này được miễn 298.000 đồng.

Nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, đã đề nghị giảm thuế GTGT từ lâu nhưng không được chấp thuận. Trên thực tế, các biện pháp hỗ trợ có giá trị nhất đối với các doanh nghiệp là phải tháo gỡ đầu ra. Đồng tình quan điểm này, ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt cho rằng, muốn gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, Nhà nước cần giảm thuế, chứ không phải là gia hạn thuế. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cần cố gắng giảm nữa.

Có nên miễn, giảm thuế?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất thì vẫn nên là giảm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi nếu gia hạn thì vẫn là một món nợ treo lơ lửng. Điều đó “đau tim lắm” - một doanh nghiệp chia sẻ.

Một chuyên gia kinh tế còn cho rằng, các giải pháp giảm, giãn nộp thuế sẽ chất thêm gánh nặng về thuế cho năm 2013 như vậy nếu doanh nghiệp không thật sự “tỉnh” sẽ dẫn tới việc đổ vỡ “domino”.

Các biện pháp hỗ trợ có giá trị nhất đối với các doanh nghiệp là phải tháo gỡ đầu ra.


Trong khi đó, Bộ Công Thương vừa qua có đề cập "xin" giảm thuế  GTGT từ 10% xuống 5% nhưng chỉ "xin" cho 4 ngành dệt may, phân bón, hóa chất, da giày. Nhưng doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu thì cần giảm... thuế xuất nhập khẩu hơn.

Theo ông Trần Văn Phu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, số nợ đọng thuế của các doanh nghiệp hiện nay chiếm 6,8% tổng thu nội địa; trong đó số thuế chưa trả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 13% tổng nợ.

Trong khi đó, theo dự thảo Luật Quản lý thuế đang được Quốc hội thảo luận, người chậm nộp thuế bị phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp dưới 90 ngày, 0,07%/ngày nếu vượt quá 90 ngày.

Còn việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro và thời hạn kiểm tra là không quá 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Hiện nay, việc quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế quá ngắn (1 năm hoặc 6 tháng đối với tất cả các trường hợp hoàn trước, kiểm sau) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và vi phạm nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.


 

Tường Vy (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo