Hỗ trợ doanh nghiệp

64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh

DNVN - Việc có tới 64% doanh nghiệp chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trước diễn biến chính sách từ thị trường lớn và khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp, chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.

Doanh nghiệp xăng dầu đề xuất giảm mức tổng nguồn được phân giao / Chính sách hỗ trợ phải nhanh, trực tiếp vào đối tượng bị ảnh hưởng bão số 3

Sẵn sàng chuyển đổi xanh mới ở mức thấp

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh".

Kết quả báo cáo dựa trên khảo sát hơn 2.700 doanh nghiệp (DN), thảo luận bàn tròn với sự tham gia của lãnh đạo gần 50 hiệp hội và các DN dẫn đầu các chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nước; thực địa một số nhà máy; tham vấn các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước.

Kết quả khảo sát cho thấy, 48,7% DN đánh giá giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết/rất cần thiết, trong đó 16,9% đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có 17,4% đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết và 33,9% đánh giá tính cần thiết của việc chuyển đổi này chỉ ở mức độ bình thường.

Các DN ngành nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá mức độ cần thiết chuyển đổi cao hơn so với DN ngành xây dựng, dịch vụ. Các DN FDI có tỷ lệ đánh giá cần thiết phải giảm phát thải, chuyển đổi xanh cao hơn một chút so với DN trong nước (55,2% so với 48%). Ngoài ra, DN có doanh thu càng lớn thì đánh giá mức độ cần thiết càng cao.


Dù cho rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết/rất cần thiết nhưng có tới 64% doanh nghiệp cho biết "chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh".

Đáng chú ý, liên quan đến mức độ sẵn sàng của DN trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh, có đến 64% DN được khảo sát “chưa chuẩn bị gì”. Các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm” chỉ có 5,5% DN tham gia khảo sát cho biết “đã thực hiện”. Tỉ lệ DN “đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm” chỉ ở mức 3,8%.

"Với các diễn biến chính sách từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và nội luật hóa ở Việt Nam, việc các DN dường như chưa chuẩn bị gì sẽ tạo ra những sức ép rất lớn trong tương lai khi các quy định hết thời gian chuyển tiếp và chuyển sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ", bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban IV nhận định.

Các DN chỉ hoạt động nội địa có mức độ sẵn sàng không cao như các DN hoạt động hướng đến xuất khẩu. Trong khi 68,7% DN có phạm vi hoạt động trong nước chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh thì tỷ lệ này ở DN có phạm vi hoạt động ở nước ngoài và cả nội địa và nước ngoài đều thấp hơn, lần lượt là 53,7% và 55,6%.

3 rào cản lớn nhất

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, DN gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh. Trong đó, 3 khó khăn lớn nhất gồm: nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn, các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp.

50% DN được khảo sát cho rằng họ gặp phải khó khăn về vốn và chỉ có 5,9% cho rằng không có khó khăn gì về vấn đề này.

"Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi DN rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng. Sau hơn 10 năm, tài chính xanh được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít", Giám đốc Văn phòng Ban IV đánh giá.

Nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh là khó khăn thứ hai mà DN gặp phải với tỷ lệ 46,8%. Kết quả thực địa cũng cho thấy DN không biết tìm nguồn nhân lực ở đâu do giảm phát thải là lĩnh vực mới, đặc thù.

Nhiều DN tiến hành kiểm kê khí nhà kính với sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn chủ yếu gồm các chuyên gia từ lĩnh vực kiểm toán năng lượng, chưa bảo đảm toàn diện các yêu cầu của kiểm kê khí nhà kính.

Khó khăn thứ ba được DN trong khảo sát nêu ra là các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp với tỷ lệ 44,2%. Chỉ có 6,3% DN được khảo sát cho biết là không gặp khó khăn gì. Kết quả thực địa cho thấy, dù có nhiều tổ chức, công ty tư vấn tiếp cận nhưng DN vẫn khó đưa ra các lựa chọn cụ thể do các tổ chức, công ty tư vấn hoạt động không đồng nhất, giá tư vấn và hình thức tư vấn cũng có sự khác biệt và chênh lệch.

Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin chính sách liên quan đến giảm phát thải cũng như xây dựng chiến lược giảm phát thải, chuyển đổi xanh.

Cần hành động ngay

Từ thực trạng trên, Ban IV cho rằng, Việt Nam cần hành động ngay để bắt kịp yêu cầu, xu thế từ các thị trường, đối tác thương mại chính.

Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn.... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn… cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng. Qua đó, DN có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.

So với nhiều quốc gia trong khu vực, việc tạo lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang tỏ ra chậm trễ ở một số khía cạnh và cần các Bộ, ngành đầu mối quyết tâm thúc đẩy đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ loạt DN tiên phong thích nghi với "cuộc chơi" mới. Trong đó, cần đặc biệt tập trung vào các vấn đề: tài chính xanh, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng. Từ đó tạo mẫu và động lực cho diện rộng DN cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu chung quốc gia.

Ở góc độ DN, Ban IV kiến nghị tập trung vào hỗ trợ DN để giảm bớt chi phí thực hiện chuyển đổi xanh thông qua ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng xanh...

Để giúp DN vượt qua các rào cản liên quan đến vốn, giải pháp kỹ thuật, nhân sự chuyên môn, các giải pháp trọng tâm cần thực hiện là ban hành danh mục dự án xanh, các tiêu chí xanh trong các lĩnh vực để hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn tài chính xanh; đẩy mạnh các chương trình chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ xanh đến các doanh nghiệp trong các ngành cụ thể.

Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nhân lực liên quan đến kiểm kê khí thải nhà kính, thị trường tín chỉ carbon cần truyền thông chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh đến DN hiệu quả và kịp thời hơn.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm