Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo lỗ nặng vì tỷ giá tăng cao

Nếu tăng giá bán sản phẩm thì sợ sức mua chậm lại, còn giữ giá sẽ lỗ hàng trăm triệu đồng cho mỗi lô hàng do chênh lệch tỷ giá.

Giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại liên tục tăng với biên độ rộng trong thời gian qua. Cụ thể, lúc 15h30 hôm nay, giá USD tại nhiều ngân hàng vẫn neo ở mốc cao 23.000 - 23.070 đồng.

Trước đó vài ngày, giá bán USD của một số ngân hàng thậm chí vượt 23.100 đồng. So với đầu tháng 6, mỗi USD tăng 215 đồng còn nếu so với đầu năm, hiện mỗi USD cao hơn 365 đồng (tương đương tăng 1,5% giá trị).

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết hôm nay ở mức 22.630 đồng. Nếu tính chung từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ giá trung tâm tăng 225 đồng, từ mức 22.405 đồng, tương đương mức tăng gần 1%. Mức này theo lãnh đạo Ngân hàng nhà nước và các chuyên gia thì vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có gì đáng lo ngại. 

Tỷ giá USD/VND tăng khiến không ít doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ảnh: Anh Tú.

Việc tỷ giá tăng thời gian qua được cho là chịu ảnh hưởng bởi USD lên giá trên toàn cầu sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chênh lệch lãi suất VND - USD âm, ngoài ra còn do yếu tố tâm lý khi thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh.

Ngoài ra, còn có khả năng “rút vốn” của các nhà đầu tư ngoại. Thực tế, trên 2 sàn giao dịch chứng khoán HSX và HNX, khối ngoại đã bán ra một khối lượng lớn các cổ phiếu. Thêm vào đó, tháng 6 hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp nhập khẩu lên kế hoạch nhập và thanh toán định kỳ các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nhu yếu phẩm...

Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng phát đi thông điệp, giá đôla Mỹ tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Đồng thời, Nhà quản lý khẳng định cơ quan này sẵn sàng bán USD để can thiệp. Tỷ giá theo đó bớt tăng nóng và duy trì ổn định hai ngày qua.

Trên thực tế, giá USD tăng nhưng cung cầu ngoài thị trường không quá căng thẳng. Lãnh đạo một công ty sản xuất giấy tại TP HCM cho biết, đơn vị ông vẫn được các ngân hàng đáp ứng USD đầy đủ, với mức giá đúng bằng niêm yết. Theo ông, việc giá USD ngân hàng tăng sẽ giúp những doanh nghiệp xuất khẩu có lợi hơn. Bởi tỷ giá tăng đồng nghĩa với lợi nhuận tính ra tiền đồng dôi lên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng diễn biến này vẫn có thể gây sức ép bất lợi vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc nhập khẩu hàng hóa. Bởi giá USD tăng sẽ gây ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, chi phí vận tải... cũng tăng lên. Riêng các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ càng chịu ảnh hưởng khi phải tăng chi phí kinh doanh… Hơn nữa, tỷ giá tăng cũng không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát.

 

Lãnh đạo Công ty Hành Tinh Vàng - chuyên nhập các hạt nhựa tại Bình Tân cho biết, việc tỷ giá liên tục tăng trong thời gian gần đây khiến đơn hàng ký trước đó của công ty ông bị đội giá lên cao. "Chúng tôi đang đau đầu tìm cách để làm sao dung hòa giá sản phẩm khi bán ra không tăng cao mà công ty cũng bớt chịu lỗ", ông nói. 

Phó giám đốc một công ty sản xuất đồ nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo tính toán, công ty ông cũng có thể bị thiệt hơn 200 triệu đồng (tiền chênh lệch do tỷ giá tăng) cho một đơn hàng trị giá một triệu USD ký kết đầu tháng 6.

"Những thiệt hại này sẽ tác động vào giá thành, nếu chúng tôi không tăng giá thì công ty chịu lỗ. Còn nếu chấp nhận tăng lại dễ gây ra sự tăng giá dây chuyền khiến sức tiêu thụ hàng chậm hơn", ông chia sẻ.

Các công ty chuyên về xuất khẩu tưởng chừng sẽ có lợi thế khi tỷ giá tăng, nhưng thực tế thì không ít đơn vị lại tỏ ra lo lắng. Một lãnh đạo công ty may mặc tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc than thở, mới đây doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước dựa vào việc USD tăng để "té nước theo mưa" tăng giá nguyên liệu cao hơn tốc độ tăng tỷ giá.

"Hôm qua, một đối tác cung cấp nguyên liệu cho công ty tôi đã đặt vấn đề tăng giá 4%. Điều này khiến chúng tôi lo lắng chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa khi xuất khẩu", ông nói.

 

Đó là chưa kể sản phẩm của nhiều công ty xuất khẩu hiện nay chủ yếu được làm từ nguyên liệu nhập khẩu. "Khoản lợi từ việc xuất khẩu sản phẩm khó có thể bù nổi khoản thiệt hại từ việc tăng giá của nguyên liệu đầu vào", đại diện công ty dệt may nói. Theo ông, thời gian qua, nhiều đơn hàng xuất khẩu của công ty đã giảm đi do bị "chê" giá cao. Nay tỷ giá tăng, kéo theo nguyên liệu đầu vào tăng cao càng làm cho giá thành sản phẩm của doanh nghiệp đội lên.

Cuộc khảo sát do HSBC và FT Remark thực hiện (với 200 giám đốc tài chính và gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn từ các các công ty đa quốc gia) mới đây cũng cho thấy hơn một nửa các CFO tin rằng rủi ro biến động tỷ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những quan ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo