Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp phát huy đúng tiềm lực

DNVN - Theo nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp trong thu thập và cung cấp dữ liệu về sản xuất, rủi ro thiệt hại, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên.

Doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 được dừng đóng bảo hiểm xã hội / Bảo hiểm Corona++ cho hành khách bay nội địa

Nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, sản xuất nông nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro bao gồm rủi ro nội tại (nguồn giống, dịch bệnh, kỹ thuật và công nghệ) và rủi ro bên ngoài (thời tiết, khí hậu thất thường và thiên tại bất ngờ).

Những cụm từ như: “nắng nóng kỷ lục”, “mưa lớn kỷ lục”, “kỷ lục về lũ lụt” đang ngày càng trở nên phổ biến trên báo chí truyền thông cũng như phổ biến hơn đối với người dân. Tác động của các hiện tượng cực đoan trong năm vừa qua đã diễn ra nhanh hơn dự kiến so với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều này đặt ra yêu cầu về các giải pháp cấp bách để quản lý rủi ro cho ngành nông nghiệp nhằm nâng cao tính chống chịu và ổn định sinh kế hộ nông dân, giữ vững mức tăng trưởng của ngành trong tương lai.

Trong đó, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được xem là một công cụ quản lý rủi ro khá hiệu quả thông qua cơ chế thị trường. BHNN không chỉ giúp nông dân nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro và khả năng phục hồi, mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đa dạng hóa các sản phẩm tạo ra lợi nhuận, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách trong việc hỗ trợ trực tiếp nông dân tại các vùng bị thiệt hại trong dài hạn.

BHNN đang được triển khai ở phạm vi ngày càng rộng hơn.

Trên thực tế, BHNN được triển khai rất sớm ở Việt Nam từ năm 1982 và trải qua rất nhiều lần thực hiện thí điểm, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Sự ra đời Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về BHNN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng cụ này.

BHNN đang được triển khai ở phạm vi ngày càng rộng hơn, nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn còn bộc lộ những khó khăn hạn chế cần được khắc phục.

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, để có thể triển khai thành công BHNN, dịch vụ BHNN cần hoạt động theo cơ chế thị trường dựa theo khả năng cung cấp dịch vụ của các DNBH và nhu cầu mua bảo hiểm của người dân, Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ để khắc phục các thất bại của thị trường.

Cần phân chia các rủi ro, mức độ rủi ro thành các lớp khác nhau, từ đó có các chính sách phù hợp giữa chính sách xã hội và quản lý rủi ro.

“Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích người dân tham gia BHNN như thông qua tuyên truyền hoặc bắt buộc trong một số trường hợp nhất định. Đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thu thập và cung cấp dữ liệu về sản xuất, rủi ro và thiệt hại; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên tại các DNBH”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, cần xây dựng hành lang pháp lý trong dài hạn đối với loại hình BHNN. Các quốc gia thành công nhất trong áp dụng BHNN theo hình thức công - tư đến nay đều ban hành luật riêng cho BHNN, điển hình như: Luật Bảo hiểm nông nghiệp năm 1978 của Tây Ban Nha, Đạo luật Bảo hiểm nông nghiệp năm 2005 của Thổ Nhĩ Kỳ, Đạo luật Bảo hiểm thiên tai cho cây trồng năm 2001 của Hàn Quốc, Đạo luật Bảo hiểm cây trồng Liên bang năm 1980 của Mỹ.

Hành lang pháp lý này nên xây dựng theo hướng tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm nhưng cần phải xem xét lại mức hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như: giảm mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho những hộ nghèo và cận nghèo, tăng mức hỗ trợ phí cho nhóm hộ sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và các tổ chức sản xuất.

Nghiên cứu tích hợp BHNN vào mục tiêu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và các chương trình hỗ trợ khác nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của người dân. Ưu tiên phát triển BHNN hướng tới các mặt hàng chủ lực và nhóm đối tượng có khả năng chi trả cao và nhóm sản phẩm lợi thế.

“Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm BHNN và cung cấp các hỗ trợ cho nghiên cứu thị trường, từ đó có thể xác định các sản phẩm bảo hiểm tiềm năng, phù hợp và có sức hấp dẫn cao với nông dân (đặc biệt là sản phẩm thủy sản)”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm