Hỗ trợ doanh nghiệp

Ba nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

DNVN - Ngày 10/10, Sở Công Thương Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam và một số đơn vị hữu quan tổ chức hội thảo kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.

Quảng Nam, Đà Nẵng chủ động ứng phó bão KOINU / Lần đầu tiên lễ hội bia Đức GBA Oktoberfest đến với Đà Nẵng

Xu hướng chủ đạo

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Hội thảo “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững do doanh nghiệp” sáng 10/10.

Hội thảo “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp” sáng 10/10.

“Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp (DN). Hội thảo lần này nhằm tăng cường phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về Net Zero vào năm 2050”, bà Nguyễn Thị Thúy Mai nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, DN đã kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức, cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định. Trong đó, nêu lên thực trạng hoạt động xuất khẩu của DN sản xuất công nghiệp trước các yêu cầu xanh hoá sản xuất của thị trường hiện nay.

Hội thảo cũng bàn thảo về bức tranh phát thải toàn cầu chuỗi cung ứng, tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn; tổng quan chuyển đổi xanh, quy định pháp luật của Việt Nam về Net Zero và lộ trình thực hiện.

Ba nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, để thực hiện mục tiêu Net Zero và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, ngành công thương chịu trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng ba nhóm giải pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN

Đó là áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch – nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính hiện nay.

Các giải pháp này đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và được Chính phủ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2006 đến nay và tiếp tục thực hiện đến năm 2030.

Ông Phương Hoàng Kim phát biểu tại hội thảo.

Ông Phương Hoàng Kim phát biểu tại hội thảo.

Thứ hai là khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen... Việc gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng này cũng làm giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như hiện nay.

Để hỗ trợ thực hiện các giải pháp này, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các loại hình năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ chất thải...

Giải phát thứ ba là áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất. Giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của DN.

Để hỗ trợ giải pháp này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp từ năm 2009 và đã được nâng cấp, bổ sung nội dung thực hiện thành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đang được Bộ Công Thương chủ trì triển khai thực hiện theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, ông Phương Hoàng Kim nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu Net Zero, bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng DN phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023; xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi; các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm