Cạnh tranh

Áp thuế chống bán phá với thép cán nóng nhập khẩu: Nên hay không?

DNVN - Thông tin hai doanh nghiệp lớn sản xuất thép cán nóng (HRC) mới đây đệ đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam được các bên quan tâm, trăn trở: Nên hay không nên?

Thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Ấn Độ / Mật ong Việt Nam bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá

Nguy cơ phá sản là hiện hữu

Ngày 26/3, 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo hai DN, đây là động thái nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép cán nóng trong nước. Trong hồ sơ yêu cầu khởi xướng điều tra đã thể hiện các dữ liệu về tình hình thị trường, tình hình sản xuất, nhập khẩu sản phẩm HRC.

Phản ứng mạnh mẽ trước thông tin này, 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen, đồng thuận gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan bày tỏ lo ngại nếu Việt Nam khởi xướng điều tra, áp thuế CBPG đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây ra những hậu quả rất tiêu cực không chỉ đối với ngành thép mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế, xã hội.

Đại diện cho 9 DN tôn mạ, ống thép, ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Hoa Sen cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tổng nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng từ 11- 13 triệu tấn. Để đáp ứng yêu cầu 11 - 13 triệu tấn này, Việt Nam có 2 nguồn, một là mua HRC từ hai DN duy nhất ở Việt Nam đang sản xuất được HRC (năm 2023 hai DN chỉ đáp ứng được 3,4 triệu tấn). Phần còn lại khoảng 8 triệu tấn DN phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia, không chỉ từ Trung Quốc.

Ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Hoa Sen.

Về căn bản, hai DN chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Nếu thông qua thuế CBPG sẽ tác động vô cùng nghiêm trọng đến các DN như Hoa Sen.

"Chúng tôi sẽ bị tác động bởi hai khía cạnh ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa khi áp thuế CBPG với HRC thì giá HRC sẽ tăng lên, tức là nguyên liệu đầu vào tăng lên, từ đó đẩy giá thành sản phẩm tôn mạ, thép tăng lên.

Nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nên DN luôn phải mua HRC với giá cao hơn nhập khẩu từ 10 - 20 USD/tấn, thậm chí có lúc lên tới 40 - 50 USD/tấn. Nếu bây giờ áp thuế thì giá còn cao hơn, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường nội địa phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nếu áp thuế thì phải tăng giá bán, không cạnh tranh được với thành phẩm hàng nhập khẩu ngay tại Việt Nam, DN chúng tôi thua ngay trên sân nhà", ông Thanh chia sẻ.

Ở góc độ chuyên gia, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần nhìn nhận lại thị trường thép Việt Nam. Trước hết về mặt kỹ thuật cần phải xử lý. Không thể tự dưng áp thuế CBPG, buộc phải chứng minh có bán phá giá, lúc đó mới áp được thuế CBPG. Và nếu áp thuế thì áp ở mức nào?

Điều quan trọng hơn rất nhiều là các công cụ thương mại này thông thường không phải là vô hạn mãi mãi mà có thời hạn. Việt Nam sẽ áp thuế CBPG này trong bao lâu, nhằm mục tiêu gì?

Tất cả vì lợi ích chung của mọi DN nội địa Việt Nam không phải chỉ riêng các DN sản xuất thép cán nóng hay DN tiêu thụ HRC mà còn hàng loạt các bên liên quan.

Các DN sản xuất trong nước không thiệt hại?

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, để ra quyết định áp thuế CBPG cần cân đối giữa bảo vệ quyền của DN nộp đơn và bảo vệ thị trường. Thị trường bao gồm rất nhiều DN khác và cả người tiêu dùng. Quyết định chính sách phải cân nhắc rất cụ thể.

Các quốc gia có quyền bảo hộ sản xuất trong nước, tức là các DN sản xuất mặt hàng đó có liên quan trong nước, nhưng tác dụng phụ là ảnh hưởng đến người tiêu dùng, bao gồm cả người tiêu dùng công nghiệp vì phải trả giá cao hơn.


Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự.

Về lâu dài, tác động của CBPG thực chất là kích thích các DN trong nước phải đổi mới để làm sao giá thành hạ xuống, không được bán giá cao hơn so với hàng nhập khẩu. Khi hàng nhập khẩu rẻ đi thì DN phải thay đổi công nghệ và quản lý để giảm giá sản phẩm.

Tác động trực tiếp là các DN như Hoà Phát, Formosa cảm thấy bị thiệt hại. Đây là yếu tố rất quan trọng. Họ sẽ chứng minh yếu tố thiệt hại bởi vì không cạnh tranh được với giá nhập khẩu rẻ hơn.

Tuy vậy, theo ông Vũ Văn Thanh, ngành sản xuất thép cán nóng Việt Nam không bị thiệt hại gì mà ngược lại đang có lợi thế để phát triển.

"Hoà Phát công bố trên báo chí rằng sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Nếu sản xuất đến đâu bán hết đến đó thì không có chuyện bị hàng tồn kho vì không bán được do giá cao. Khi sản xuất với công suất tối đa thì không có thiệt hại về nhân công, chỉ có tăng nhân công, không có thiệt hại về việc làm. Chưa kể họ luôn bán giá cao hơn so với giá nhập khẩu.

Tôi gần như chắc chắn rằng không có sự thiệt hại của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam. Cung không đủ cầu thì không có thiệt hại. Một nguyên lý rất đơn giản của kinh tế thị trường. Cung không đủ cầu thì sẽ có giá bán tốt, cộng với việc các DN tôn mạ và ống thép Việt Nam phải mua để đáp ứng nguồn gốc xuất xứ. Với hai lý do này, họ không việc gì phải bán giá thấp, phải tận dụng để tối đa hoá lợi nhuận", Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Hoa Sen lý giải.

Chính phủ và doanh nghiệp phải đồng hành với nhau

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết, việc ban hành một lệnh hay quyết định áp thuế CBPG là vấn đề chính sách, mà đã là chính sách thì phải cân nhắc rất cẩn trọng.

Từ góc độ DN nộp đơn, đây là việc DN thực thi quyền của họ theo quy định của WTO và Luật Ngoại thương trong nước. Formosa và Hoà Phát có sản lượng chiếm lĩnh trên 50% thị trường nên họ có tư cách nộp đơn lên các cơ quan hữu quan bởi họ đại diện cho ngành thép Việt Nam liên quan đến sản phẩm này. Việc họ nộp đơn là có cơ sở pháp lý.

Trong trường hợp này, Bộ Công Thương có trách nhiệm tham vấn chuyên gia và các DN. Các DN như Hoa Sen có quyền trình bày ở quy trình tham vấn đó.

Hoa Sen sẽ phải chứng minh nếu Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế CBPG thì DN bị thiệt hại. Nếu Bộ Công Thương chấp nhận đơn đề nghị của hai DN đệ đơn sẽ gây thiệt hại cho Hoa Sen.

Thiệt hại của Hoa Sen cũng là thiệt hại của một ngành sản xuất chính đáng. DN có quyền chính đáng của mình và có thể sử dụng quyền tham vấn. Theo đó, có đơn đề nghị Bộ Công Thương không ban hành quyết định điều tra CBPG. Nếu Bộ Công Thương bác đề nghị này thì Hoa Sen sẽ đặt vị trí của mình ngang hàng như bên đệ đơn và nên đi đến cùng, tức là có thể giải quyết bằng con đường toà án. Để bảo vệ mình thì DN phải đi đến cùng. Chính phủ và DN phải đồng hành với nhau. Chính phủ phải lắng nghe các bên, lắng nghe các lập luận, là cơ sở để ra quyết định đúng đắn.

Về vấn đề này, theo TS Nguyễn Đình Ánh, những thông tin, lập luận từ Hoa Sen hoàn toàn có thể cung cấp cho cơ quan chức năng để cân nhắc.

Thị trường thép có thể đưa ra lập luận về việc liệu áp thuế CBPG có cơ sở, căn cứ hay không? Nếu áp thuế thì tác động như thế nào đến tất cả các bên liên quan. Cần bổ sung thêm các chứng cứ, con số cụ thể.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm