Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được hỗ trợ pháp lý

(DNVN) - Đó là ý kiến của ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm góp dý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra sáng nay (21/6).

Theo đó, ông Nam cho biết, xuất phát từ nhiều nguyên nhân bối cảnh và điều kiện Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đa phần được hình thành trên nền tảng nhận thức pháp lý còn yếu kém, trong một thời gian ngắn Nhà nước phải ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với các cam kết quốc tế do đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm bắt kịp, tâm lý tình cảm thói quen khi áp dụng pháp luật trong kinh doanh còn ít được doanh nghiệp chú ý đến, khi có những vấn đề phát lý phát sinh thì các doanh nghiệp thường hay tìm đến các quan hệ để giải quyết, hệ thống tổ chức luật sư tư vấn và doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành.

Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý, đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa xã hội cũng như trong quá trình xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Cũng theo ông Nam, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa đề cập đến vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách đậm nét, vai trò tham gia của Bộ Tư pháp đối với công tác tư vấn pháp lý chưa được thể hiện rõ nét.

Cụ thể, vị lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong Chương II dự thảo Luật, các nội dung hỗ trợ thường xuyên không thấy nội dung hỗ trợ pháp lý mà chỉ nói chung chung là hỗ trợ đào tạo, tư vấn thông tin. Trong khi đó, Nghị định 66 dành rất nhiều những nội dung hỗ trợ pháp lý như giải đáp trong quá trình thực thi pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Đặc biệt, ông Nam cũng cho biết, tại Dự thảo Luật, trong chương trình hỗ trợ mục tiêu không có chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và hỗ trợ hội nhập không được đề cập rõ nét".

Chính vì thế, ông Tô Hoài Nam đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xem xét đưa nội dung Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vào trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác hỗ trợ pháp lý kinh doanh.

Trước đó, tại buổi tọa đàm, trình bày Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, tại Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đãđề xuất Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập.

 

 Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư) trình bày Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, điều kiện được hỗ trợ được nêu rõ tại dự thảo như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm minh bạch trong hoạt động quản lý, tài chính; có sản phẩm mang tính ưu việt, đặc trưng và có lợi thế của Việt Nam trong xuất khẩu và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Đã hoặc đang xuất khẩu trực tiếp tới thị trường thuộc phạm vi của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); cung cấp trực tiếp nguyên liệu, dịch vụ đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp tới thị trường thuộc phạm vi của AEC và TPP.

Theo dự thảo, các thông tin hội nhập phục vụ hoạt động hội nhập của doanh nghiệp được cung cấp miễn phí trên các trang thông tin điện tử, các ấn phẩm của các bộ, ngành, địa phương gồm: Các hiệp định, cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; thông tin về thị trường, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia thị trường quốc tế; phân tích thị trường tiềm năng và các đối tác tiềm năng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ về tư vấn. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng tư vấn xây dựng và hoạch định chiến lược tham gia hội nhập; hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng tư vấn, đặt hàng và sử dụng dịch vụ trong nước nhằm mục đích cải tiến, phát triển, nâng cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế; hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng tư vấn giải pháp cấp chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của thị trường quốc tế; hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng dịch vụ của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác.

Theo dự thảo, thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp được đăng tải miễn phí trên các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của cơ quan chủ trì chương trình và các cơ quan quản lý chuyên ngành bằng tiếng Việt và ít nhất một ngoại ngữ khác; hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia sự kiện kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp quốc tế do cơ quan quản lý nhà nước chủ trì tổ chức; hỗ trợ một phần chi phí đào tạo doanh nghiệp trong nước làm nhà phân phối cho doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành cho cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, dự thảo nêu rõ, sẽ hỗ trợ tối đa 30% chi phí hợp đồng thuê tư vấn trong nước xây dựng hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp quốc tế; doanh nghiệp được đại diện của cơ quan chủ trì chương trình tham gia bảo vệ miễn phí quyền lợi hợp pháp trong các tranh chấp hợp đồng tại cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được ưu tiên vay vốn tín dụng xuất khẩu, ưu tiên tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo